Sóc Lào – Aerides multiflora – Bài 33
Trong các giống lan đơn thân mà tôi từng tiếp xúc, có thể nói rằng tôi thích em này thứ nhì sau Ngọc Điểm.
Đơn giản vì nhìn cây rất đẹp, lá bóng bẩy, múp míp. Hoa tươi sáng, màu tím không buồn mà rất tươi. Hương thơm dịu nhẹ, thanh thoát. Không thơm nồng quyện như Ngọc Điểm (Đai Châu, Nghinh Xuân) nhưng có thể nói mùi thơm làm tâm hồn trở nên thư thái. Độ bền bông hoa thì khỏi chê, từ 10-30 ngày.
Nếu bạn thực sự yêu hoa, bạn soi thật kỹ bông hoa, bạn sẽ thấy có 1 chú chim đang bay với cái đuôi đang cố đưa về phía trước như hình ảnh loài chim vừa vỗ cánh vừa hút mật.
Sức sống của em này phải nói là cực kỳ mãnh liệt. Rất ít bệnh tật.
Còn cái tên SÓC LÀO, có lẽ là vòi bông nhìn như đuôi con sóc và người đặt tên này cho em nó có cơ duyên gặp em ở bên Lào?!?
Ngoài ra còn một số tên khác như ĐUÔI CÁO, BẠCH VĨ HỒ, GIÁNG HƯƠNG NHIỀU HOA… Theo quan điểm cá nhân tôi, tốt nhất là những bạn nào đọc được bài này thì nên dùng tên khoa học hoặc 1 tên SÓC LÀO thôi. Sau đó lan tỏa chỉ 1 tên này thôi. Một giống lan mà có quá nhiều tên là điều không cần thiết và cũng là 1 rào cản cho sự thống nhất để phát triển của ngành lan Việt Nam.
Cách nhận biết thì tốt nhất các bạn tự soi hình sẽ rõ. Cá nhân tôi thấy rằng dùng ngôn từ để so sánh và nhận biết là KHÔNG CÓ HIỆU QUẢ.
Mỗi năm tôi nhập vào hàng ngàn cây Sóc Lào từ khắp các tỉnh, có cả của Campuchia, Lào…. tiếp xúc với em nó bao năm. Vậy mà đọc cách phân biệt và miêu tả trên mạng còn cảm thấy bối rối, choáng váng. Hình thái thì đủ kiểu lá dài 50cm 1 chiếc cũng có cho tới 10cm, vòi hoa dài 5cm tới 60cm cũng có, lá khép lá xòe đủ các kiểu hình.
Nếu bạn không soi hình và ghi nhớ mặt hoa, rất dễ nhầm lẫn với cây ĐUÔI CHỒN, CÂY SÓC TA, HỒNG SẮC…
Kỹ thuật chọn giống và ghép, cách cố định vào giá thể, cách làm móc, cách ngâm thuốc… các bài trước (Đặc biệt là bài 8 – Cách trồng đơn thân) tôi đã trình bày rất chi tiết. Tôi chỉ viết bổ sung thêm vài chi tiết đặc biệt thôi.
1. Khi xử nhập giống bạn nên nhập khi cây đang nụ hoặc đang hoa nếu là hàng kilogam. Vì sau khi tàn hoa, cây sẽ ngủ khoảng 1 tháng. Đây là thời điểm tốt nhất để ghép.
Tuy nhiên, đối với các giống lan Đơn Thân nói chung hay cây Sóc Lào nói riêng thì thời điểm nào trong năm ghép cũng được, thậm chí ngay cả mùa đông giá rét (Tuy nhiên bạn phải chấp nhận phá vỡ chu kỳ sinh học của cây).
Xử lý giống với Physan 20 là hiệu quả kinh tế nhất và hiệu quả phòng trừ bệnh rất cao, lại ít độc với con người và môi trường. Diệt được cả nấm và khuẩn. (Dùng nước vôi trong hay Ridomilgold hiệu quả thật ra là thấp).
Bạn không mua được ở gần nhà thì đặt trên mạng nhé.
2. Sau khi ngâm thuốc, vớt ra cho ráo nước, bạn nên pha dung dịch atonik và b1 ngâm 15 phút hoặc chế phẩm sinh học Hùng Nguyễn ngâm 15-120 phút tùy cây to nhỏ, khỏe yếu, nếu trời nóng thì thời gian ngâm ngắn lại.
3. Sau khi ngâm phân hoặc chế phẩm, bạn treo ngược lên 1 – 4 tuần là nhằm mục đích kích thích mau bung rễ. Còn cá nhân tôi, mỗi lần làm hàng vài trăm cây tới ngàn cây, tôi ghép luôn, cố định luôn để tiết kiệm thời gian và đỡ bị hư rễ non nếu treo ngược. Ghép ít mới kiểm soát được kỹ bạn ạ.
15 – 30 ngày đầu ghép, nên tránh mưa để không bị thối ngọn. Tránh nước đọng kẽ lá qua đêm.
4. Vị trí treo rất quan trọng. Nếu treo nắng 70% khi cây còn suy, nhăn nheo, bộ rễ còn yếu thì kiểu gì cũng bị rớt lá chân. Tôi so sánh và thấy thế này (với khí hậu mát mẻ Lâm Đồng): Nếu treo cao 3m so với mặt đất, ăn nắng 70% thì 1 năm ra thêm 1-2 cái lá. Nếu treo cao 1,8m so với mặt đất, ăn nắng 40-50% thì lá mướt hơn, xanh tươi hơn và 1 năm ra thêm từ 2-4 cái lá.
Có một vài bạn cũng có chút ít kinh nghiệm chơi lan khuyên là tôi không lên trồng giống lan đơn thân ở xứ lạnh, vì nó phát triển chậm và rớt lá chân. Tuy nhiên sau bao năm mò mẫm, tôi phát hiện ra rằng nếu bộ rễ khỏe mạnh, đầy đủ, giá thể ẩm đều, phân bón không cần nhiều nhưng hài hòa, cân đối và đặc biệt tiểu khí hậu thoáng mùa mưa và ẩm vào mùa khô, thì lá chân 5-6 tuổi vẫn sống tốt, cây lan 10 cặp lá là bình thường.
Vì vậy, giàn như nhà tôi 3 tầng, thì tầng trên tôi treo các giống lan đa thân như Giả Hạc, Long Tu, Kim Điệp, Đùi Gà, Hoàng Lạp, Thủy Tiên Trắng – Tím – Mỡ Gà… Tầng giữa treo đơn thân như Sóc Lào, Đuôi Chồn, Hải Yến, Sóc Ta, Ngọc Điểm… mặt đất để địa lan và nhân kei….
5. Phân bón thì làm y như bài 6 – PHÂN CHO LAN. Nhưng bổ sung thêm chút là và mùa lạnh và hạn hoặc ướt, bạn muốn tăng khả năng chống lạnh và hạn, bạn nên phun Nano Đồng (Lạnh + Ướt) hoặc Kẽm (Hạn, Ướt + Lạnh) cho cây. Có đủ 1 hoặc 2 chất này, lá rất bóng, mượt, ít bị bỏng lạnh, sức đề kháng của cây cao hơn hẳn.
6. Hoa em này nở khoảng tháng 4-7 dương lịch.
Ngậm nụ khá lâu, cỡ 30-45 ngày mới nở từ khi nhú nụ.
Mấy năm trước chưa có kinh nghiệm, tôi trồng cây tốt um, cả trăm giò mà lèo tèo vài vòi hoa. Lý do vì tôi tưới quá đều tay, ngày nào cũng tưới, nhất là Lâm Đồng mùa khô rất khô, tưới xong nửa tiếng sau đã thấy khô rồi, thậm chí 19h tối tưới đẫm mà sáng ra thấy khô rang. Nên tôi làm siêng tưới lắm.
Chốt lại là hết mùa mưa thì tưới giảm dần, quan sát lá để không quá nhăn nheo teo tóp là được. Hai tháng cuối mùa khô ta nên ngừng tưới hoàn toàn. Khi nhú nụ thì bắt đầu tưới thật lực vào. Tốt nhất là bạn nên đọc lại bài LÀM LAN NỞ HOA PHẦN 1 VÀ 2. (Luôn quan sát quá trình cắt nước kẻo rớt lá chân).
7. Về sâu bệnh thì y như bài 32 – HOÀNG LẠP bạn nhé.
Bài tôi viết là kinh nghiệm và kiến thức tôi học được. Đã làm, đã thành công. Cũng không hoàn toàn là 1 bài VĂN BẢN KHOA HỌC. Những văn bản khoa học thuần túy, Hội Hoa Lan Việt Nam VOS đã trình bày rất kỹ, bạn có thể tìm đọc trong CÁC BÀI GHIM của hội.
Hình ảnh trong bài, bạn thích thì cứ lấy, không cần hỏi tôi và bạn muốn làm gì thì tùy. Bài viết này cũng vậy, bạn cứ CHIA SẺ tẹt ga đi, không cần hỏi ý kiến tôi nhé!
Chúc bạn có những giò lan thật đẳng cấp.
Nguyễn Ngọc Hà