DÂN CHƠI LAN

- Trang Web chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hoa lan và giới thiệu chế phẩm đặc biệt: HÙNG NGUYỄN - ĐÀ LẠT

BÀI 65 PHẦN 2

BÀI 66

DÙNG THUỐC CHO LAN – NHẬN DIỆN ĐÚNG BỆNH

Vấn đề này rất rộng và sâu, một chàng nông dân như tôi chỉ dám chia sẻ những điều trong tầm hiểu biết và đa phần là đã tự thân trải qua, thực tế, thực dụng.

Bạn đọc bài này thì nên quay lại đọc bài trước (phần 1) để không hiểu sai vấn đề và vội vàng quy kết tôi xúi người chơi lan dùng thật nhiều thuốc hoặc chơi lan là phải phun thuốc, hoặc hiểu sai hoàn toàn vấn đề chia sẻ kinh nghiệm thành quảng cáo bán phân và thuốc.

Tôi không bán phân và thuốc!

Chủ đề trước tôi có chia sẻ về việc tìm ra được VẤN ĐỀ lan gặp phải là gì, sau đó chúng ta mới tìm được ĐÚNG THUỐC để chữa bệnh.

Lan nói riêng và thực vật nói chung đều thường gặp những bệnh sau:

– Thối nhũn do vi khuẩn.
– Thối nâu do vi khuẩn
– Cháy bạc đầu lá do vi khuẩn.
– Thối đen (chết nhanh) do nấm.
– Thán thư do nấm.
– Đốm than, đen bẹ, cháy bẹ do nấm.
– Héo úa.
– Khô vằn.
– Thối hạch.
– Nấm hạt cải.
– Nấm bồ hóng hay nấm tro (có 2 loại).
– Tuyến trùng.
– Nấm phấn trắng.
– Đốm mắt cua.
– Rỉ sắt.
….
– Virut làm sần lá.

Vấn đề nhận diện bệnh là 1 vấn đề hết sức phức tạp vì:

– Biểu hiện bên ngoài (triệu chứng) của nhiều loại bệnh hoặc vấn đề có vẻ rất giống nhau, khó lòng xác định chính xác được nếu như không nắm bắt được đủ dữ liệu từ lúc chưa bệnh cho tới lúc bệnh cây trải qua quá trình phân, thuốc, nước, nắng, gió, giàn, giá thể, nhiệt, vùng… ra sao.

Ví dụ như lá cây kiếm bị sần do virut hay do mất nước hay sốc phân thuốc gây teo tế bào thì khó lòng nhìn 1 lần mà biết được. Có khi phải chờ đợi mòn mỏi mới biết được. Cứ bón đủ phân, đủ chất, đủ nước, đủ nắng, phòng côn trùng đầy đủ, nếu mầm non mới mọc ra lá không sần thì chứng tỏ không phải là bị virut, nếu mầm mọc ra bị sần thì chứng tỏ do virut.

Vậy bị virut do nguyên nhân gì? Có thể là con dao tách không sạch sẽ, có thể do cây mẹ bị virut sẵn, có thể do côn trùng chích, có thể do va chạm giữa cây bệnh và không bệnh bị sát thương vật lý… rất khó biết được.

Có một ví dụ khác, biểu hiện của thán thư trên lá giả hạc, hạc vĩ và sốc phân thuốc mức độ trung bình (nặng khác, nhẹ lại khác) gây teo tế bào là giống nhau gần như không thể nhìn 1 lần là đoán được.
Trong hình minh họa tôi có chụp lại sốc thuốc diệt côn trùng Movento (vẫn đúng liều 1cc 1 lít nước nhưng cây này là cây đột biến, gen rất yếu, phun cả giàn chỉ có mỗi cây này bị, nó không quen liều thuốc đó) là giống nhau y chang. Chỉ có người chủ cây dùng cái gì và đã dùng như thế nào mới có thể hiểu và biết được.

Nếu vội vàng và cẩu thả trong việc chẩn đoán bệnh, phun (Mancozeb hoặc Ridomil)+Kasumin để chữa thán thư thì tiêu luôn cả giò lan. Bản thân cây lan đang sốc, đang ngộ độc, phải lo giải độc bằng b12 hoặc để im đó đừng phun gì cả thì cây sẽ từ từ hồi sức, đằng này lại dội thêm mấy lần thuốc bệnh nữa, cây sẽ càng sốc càng bệnh nặng hơn.

Trong bài có 1 tấm hình mấy bệnh khác nhau nhưng biểu hiện khá giống nhau là cháy đầu lá, bao gồm thán thư; giá thể cũ đọng muối, khô vằn; già gây vàng cháy đầu lá và sốc thuốc gây cháy đầu lá.

Có một vấn đề mà rất nhiều người nhắn tin hỏi tôi:
Anh cho em hỏi sao lan của em bị thối, em phun Ridomil và Mancozeb, thậm chí đổi sang cả Antracol và DithanM45, kết hợp cả Kin Kin Bul mà lan nhà em chẳng thấy khỏi bệnh gì cả, vẫn cứ thối?

Tôi hỏi xin cái hình thì bạn ấy cho tôi tấm hình lan bị thối nhũn do vi khuẩn, thối nhũn lá và giữa giả hành.

Lan bị vi khuẩn mà dùng thuốc diệt nấm thì thử hỏi làm sao khỏi được? Thậm chí ngộ độc thuốc nấm, cây ngày càng yếu, bệnh lại càng nặng hơn, lúc này thì chấp nhận sọt rác thẳng tiến!

Vấn đề nhận diện cũng phức tạp hơn nữa vì thường thì lan sẽ không chỉ bị 1 bệnh, mà là một đống bệnh, có khi vừa bị thán thư vừa bị chết nhanh kết hợp với thối nhũn, khi có sự pha trộn của nhiều triệu chứng với nhau thì nhận diện đúng bệnh quả thực quá khó.

Và vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất đó là lan có hàng trăm ngàn loài, cùng một loại nấm hoặc khuẩn nhưng khi tác động phá hoại lên mỗi loại lan khác nhau sẽ thấy biểu hiện khác nhau.

Chết nhanh trên kiều trông rất khác chết nhanh trên giả hạc và khác hẳn trên Brassavola và Cattlaya.

Mỗi giai đoạn của quá trình bị bệnh trên lan là khác nhau. Một vết bệnh thối nhũn đã khỏi (có thể do phun thuốc mà khỏi, cũng có thể tự khỏi do sức đề kháng tốt) trông khá giống 1 vết bệnh thán thư, đốm mắt cua. Vì thế, sự theo dõi quá trình bệnh trên lan của người chủ cây rất quan trọng.

Tóm lại, bệnh trên lan vô cùng thiên biến vạn hóa, không ai dám nói mình biết hết được. Hơn nữa chúng ta đều là chẩn đoán bằng mắt, mũi, xúc giác và cảm giác… mà không mang mẫu bệnh đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Vậy nên mọi thứ suy đoán cũng chỉ là tương đối.

Một điều nữa là phối hợp thuốc cho các bệnh khác nhau chủ yếu dựa vào suy diễn và kinh nghiệm sau nhiều lần “mò mẫm” và dùng phương pháp loại trừ.

Có thể nói rằng, NHẬN DIỆN ĐÚNG BỆNH sẽ quyết định đến tương lai cả giò lan của bạn. Chính vì thế, bạn nên tự tìm hiểu thật kỹ trước khi mua thuốc chữa bệnh kẻo chữa lợn lành thành lợn què, xôi hỏng bỏng không.

DÙNG ĐÚNG THUỐC VỚI ĐÚNG BỆNH THÌ BỆNH NÀO CŨNG KHỎI là một câu nói KHÔNG ĐÚNG.

Tại sao thế? Xin hẹn các bạn kỳ sau.

Bài viết được đăng trên báo VIỆT NAM HƯƠNG SẮC, số tháng 10/2020

CƠ SỞ SẢN XUẤT THÁI SƠN | P.Trung Mỹ Tây, Q.12, Tp.Hồ Chí Minh

1) Nick facebook: Tô Quốc Cường (0977.781.549 | Dĩ An, Bình Dương | quoccuongbinhduong@gmail.com)

2) Nick facebook: Ben Nguyen (090.337.4405 | Quận 2, TP. Hồ Chí Minh | bennguyendalat@gmail.com)

0977.781.549
0903.374.405