THAY CHẬU
Tác giả: Stephen R. Batchelor
Nguồn : kenhantan.com ( của Bác Phạm tiến Khoa )
Hầu hết những người trồng lan phải đối diện với một việc vặt bất đắc dĩ là thay chậu cho cây lan của họ. Dù cho cái việc này là không hấp dẫn, song đó là một việc cần thiết. Như đã trình bày ở phần trước trong loạt bài này, rất không may là những chất trồng hữu cơ đã phân hủy thành mùn, một thứ mà bản thân nó chẳng có gì để cho rễ hấp thụ. Trong một chất trồng đã bị phân hủy rễ ít khi có đủ oxygen để tồn tại và thực hiện các chức năng của nó (xem hình bên dưới). Vì vậy việc thay chậu cần làm trước khi các chất trồng bị phân hủy, để tránh bị hư bộ rễ. Nhắc lại một lần nữa rằng bộ rễ khỏe tức là cây lan khỏe!
Hình trên: Mặc dù chất trồng dưới dạng sợi dớn, nhưng chúng vẫn bị phân hủy. Nếu cứ để cho cây lan ở trong chất trồng trước khi chúng bị phân hủy thì chúng cũng làm hư hỏng hoàn toàn bộ rễ của cây Epidendrum này. Ảnh: Stephen R. Batchelor.
Những cây lan đa thân phát triển nhanh ( đối với những cây phát triển ngang trên bộ thân rễ) có thể thay chậu trước khi chất trồng bị mục. Một cây lan phát triển ra ngoài chậu và thân của chúng mọc nửa trong nửa ngoài cũng cần phải thay chậu hoặc là tách chiết chúng trước khi chúng vượt khỏi tầm tay chúng ta!
KHI NÀO THAY CHẬU
Việc thay chậu không tránh được làm cho chậu bị bể. Đối với những chuyên gia trồng lan thì có thể hạn chế việc bể chậu. Đúng thế sẽ có những tổn thương trong quá trình thay chất trồng cũ bằng chất trồng mới. Dù sao việc hư hại một ít rễ khi thay chậu không thể so sánh với hầu hết bộ rễ bị hư hại nếu để cho chất trồng bị hư mục vì ta chậm thay chậu. Những rễ mới sẽ khắc phục được sự hư hỏng một ít rễ khi thay chậu. Vì lý do đó, sẽ là rất quan trọng ta thay chậu vào thời điểm cây lan vừa mới ra rễ mới hoặc các rễ mới có triển vọng phát triển. Để giải thích điều này, hãy xem cây Calanthes vào thời kỳ rụng lá. Giống như một số loài lan, chúng có một thời gian nghỉ rõ rệt. Thời gian nghỉ của giống này thường tiếp theo chồi mới đã phát triển đầy đủ, các lá đã rụng hết và cuối cùng là phát hoa. Việc thay chậu cho cây này cần làm hàng năm, trình tự tiến hành là sau khi hoa đã tàn thì lấy chúng ra khỏi chậu và tách chiết chúng, giữ nguyên các giả hành và để bộ rễ trần (không chèn các chất trồng) cho đế khi chồi mới hình thành. Chỉ đến lúc đó chúng ta mới đưa chúng vào chậu mới. Thay chậu sau khi chồi mới đã hình thành sẽ được bắt đầu ngay khi thấy đã có rễ mới mập mạp. Đây là lúc đặt chất trồng mới vào cho cây lan, câyCalanthes sẽ phát triển nhanh trong chất trồng mới, và bắt đầu hấp thụ nước và dinh dưỡng để phát triển và ra hoa kế tiếp. Cần quyết định coi một cây lan mới có thể ra rễ mới ở thời điểm thay chậu hay không là điều quan trọng đối với một cây lan mà không cần xác định chu kỳ nghỉ của nó. Hầu hết các loài thuộc giống Cattleya lai đều có thể ra rễ ở bất kỳ thời điểm nào. Mặc dù vậy việc việc thay chậu cho một cây khi có giả hành mới xuất hiện hoặc chúng đã có bộ rễ là thời điểm thích hợp nhất. Thực tế đó có nghĩa là chúng sẽ phát triển nhanh trong các chất trồng mới. Chờ cho đến khi rễ mới hình thành một cách đầy đủ từ chồi mới không phải là ý tưởng hay, không những bởi vì các rễ mới mọc xuyên qua không được như ý mà còn bởi vì những rễ phơi ra sẽ bị gẫy dập do va đập trong khi thay chậu.
Với một giả hành mới hình thành, cũng là lúc chúng ra rễ mới, cây Cattleya lai này trồng trong than bùn, cần ưu tiên để thay chậu. Trong lúc thay chậu cần lưu ý đừng để đầu rễ bị hư hỏng.
Đúng vào thời điểm thay chậu cũng cần lưu ý đến chu kỳ ra hoa của cây lan. Vì thay chất trồng cũng phần nào làm cho cây lan bị sốc, thay chậu vào thời điểm cây lan đang ra nụ có nhiều rủi ro. Nếu thay chậu vào lúc này thì các nụ hoa sẽ bị héo rụng. Chí ít thì cũng giảm thiểu kích thước và sự tồn tại của hoa.
Đôi khi thời điểm thay chậu trùng hợp với giai đoạn rễ phát triển tốt thì cũng không khả thi, do chất trồng đã phân hủy một cách nguy hiểm. Trong trường hợp này thì tốt nhất là thay chậu trước khi cả bộ rễ đã bị hư hại, và để kích thích cho rễ mới hình thành trong một chất trồng mới, như vậy là tạo điều kiện tốt cho cây lan tồn tại. Kết quả hoặc là mức độ oxygen tăng cao hơn hoặc là ít có khả năng bị sâu bệnh tấn công, cây lan có một ít rễ còn sống (và số lượng rễ sống này cũng kha khá) đều có khuynh hướng hình thành những rễ mới trong chất trồng khô hơn là trong môi trường chất trồng bị ẩm ướt. Sau khi hạn chế việc tưới nước, làm cho chất trồng trở nên khô, đây là thời kỳ cưỡng bức rễ phát triển. Việc này có thể thực hiện bằng cách làm cho cây lan hô hấp mạnh hơn (tạo sự mất nước) như là tăng độ ẩm, giảm cường độ sáng vân vân, cho đến khi thấy rễ mới hình thành và bò lan ra. Có nhiều nhà trồng lan thực hiện một biện pháp rất có giá trị, đó là chỉ đặt cây lan vào chậu khi nào rễ mới hình thành, họ chỉ bỏ cây lan vào trong một cái túi, đặt dưới băng ghế, hoặc đặt trên một miếng giá thể ẩm để làm cho cây lan sống trong điều kiện hô hấp chậm hơn.
TRÌNH TỰ THAY CHẬU
Khi nào thấy một loài lan đa thân phát triển ra ngoài chậu thì đó là lúc cần phải thay chậu. Đối với những loài lan phát triển theo chiều thẳng đứng (lan đơn thân), thì đây không phải là lý do cần phải thay chậu. Cần quyết định xem việc thay chậu có cần thiết không bởi vì phải kiểm tra coi chất trồng đã bị phân chủy chưa. Khi các chất trồng bị vỡ ra trở nên ít xốp hơn vì thế không khí trong chậu cũng ít hơn. Nếu trong chậu có ít chất trồng thì cũng dễ thấy sự phân hủy của chúng (xem hình dưới). Nên có một cuộc kiểm tra rễ trên các bề mặt mà ta thấy được coi chúng có biểu lộ sự suy tàn không, như hình minh hoa ở dưới. Như đã trình bày ở phần trên, ta lay nhẹ cây lan coi rễ còn bám chắc không.
Mặc dù cây Cattleya lai này không mọc tràn ra thành chậu, tuy vậy mà ta vẫn cần phải thay chậu vì các chất trồng đã bị mục nát. Sự phân hủy chất trồng được thể hiện ở tình trạng chúng co lại để một khoảng hở ở thành chậu và rễ trên bề mặt chất trồng đã bị phân hủy.
Khi kéo một cây đang trồng trong chậu một cách dễ dàng thì chứng tỏ rễ lan đã bị hư hỏng. Dùng một cái que hoặc ngón tay để kiểm tra coi chất trồng đã bị phân hủy chưa, nếu chúng không còn liên kết với nhau nữa thì cần phải thay ngay bằng chất trồng mới.
Một khi đã quyết định thay chậu, vì bất kỳ lý do nào, điều hợp lý đầu tiên là lấy cây lan ra khỏi chậu. Nhiều người trồng lan có hiểu biết thì thực hiện bước này khi chất trồng vẫn còn ẩm. Nếu ngay cả khi chất trồng vẫn còn ẩm mà không lấy được cây ra thì ta dùng một con dao lia quanh bề mặt trong của chậu như vậy sẽ tách rời cây và chất trồng ra khỏi chậu.
HÌNH 1 — Cây Potinara Golden Delight ‘Tangerine” này đã phát triển ra ngoài thành chậu. Hai chồi mới hình thành khi rễ đã bắt đầu xuất hiện. Đây chính là lúc ta phải thay chậu.
Một khi cây được đưa ra khỏi chậu lần đầu có thể quan sát một cách đầy đủ tình trạng rễ và chất trồng. Bây giờ có thể có chút phân vân rằng đã nên thay chậu hay chưa. Nếu chất trồng bên trong đã bị phân hủy thì thấy rất rõ, và ngay lập tức chúng ta buộc phải thay chậu. Nhưng nếu chúng ta quan sát từ rễ đến chất trồng và mọi thứ khác vẫn chưa bị phân hủy và màu còn sáng thì chúng ta cần coi lại (xem hình 2). Vậy thì chúng còn được sử dụng mấy năm nữa? Như vậy thì việc thay chậu cũng có thể hoãn lại. Đưa cây lan trở lại chậu và cũng chẳng cần quấy rầy chúng nữa. Mặt khác, nếu chậu lại trở nên quá nhỏ với cây lan, thì đơn giản là đưa cả cây lan và chất trồng cũ vào trong một chậu lớn hơn, bổ sung thêm một ít chất trồng mới
Hình 2 – với chất trồng ẩm, việc lấy cây lan ra sẽ dễ dàng – sau khi kéo ra mà thấy rễ còn tươi và khỏe mạnh và chất trồng chưa bị phân hủy.
Lúc đó trong một chậu sẽ có hai trạng thái chất trồng khác nhau, và trong bất cứ trường hợp nào, thì số chất trồng cũ đến một lúc nào đó sẽ phải thay do vây cách tốt nhất là cứ thay toàn bộ bằng chất trồng mới.
Việc lấy chất trồng cũ ra cần phải làm cẩn thận để tránh làm hư hỏng rễ vẫn còn sống. Dù sao thì cũng không tránh khỏi một số rễ bị gẫy đứt. Cuối cùng thì lấy hết chất trồng cũ ra, đồng thời cắt bỏ những rễ bị gẫy, bị chết, nhớ dùng dao hoặc kéo đã sát trùng. Điều này sẽ làm giảm sự lây nhiễm. Bước thay chậu này cũng là một dịp tốt để chỉnh trang lại cây lan bằng cách cắt bỏ đi những giả hành đã chết, các vỏ lụa bao thân, các lá và giả hành chết hoặc bị bệnh vân vân. Trong khi thay chậu, cũng có người thấy đây là thời điểm để ta tách chiết những cây quá lớn (xem hình 3).
Hình 3 – Những chất trồng cũ được gỡ bỏ với sự cẩn trọng. Cần chú ý loại bỏ những rễ lan ở phần giữa đã chết. Trong giai đoạn này cũng có thể tính đến việc tách chiết. Điểm tách được thể hiện bằng một đường thẳng dọc theo cây lan.
Đây cũng chỉ là một cây làm mẫu, đôi khi nó không đúng với những suy nghĩ của bạn. Những cây lớn đương nhiên là cần chuẩn bị những chậu có kích thước lớn (dùng cho cây mới tách chiết), đôi khi cũng cần sự mạo hiểm, ngay cả đối với những người trồng lan có kinh nghiệm. Phần lõi ở giữa của chất trồng sẽ khô dần trong chậu có thể làm tổn thương những cái rễ tập trung ở đó. Lời khuyến cáo của tôi đối với người mới chơi lan là chỉ nên dùng loại chậu có kích thước 8 inches (20 cm) hoặc nhỏ hơn dùng cho việc tách chiết. Đương nhiên việc tách chiết sẽ thực hiện đối với những cây đã phát triển tràn ra ngoài mép chậu. Sẽ trao đổi việc tách chiết này ở phần tiếp theo. Dù cho một, hai cây hay nhiều hơn thì vẫn phải tìm loại chậu đã được khử trùng và thích hợp với bộ rễ của từng loài. Ở giai đoạn này, cần dè chừng ý nghĩ “càng lớn càng tốt”. Dùng một cái chậu lớn hơn sự cần thiết tạo ra những khoảng không dư thừa, tưởng rằng như vậy sẽ dành chỗ cho cây lan phát triển và thời gian thay chậu sẽ kéo dài hơn, nhưng thực tế kết quả sẽ ngược lại. Chất trồng trong cái chậu như vậy sẽ bị phân hủy nhanh hơn bởi vì chất trồng trong chậu nhỏ sẽ khô nhanh hơn (do chất trồng ít hơn). Chất trồng mà chậm khô thì sẽ phân hủy nhanh hơn, đồng thời bên trong chậu cũng sẽ ít không khí hơn. Hầu hết những người trồng lan đều đồng ý như thế, coi đó là một nguyên tắc, phần lớn rễ lan sẽ phát triển ngoài những nơi thiếu không khí cũng như nơi chất trồng bị ẩm ướt, vì vậy chúng phát triển lên bề mặt của chậu. Nhớ rằng chậu lớn thì cần nhiều chất trồng.
Hình 4 – Sau khi tách thành hai cây, loại bỏ các lá bị bệnh và các rễ bị hư hại, mỗi cây nên đặt vào một cái chậu thích hợp và đã được khử trùng, đặt ở đáy chậu một ít sỏi. Những giả hành già đặt ở sát mép chậu để có không gian cho những giả hành mới phát triển.
Tất cả những xu hướng nói sau đây không áp dụng đối với một cây lan được trồng trong một cái chậu quá rộng. Một nguyên tắc xưa nay vẫn áp dụng là, khi thay chậu thì cần lưu ý kích thước chậu đủ lớn để cho cây lan phát triển không nhiều hơn (và cũng không ít hơn) hai năm. Bởi vì một số chất trồng thông thường sẽ bị phân hủy sau không quá hai năm là tối đa.
Hình 5 – Chất trồng mới đã có độ ẩm, đó là sự pha trộn giữa vỏ cây kích thước trung bình và một ít đá trân châu thô. Một khi các chất trồng được đưa vào chậu vừa đến mức phủ kín thân rễ của cây lan thì đặt “tem” (tấm thẻ ghi tên và ngày tháng tách chiết hoặc thay chậu), vậy là kết thúc quá trình thay chậu.
Để thuận tiện cho việc thoát nước và luân chuyển không khí trong chất trồng, thì ngoài kích thước của chậu, chúng ta nên dùng thêm những chất liệu trơ (không thấm nước) như những mảnh vỡ của đồ gốm từ đất nung hoặc sỏi, những thứ này được đặt dưới đáy chậu (dầy chừng 5-6 cm) trước khi đặt cây lan và chất trồng vào chậu.
Cây lan chúng ta định đặt vào chậu mới thì chú ý đến vị trí đặt cây trong một cái chậu phù hợp. Đối với những loài lan đa thân phát triển theo chiều ngang, thì khoảng cách lớn nhất từ cây đến mép chậu cần dành cho những chồi mới sẽ xuất hiện, đây là không gian cần thiết. Thí dụ, với giống Cattleya, điều đó có nghĩa là những giả hành đã già thì đặt chúng sát với mép chậu, phần không gian lớn còn lại chính là hướng đối diện với chồi non vừa mới phát triển. Một khi cây lan đã được định vị, thân rễ của chúng sẽ nằm trên mặt chất trồng hoặc chỉ thấp hơn chút ít (xem hình 4). Đối với những loài lan đơn thân, chúng phát triển theo chiều thẳng đứng, như là lan Hồ điệp (Phalaenopsis), lan Ascocenda, thì đặt cây ở chính giữa chậu là tốt nhất, làm như vậy sẽ giúp cho rễ của chúng phát triển theo mọi hướng, tính từ thân của chúng, như vậy giữ cho chúng đứng ổn định trong chậu.
Hình 6 – Một tháng sau khi thay chậu, các rễ mới đã hình thành một cách cường tráng và bắt đầu thâm nhập vào chất trồng. Lưu ý rằng đã xuất hiện một ít nếp nhanh trên giả hành trưởng thành. Một khi những rễ mới phát triển thì hiện tượng này cũng mất đi.
Đến lúc này thì những chất trồng mới đã chuẩn bị trước và đã được phun ẩm sẽ được bỏ thêm vào. Một tay giữ cho cây lan đúng vị trí, tay kia ta bỏ chất trồng mới vào. Một khi đã bổ sung đủ chất trồng vào chậu thì dùng tay lèn cho chất trồng chặt lại quanh rễ để giữ cho cây đứng thẳng. Ấn nhẹ trên mặt chậu sẽ làm cho chất trồng thêm cứng để có thể thêm chất trồng vào. Làm như vậy để bảo đảm rằng không còn những lỗ hổng trong chậu và cây sẽ đứng vững. Lượng chất trồng cho vào chậu phải được phủ kín thân rễ đối với lan đa thân, còn đối với lan đơn thân thì lấp chất trồng cho đế cái rễ lớn nhất ở phần gốc cây lan.
Khi công việc đã hoàn tất, cây lan vẫn phải đứng ở vị trí ban đầu và giữ cho chúng không bị lung lay. Một cây lan cao lớn thì khó mà làm cho chúng khỏi đung đưa. Lúc đó ta cần có một cái cọc để cột cây lan cho vững (đối với lan đơn thân) hoặc những cây lan đa thân nhưng có phần ngọn nặng nề. Cũng may là do kỹ thuật nuôi trồng hiện đại, đặc biệt là với loài Cattleya lai tạo đã giảm độ cao đáng kể vì vậy việc dùng các vỏ cây để trồng như trước đây đối với những cây khổng lồ thì nay không còn áp dụng nữa (xem hình 5). Cuối cùng là ta gắn bảng tên vào khi sang chậu mới.
Cây Dendrobium loddigesn (có người gọi là Hoàng thảo nghệ tâm hoặc Hoàng thảo xinh xinh) được cột vào tấm dớn bằng sợi cước câu cá, đã bắt đầu phát triển ra những cây con.
Mặc dù có thể xuất hiện tình trạng héo quắt lại ngay sau khi thay chậu, song nếu ta làm đúng cách thì những rễ mới sẽ phát triển ngay (Hình 6). Tóm lại là nếu cây lan được thay chậu đúng cách thì rễ mới sẽ nhanh chóng phát triển và thâm nhập vào bên trong chất trồng, làm cho cây lan nhanh chóng hấp thụ nước và dinh dưỡng, chúng sẽ phát triển tốt và sẽ phát hoa.
Loài Tolumnia bám tốt trên vỏ cây. Lưu ý rễ cây phát triển nhiều là do vỏ cây không giữ nước lâu (khô nhanh) và tiếp xúc nhiều với không khí.
Một cây lan cần phải được cột chặt vào giá thể, dùng sợi cước câu cá, quấn nhiều vòng quanh giá thể, cốt để cho phân gốc cây không bị lung lay. Làm như vậy thì những rễ mới có thể hình thành mà không sợ bị đụng chạm. Đôi khi người trồng lan kẹp vào một vật liệu dễ hấp thụ như rêu nước, rêu tấm hoặc, đặt giữa cây lan và giá thể, cách làm này có vẻ đem lại kết quả tốt./.
Nguồn: Hội Hoa lan Hoa kỳ
Kỳ sau: Bài 9 – CÁCH ĐẶT TÊN. NHÂN GIỐNG TỪ HẠT VÀ SINH SẢN VÔ TÍNH