Kỹ thuật trồng lan cắt cành bằng cách chiết, giâm, ghép trên thân cây cực đơn giản Nguon: (VietQ.vn)
Kỹ thuật trồng hoa lan cắt cành tương đối phức tạp. Ảnh minh họa
Kỹ thuật trồng lan cắt cành bằng cách ghép trên thân cây
Với phương pháp này bạn nên sử dụng thân cây còn sống, cây lan được trồng ghép phải nhận được ánh sáng ban mai. Sau đó sử dụng thân cây đã chết như cây vú sữa, bóc vỏ, cắt thành các khúc ngắn để treo hay thành những đoạn dài để đứng, có giàn che cây lan. Buộc một miếng xơ dừa vào thân cây rồi buộc chồng lên đó gốc lan muốn trồng để giữ độ ẩm cây. Vào mùa mưa hay những nơi thời tiết quá ẩm không cần dùng xơ dừa. Khi buộc phải để gốc lan nằm lộ ra ngoài không khí để rễ cây phát triển.
Kỹ thuật trồng lan cắt cành bằng xơ dừa
Phương pháp trồng lan cắt cành bằng xơ dừa cũng không có gì khó. Tuy nhiên để lan có thể sống và cho hoa đẹp cần chọn xơ dừa của những quả già, khô xé ra to bằng bàn tay. Xếp các mảnh xơ dừa này thành băng dài trên giàn gỗ hoặc tre, mặt lưng quay xuống, mặt ruột lõm quay lên, giữ chặt chúng bằng 2 thanh nẹp tre ở 2 bên. Hoặc xếp các miếng xơ dừa theo chiều đứng thành từng bánh khoảng 3 – 5 cm. Sau đó dùng các cọc tre có mũi nhọn cắm thẳng vào giữa miếng xơ dừa để làm cọc đứng. Buộc cây lan vào cọc, gốc lan sát với xơ dừa. Với phương pháp trồng này không nên tưới nước nhiều sẽ khiến ngập úng. Để tránh úng nước có thể đục một lỗ nhỏ ở giữa miếng xơ dừa trước khi trồng.
Kỹ thuật trồng lan cắt cành trên luống
Trước khi tiến hành trồng cần làm luống cao 15 – 20 cm, rộng 1m, chiều dài tuỳ theo kích thước vườn. Có thể sử dụng giá thể gồm đất với phân chuồng, tro trấu. Nhưng hiện nay giá thể trồng luống được sử dụng là vỏ đậu phộng cho kết quả rất tốt, vì giá thể này có đặc điểm nhẹ, xốp nên thoát nước tốt, đồng thời quá trình phân hủy võ đậu phộng góp phần cung cấp dinh dưỡng cho cây.
Buộc đứng các cây lan vào các nẹp tre, cành cách cành 20 cm. Các cành lan dài khoảng 40 – 50 cm, càng nhiều tầng rễ càng tốt, thường có 2 – 3 tầng rễ. Dùng vỏ đậu phộng trải trên mặt luống cho chạm đến gốc lan, trên cùng dùng xơ dừa đã ngâm trải lên nhưng không nén lại mà tạo thành độ xốp.
Kỹ thuật trồng hoa lan cắt cành có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Ảnh minh họa
Kỹ thuật trồng lan bằng cách chiết cành
Sau khi lấy bụi lan ra khỏi chậu, rửa sạch gốc rễ để loại bỏ đất trồng cũ, cắt bỏ rễ già đã bị khô chết, giữ lại rễ còn tốt và cắt ngắn chỉ để dài 5-6cm. Dùng dao sắc hơ qua ngọn lửa hoặc lau bằng cồn 90o, cắt tách mỗi bụi ra thành nhiều đơn vị, mỗi đơn vị có hai đến ba thân và hai đến ba mắt mầm ngủ, dùng vôi bôi vào chỗ vết cắt để vết cắt không bị hư thối.
Chậu trồng nên dùng loại bằng đất nung có nhiều lỗ để thoát nước và cho rễ lan đeo bám, kích thước chậu tuỳ thuộc vào độ lớn của nhánh lan định trồng. Đất trồng nên dùng than gỗ ngâm nước một ngày, vớt ra cho ráo rồi đập thành cục nhỏ kích thước 3-5cm. Xếp cục lớn dưới đáy chậu, cục nhỏ bên trên. Nhớ để mặt trên của lớp than cách mép chậu 2-3cm.
Để canh lan đứng cố định cần dùng cây kẽm làm cây ty, uốn gắn cây tỳ vào mép chậu, đặt cây lan lên mặt lớp than rồi cột thân cây lan vào cây ty để cây lan không bị đổ ngã khi chúng chưa kịp ra rễ bám chắc vào lớp than và thành chậu. Khi trồng nhớ đặt cây lan ở gần mép chậu và xoay hướng mọc của cây lan con vào giữa để sau này cây lan con mọc dần về phía giữa chậu, chậu lan sẽ cân đối. Để giữ ẩm nên phủ một lớp mỏng xơ dừa hay dớn sợi lên phía trên lớp than.
Sau khi trồng xong cần mang chậu lan vào chỗ mát, ẩm cao, tưới nước, phân hoặc phun phân bón lá và thuốc kích thích ra rễ Rootone. Khi thấy cây lan ra rễ non thì đưa dần chậu lan ra chỗ có ánh sáng rồi đưa lên giàn.
An Dương