DÂN CHƠI LAN

- Trang Web chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hoa lan và giới thiệu chế phẩm đặc biệt: HÙNG NGUYỄN - ĐÀ LẠT

Chăm sóc lan suy, quắt queo, làm tả rẻ đẹp

CHĂM LAN SUY, QUẮT QUEO, NHĂN NHEO, SỐC

LÀM TÃ ĐẸP, RẺ, CHẤT LƯỢNG (Yêu từ cái nhìn đầu tiên)

LÀM NƯỚC VÔI TRONG

(Lưu ý: nhấp vào hình để có ảnh gốc TO, RÕ ĐẸP nhé các bác)

1. Lan bị suy thường là do:

– Khai thác từ rừng về trong quá trình đóng thùng, quăng quật, vận chuyển.

– Hỏng hết bộ rễ do nấm bệnh, úng, hoặc xịt và gắn phân quá nhiều, gắn phân khi rễ còn yếu và gắn quá gần gốc và đầu rễ. Gắn sai phân ví dụ phân tím NPK cho rau, sau 1 ngày là gục ngọn và cháy hết rễ.

1

– Tiểu khí hậu trong vườn quá kém (Tiểu Khí Hậu là gì và ra sao thì các bạn kéo lại phía trước gần chục bài tham khảo lại nhé!), khí hậu vườn vừa khô vừa nóng.2

– Ghép lên giá thể quá khô (ví dụ lũa, đá, gỗ, than…) mà không qua quá trình xử lý trước, khiến cho lan bị chính GIÁ THỂ HÚT NƯỚC trong giả hành và thân, rễ ra. (Ví dụ thớt vú sữa còn những vết nứt chứng tỏ nó chưa no nước, trước khi ghép lan lên bạn phải ngâm nước 1-2 ngày cho nó hết nứt, no nước. Tương tự lũa, đá, than… cũng làm vậy).

 

– Bị sên, ốc, gián, kiến nó cạp hết rễ. Ban đêm bạn phải rình mới thấy được. Bạn nên rải BẢ SÊN (loại này chỗ bán thuốc sâu có bán, rất rẻ, 35k 1 bịch rải nửa xào tới 1 xào, không độc cho gia cầm và gia súc). Mua thuốc kiến, gián về rải hoặc xịt định kỳ. Nếu bạn không muốn sát sinh thì dùng dầu hỏa (dầu hôi) thấm vào cục bông để gần là bọn này trốn sang nhà hàng xóm hết.

– Sốc khí hậu do chuyển vùng. Ví dụ đưa từ xứ nóng về xứ lạnh và ngược lại.

– Treo không đúng chỗ. Lỗi này các bạn rất hay mắc phải. Ví dụ lan mới ghép nên treo dưới thấp, chỗ mát và râm với lượng ánh sáng khoảng 30-50% thì bạn lại đưa tít lên trên cao 3m, cho ăn nắng 60-70% với mục đích phơi khô sắc thuốc!

– Vườn lan mới bị một đợt sâu bệnh tàn phá. Đặc biệt là Nhện đỏ, rầy rệp chích hút. Chúng hút hết chất, làm lá vàng úa quăn queo, rụng lá. Bạn nên mang cả giò lan bị bệnh ra chỗ bán thuốc sâu và phân, nhờ kỹ sư nông nghiệp dùng kính lúp soi, đặc biệt là soi dưới mặt lá. Họ sẽ bán thuốc đúng cho bạn. Tôi thấy có nhiều bạn, lá bị nhện đỏ hút khô luôn mà cứ Ridomilgold trị nấm xịt tới bến, làm gì có tác dụng gì??? Có bạn lại hỏi tôi xịt thuốc gì, tôi gửi mẫu thuốc sau đó đi mua chỗ bạn không có bán. Bảo tôi ship cho 1 lọ thuốc 30k ra Lạng Sơn! Thua luôn. Có nhiều loại thuốc lắm bạn nhé!

2. Biểu hiện: Giả hành tóp lại, lá mềm oặt ẹo, nhăn nheo. Bạn lưu ý là dù ghép 2-3 tháng thậm chí 4 tháng mà bộ rễ không hút đủ nướcthì cũng nhăn nheo nhé!13895192_713627218790766_4974575872698431590_n

3. Khắc phục:

– Tùy nguyên nhân mà ta có giải pháp. Tuy nhiên, khi lan bị suy kiệt như trên việc đầu tiên là phải HẠ XUỐNG THẤP. Cho ăn ít nắng lại. Tưới nhẹ nhàng cả vào giá thể và mặt lá. Dù không có 1 cọng rễ, khi mới ghép giả hành tóp teo, nhưng để chỗ Mát, Ẩm, Râm thì sau 3-10 ngày nó cũng căng lên như đùi (giò) gái 18 nhé! Thực vật có khả năng hấp thu và thoát nước qua thân, lá, qua giả hành bạn ạ.

– Nếu bạn lỡ dùng sai phân thì phải rửa sạch cả giò lan, sau đó ngâm chìm nghỉm cả giò và lan vào chậu nước 15-20 phút. Ngày 1-2 lần. Làm liên tục 1-3 ngày. Nếu có điều kiện thì có thể hòa trong nước ngâm khoảng 5ml dung dịch phân vi lượng bón lá và 10gam đường (khoảng 2-3 nắp chai nước khoáng Lavie) (đường mía) với 10 lít nước. Bạn có thể dùng B1 hoặc Chiết suất tảo biển ngâm cũng rất hiệu quả3.

– Bạn có thể dùng phương pháp BÁN THỦY CANH (như trong hình). Tôi cũng nói lan man ra ngoài 1 chút. Viết bài này mất 4 tiếng, nhưng tôi tốn hơn 4 ngày để chuẩn bị hình cho bài này. Vì thế bạn cần phải SOI TỪNG HÌNH. Bạn phải SOI cách tôi cột dây, cách quấn dây, cách bắn ghim, tư thế mầm lan, cách tôi đập vỏ dừa… cả những bài trước cũng vậy. Viết 1 bài rất đơn giản, nhưng có hình ảnh rõ ràng lại là chuyện khác. Có bạn đọc bài tôi xong, cũng ghép xong hỏi tôi: Anh ơi, em ghép thế này được không? Thì bạn ghép rồi còn hỏi được hay không làm chi. Cơ mà không được như Mỹ Tâm thì cũng phải cỡ Minh Hằng, chứ bạn không chịu soi cách tôi làm, ghép giò lan nhìn như người tình anh Chí Phèo.

Nhìn xa tưởng bạn ghép Kiều,
Tới gần lại hóa người yêu Chí Phèo.

– Bạn cần tạo tiểu khí hậu cho bản thân giò lan, nghĩa là làm cho môi trường xung quanh và bản thân giá thể giò lan phải ẩm. Có một số bạn ghép lan cả tháng sau đó ra rễ mà bị đụt (chùn) đầu rễ, khi tôi xem hình thì thấy miếng thớt gỗ bạn ghép nứt nẻ khô rang. Bạn phải gắn tã và thay vì tưới 1 lần thật đẫm thì nên tưới 3 lần nhẹ nhàng 1 ngày.

LÀM TÃ ĐẸP, RẺ, CHẤT LƯỢNG

1. Tại sao phải gắn tã? Thường thì Lan mới ghép cần ẩm để ra rễ và tạo mầm, nếu ghép Lũa, Đá, Bê Tông, Gạch hoặc Gỗ thì nên gắn tã nếu TIỂU KHÍ HẬU VƯỜN không được tốt.

5

Trong hình có 1 sự so sánh, cùng là Hạc Vỹ, cùng ghép gỗ Vải, cùng tưới như nhau, cùng ăn nắng 70%, phân thuốc như nhau. Nhưng sau 4 tháng tính từ khi mọc mầm, thì mầm giò có tã dài hơn giò không có tã 5-10cm và dĩ nhiên là múp míp hơn. Các cụ dạy không thể sai: NHẤT NƯỚC, NHÌ PHÂN, TAM CẦN, TỨ GIỐNG.

17

2. Tã làm bằng gì?

– Rêu rừng 20-30k 1 ký.

– Dớn mềm, trắng từ Đài Loan, TQ, Chile….

– Mùn cưa, xơ dừa xay bọc trong lưới (lưới che giàn), túi lưới (loại để nhồi phân tan chậm). Ngoài ra tôi còn phát hiện ra 1 loại bọc xơ dừa và mùn cưa rất tốt mà lỗ rất vừa cho rễ lan xuyên qua, đó là áo lưới loại siêu thoáng mỏng của các chị em phụ nữ. Loại này vừa có âm khí rất tốt để bổ sung cho những cây lan bị suy âm dương.

– Dớn sợi, dớn ổ rồng và ổ phụng xé thành mảng.

67

Trong hình là cách tôi dùng dớn sợi từ rễ cây dương xỉ.
Bên cạnh đó là cách tôi chế tã từ mùn cưa nhồi trong túi lưới bọc hoa cúc và túi lưới nhồi phân tan chậm.

Đặc biệt, 1 siêu phẩm! Được làm từ VỎ DỪA miễn phí. Các bạn có thể nhặt từ bãi rác hoặc xin từ các cửa hàng giải khát, những cửa hàng bán nước dừa nấu chè…

Hãy khéo léo dùng chày, dùi đục hoặc búa (không nên dùng sống dao) đập dập, cố gắng giữ cấu trúc dài và tạo thành mảng (tảng). Đập thật đều tay, thật nát. Sau bó bóp hết nước (bóp chứ không vắt) để giữ cấu trúc được đẹp.

Hãy ngâm nước giếng (máy) cho ra hết chất chát (muối). Chừng nào hết màu vàng là được. Thay nước khoảng 5-10 lần trong 1-5ngày. Kể cả khi bạn dùng gía thể là xơ dừa thì cũng phải làm vậy.
Sau đó ngâm 1 lần nước vôi trong rồi rửa sạch là dùng được.
Bạn xem hình cách tôi làm sẽ thấy. Rất đẹp, rất tiết kiệm, chỉ hơi mỏi tay chút thôi (Nếu chị nào có tí nhan sắc có thể dùng Mỹ Nhân Kế). Có thể nói tã loại này đẹp hơn so với dớn mềm trắng nhiều.

Bạn có thể dải 1 lớp để ươm keiki cũng rất là đẹp.

8 9 10 11 13 151412

LÀM NƯỚC VÔI TRONG

Vôi (loại vôi đã tôi) mua ngoài cửa hàng vật liệu xây dựng hoặc cửa hàng phân bón. Loại vôi làm từ đá vôi tôi thấy đẹp và tốt hơn là loại nghiền từ vỏ sò nghêu.

Công thức hóa học là Ca(OH)2 đọc là Canxi Hidroxyt, độ tan trong nước là 0,85g trên 1 lít (1 lít = 1 Decimet khối) ở 20 độ C, nghĩa là 8,5 gam trên 10 lít. (Rất ít tan trong nước). Theo sách giáo khoa của Việt Nam là gần 2gam trên lít, nhưng thực tế thì lấy gần 2 gam vôi pha với 1 lít nước không thể tan hết được.

TRANG WEB Wikipedia nói về Vôi là sai nghiêm trọng về độ tan của vôi trong nước, các bạn lưu ý chỗ này.

Vậy bạn chỉ cần gần 1 lạng (85gam) vôi pha với 100 lít nước.

Tóm lại, các bạn muốn có nước vôi trong thì chỉ cần 1 nắm tay vôi (nửa chén (bát) ăn cơm), pha với 10 lít nước. Dùng nhiều hơn phí phạm của giời nhé! Sau đó chờ lắng 1 ngày và gạn lấy nước trong tưới hoặc phun cho lan là xong, cặn lắng bỏ đi hay làm gì thì tùy. Phải khuấy thật đều, mạnh tay.

NỬA BÁT VÔI + 10 LÍT NƯỚC + 1 NGÀY –> GẠN NƯỚC TRONG.

Vôi có tác dụng bổ sung Canxi cho lan. Canxi là trung lượng nhé các bạn!
Tăng sức chịu đựng cho lan với điều kiện nắng mưa thất thường, nhiệt độ cao.

Tăng khả năng hấp thụ Lân và Kali (Lân và Kali tác dụng gì thì mời bạn quay lại bài Làm Lan Nở hoa đọc nhé).

Giảm khả năng cho lan bị ngộ độc kim loại nặng như Sắt, Nhôm, Mangan…

Tạo môi trường KHÔNG THUẬN LỢI cho nấm và tạo môi trường THUẬN LỢI CHO VI KHUẨN CÓ LỢI PHÁT TRIỂN.

Cải tạo giá thể để lan đỡ thối rễ, vàng lá…. Thau chua rửa mặn.

Tóm lại, nên tưới hoặc xịt nước vôi trong 2 tháng 1 lần.

16

Bài viết có tham khảo tài liệu của anh Nguyễn Đức Tiến và anh Hoàng Minh Thành (2 admin) Hội Hoa Lan Việt Nam VOS.

Bạn đọc xong nhớ CHIA SẺ, sau đó SOI HÌNH nhé!

Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng – Lâm Đồng

 

CƠ SỞ SẢN XUẤT THÁI SƠN | P.Trung Mỹ Tây, Q.12, Tp.Hồ Chí Minh

1) Nick facebook: Tô Quốc Cường (0977.781.549 | Dĩ An, Bình Dương | quoccuongbinhduong@gmail.com)

2) Nick facebook: Ben Nguyen (090.337.4405 | Quận 2, TP. Hồ Chí Minh | bennguyendalat@gmail.com)

0977.781.549
0903.374.405