LỜI NÓI ĐẦU
Một khi mức sống của người dân được dần nâng cao, người ta nghĩ đến làm sao cho cuộc sống ngày càng đẹp hơn, ngày càng thi vị hơn. Để đạt được mục đích đó, một số người tạo cho mình những chậu cây cảnh, những chậu bonsai đủ hình, đủ dạng; Người thì thích thưởng ngoạn những hòn đá có màu sắc, hình thù kỳ dị; Người thì chơi gốc cây, gỗ lũa; Một số người có kiến thức (và có nhiều tiền) thì sưu tầm đồ cổ; Một số người thì chơi phong lan, nhiều thì một vườn, một nhà có mái che, ít thì cũng dăm ba giò lan đặt nơi phòng khách. Tôi cũng thuộc vào dạng người thích nhưng không có điều kiện để có một vườn lan như mong muốn. Trồng lan, chăm sóc lan và thưởng lãm lan vừa có tính khoa học kỹ thuật lại vừa có tính nghệ thuật, đồng thời qua việc trồng và chăm sóc lan lại giúp cho con người được thư thái, rất tốt cho sức khỏe. Tôi cũng có sự đam mê, song tôi lại là “tay mơ” về kỹ thuật trồng và chăm sóc lan. Tôi nghĩ những người không hiểu biết sâu như tôi chắc cũng không phải là ít, đặc biệt là những người mới chập chững bước vào lĩnh vực này. Và tôi cũng nghĩ, những người như tôi cũng rất muốn được học hỏi kinh nghiệm từ những người “chuyên nghiệp” mà họ đã tích lũy được qua thực tế, qua thực tập hay qua sách vở. Song, điều đáng buồn là không phải ai cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho người khác!
Tôi đã từng thất bại khi làm theo các sách trồng lan của Âu – Mỹ. Không phải sách viết sai, mà cái chính là tôi không đủ thông minh để hiểu rằng, khi hậu, thời tiết và các điều kiện khác không giống với Việt Nam, đặc biệt là ở miền nam nước ta. Vì những suy nghĩ như vậy nên tôi mạnh dạn biên soạn một cuốn sách dựa trên những tài liệu tôi sưu tầm được và một số rất ít ý kiến chỉ bảo của những người mà tôi đã gặp. Trong cuốn sách này tôi đã thêm một chương III (so với bản thảo trước) để nói riêng về cách trồng lan ở châu Á, đặc biệt là lan châu Á nhiệt đới.
Tôi không phải là một kỹ sư nông nghiệp, cũng không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này mà chỉ có lòng đam mê muốn hiểu biết, vì lẽ đó việc biên soạn cuốn sách sẽ không tránh khỏi những sai sót về lý thuyết, thuật ngữ cũng như về thực tế. Cho nên, cuốn sách được biên soạn trước hết là dành cho tôi, nếu nó đóng góp được một chút gì đó cho những người mới bước chân vào lãnh địa của họ hàng nhà lan, thì đối với tôi đó là một sự động viên vô giá. Tôi vô cùng biết ơn những bạn nào đọc cuốn sách này và có những nhận xét (được và chưa được) để tôi sửa chữa cho hoàn chỉnh.
Tôi cũng xin tỏ lòng biết ơn những thành viên trong gia đình tôi đã động viên tôi tiến hành biên soạn cuốn sách, cung cấp thêm cho tôi tư liệu. Đặc biệt biết ơn cô em họ Phạm thị Nga, đang sống ở Hoa Kỳ đã cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quý.
P.T.K Quay lại trang chính