DÂN CHƠI LAN

- Trang Web chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hoa lan và giới thiệu chế phẩm đặc biệt: HÙNG NGUYỄN - ĐÀ LẠT

Giá thể tốt nhất cho lan – Nguyễn Ngọc Hà

GIÁ THỂ TỐT NHẤT CHO LAN
TẠO TIỂU KHÍ HẬU CHO GIA ĐÌNH HOÀN CẢNH

(Lưu ý: nhấp vào hình để có ảnh gốc TO, RÕ ĐẸP nhé các bác)

13612189_697089110444577_239756660402068787_n13620831_697089137111241_4185078596564438223_n

Ngày mới chơi lan, tôi luôn băn khoăn không biết nên ghép lan vào cái gì thì tốt nhất? Sau nhiều năm thử nghiệm, khám phá (vừa khám vừa phá), tìm hiểu (tìm kiếm để thấu hiểu chứ không phải tìm để biết một cách vô ích)…. đến nay tôi rút ra một điều: MÀ THÔI, giữa bài tôi sẽ nói.

Theo các bác thì giá thể nào là tốt nhất trong số các giá thể sau?

Theo lý thuyết thì có các giá thể (chất trồng) sau:

1. Dớn: Có nhiều loại như dớn đá, cù lần, sợi, ổ rồng, ổ phụng (quạ).

A. Dớn đá: Cứng và nặng như đá, đen, siêu bền 6-10 năm vô tư, độ thoáng hơi kém.
B. Dớn sợi: có 2 loại chính là sợi to, sợi nhỏ (có thể chia ra thêm là vàng và đen) đây chính là thân và rễ cây dương sỉ, thường mọc chỗ ẩm ướt. Độ bền 3-5 năm, giữ ẩm và thoát nước tốt.
C. Dớn cù lần là loại mà băm ra thấy lông tơ bé xíu, cấu trúc rất chặt. Loại này thích hợp để băn ra hơn là để nguyên khúc.
D. Ổ phụng (quạ), Ổ rồng: còn gọi là dớn XỐP, giữ nước cực tốt, có thể ví khả năng giữ nước như cục xốp xanh cắm hoa để bàn.

2.Than: loại than củi chứ không phải than đá. Than rẻ tiền thì giữ ẩm tốt hơn loại đắt tiền, nhưng không bền bằng loại đắt. Trung bình than bền 5-10 năm. Giã nhỏ than thì giữ ẩm tốt hơn là để cả cục to.13615512_697089187111236_323677278254195822_n

3. Rễ bèo (lục bình): Màu đen, phơi khô. Loại này giàu đạm nhưng 1-2 năm là nát. Giữ nước tốt.

4. Rêu: Rêu rừng, rêu nước, rêu trắng (Đài Loan, hay dùng trong lan Hồ Điệp). Giữ ẩm cực tốt, mà dễ úng lan. Dùng để làm tã cho keiki và trồng lan giống thì tốt hơn.

5. Vỏ cây: Vỏ cây dẻ, trò, sao, vú sữa, vải, nhãn…. Thường thì vỏ thông là tốt hơn cả. Tùy kiểu trồng mà băm nhỏ theo kích thước nào đó hoặc để nguyên. Vỏ thông 2 lá bền hơn 3 lá, thoáng hơn 3 lá (thị trường hiện nay chủ yếu bán vỏ thông 3 lá).

6. Gỗ, lũa: Giữ nước kém, thoáng bộ rễ, nhiều kiểu dáng. Nếu trồng bán thủy canh thì nên chọn lũa dưới nước, bùn sẽ bền hơn. Không nên dùng lũa của cây có tinh dầu như thông ngo, dầu, gió bầu (trầm, kỳ nam)…. Nên khoan lỗ, đóng đũa để ghép cho dễ…. Các loại gỗ như vú sữa, nhãn, vải, dẻ, trò, cẩm, sao, dầu, bằng lăng…. Không nên ghép gỗ cà phê, mít, bơ, xoài (trừ trường hợp cây còn sống) vì độ bền mấy loại gỗ này rất tệ, 1-2 năm là nát nhuyễn.

7. Xơ dừa: giữ ẩm rất tốt, nhưng không thoáng. Tự làm xơ dừa bằng cách mua dừa trái về, bóc ra, lấy búa đập nát, phơi khô, ngâm nước vài lần trong vài ngày để rửa sạch muối. Có thể ngâm nước vôi trong rất tốt. Dùng làm tã hoặc giá thể ươm kei là số 1!

8. Vỏ lạc (đậu phộng) đập nhỏ giàu đạm, hoặc vỏ cà phê om (đốt thành than mà cháy không hoàn toàn) cũng là 2 giá thể trồng lan rất tuyệt vời.

9. Gạch, đá, sỏi, bê tông, đất nung, ngói, xương động vật…. chưa tạo được TIỂU KHÍ HẬU THÌ TẠM THỜI GÁC SANG 1 BÊN nhé các bác!

Chắc sẽ có bác chọn 1 vài cái là tốt nhất!

Tôi thì thấy không có cái nào tốt nhất cả.

Vì tùy loại lan, tạm thời chia làm 3 loại cho dễ hiểu là: PHONG LAN, ĐỊA LAN, THẠCH LAN. Mỗi 1 em sẽ thích ở 1 chỗ khác nhau, 130.000 loài, ngồi trước máy tính mục xương cũng không liệt kê hết nổi. Cái này thì các bác phải vừa khám vừa phá thôi.

Tùy vào độ rảnh rỗi và mục đích chơi mà ta chọn giá thể. Ví dụ tôi để ý thấy các chị và các cô rất là thích công tác CẦM VÒI tưới. Sáng cầm, trưa cầm, tối và khuya cũng cầm. Nếu vậy thì nên chọn trồng trong khúc gỗ, lũa, than bự. Chứ rảnh vậy lan không tèo mới lạ. Các anh thì không thích cầm vòi, chỉ thích CHƠI HOA, vậy nên chọn giá thể giữ ẩm 1 chút. Tùy mức độ bận rộn dành cho lan được bao nhiêu thời gian mà chọn trồng như thế nào. (Siêng cầm vòi, lan không có hoa đâu nhé các chị)

Tùy vào các bác trồng lan trong tán cây hay trên sân thượng mà chọn giá thể. Trên sân thượng mà thích ghép lũa thì phải tạo bóng mát, cây cối xung quanh, tiểu khí hậu ẩm ướt, rồi gắn tã và ngày chịu khó tưới vài lần.

Nếu trồng lan dưới mái tôn thì nên trồng trong chậu, ngày tưới 1 lần thôi, nên làm thêm tấm xốp cách nhiệt phía dưới mái tôn. Thật ra thì không có nắng lan vẫn ra hoa, nhưng phải có ánh sáng. Màu hoa có thể nhợt nhạt hơn 1 tí xíu. Nên lắp thêm tôn sáng thay vì tôn kẽm.

Tùy vào vùng chúng ta sống mà kiếm giá thể cho hợp túi tiền, dễ dàng. Ví như nhà tôi sát đồi thông mà bảo tôi đi kiếm rễ bèo về trồng thì vô lý quá. Tôi có thể ươm keiki với dớn tôi chặt được thì sao tôi phải đi mua rêu hay mua dừa về làm gì?

Chơi lan, các bác cứ mặc sức mà sáng tạo đi! Thỏa chí mà tung hoành ngang dọc.

SAI LẦM LỚN NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI CHÍNH LÀ SỢ SAI LẦM. Sai lần 1 lan chết vì úng, sai lần 2 lan chết vì khô, sai lần 3 lan chết vì bệnh… Chấp nhận được, sau khi trải qua 1 giai đoạn là NẠN NHÂN các bác sẽ trở thành NGHỆ NHÂN. Nhưng mà sai lầm sau không được giống sai lầm trước, nếu vậy trong tiếng Anh gọi là Never Give Up, dịch ra tiếng Việt là KHÔNG BAO GIỜ BỎ CUỘC. Cơ mà chỉ ghép 3 chữ đầu của dòng tiếng Anh trên lại với nhau, ta sẽ có từ NGU.

Có đôi khi ta tự dùng ý nghĩ để hạ thấp năng lực bản thân mình, hạ thấp khả năng của mình. Cũng giống như ta hạ thấp khả năng cây lan quá. Nó sẽ thích nghi hết! Hôm trước có bác rất NGUY HIỂM, nói là Kiều rễ to không được trồng vào dớn, em ghép hẳn Ngọc Điểm vào dớn luôn cho bác coi. Rễ to gấp 4 lần Kiều, mà nó vẫn xuyên qua vô văn tư.

Lại có bác chắc như đinh đóng cột nói rễ to, rễ trần cần giá thể thoáng, chỉ nên ghép gỗ, lũa. Em chơi luôn Ngọc Điểm, Hồng Nhạn trồng CHẬU NHỰA, 1 chậu bỏ MÙN CƯA, 1 chậu bỏ DỚN XỐP. Lên ào ào. Có bác còn trồng lan trong nước luôn kìa, có sao đâu.

13567370_697089073777914_8606895013994593118_n13631675_697089130444575_6289312937702544580_n 13528575_697089220444566_6538756327098562564_o 13613155_697089133777908_7275235312536514660_o 13620195_697089223777899_5937939497716805632_n

TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU LÀ NHỮNG CHÚ ẾCH, VẤN ĐỀ LÀ KÍCH THƯỚC CÁI MIỆNG GIẾNG KHÁC NHAU MÀ THÔI.

Tôi cũng lưu ý các bác là nếu không kiểm soát tốt Nấm, Khuẩn, Vi rút, lượng mưa… thì cứ làm như bình thường giùm. Đừng làm theo sự ĐIÊN của tôi.

Tôi tính hướng dẫn các bác cách lợp Nilon, cách nhân Keiki, cách theo dõi độ ẩm trong chậu…. mà dài quá rồi, chắc để dịp khác!

Cách xử lý giá thể tôi đã đề cập trong bài trồng Kiều, cách ghép vào những giá thể với tư thế khó tôi đã nói trong bài Làm Móc. Các bác chưa xem thì lướt lại mấy bài đó nhé. Tính ra sơ sơ cũng có 8 bài là nghiêm túc, còn 1 bài tào lao các bác bỏ qua cho.

Nhớ CHIA SẺ hoặc lưu lại nhé, vì sẽ có lúc hoặc có ai đó cần tới ạ!

13590231_697089273777894_9215985772970722027_n

Nguyễn Ngọc Hà

CƠ SỞ SẢN XUẤT THÁI SƠN | P.Trung Mỹ Tây, Q.12, Tp.Hồ Chí Minh

1) Nick facebook: Tô Quốc Cường (0977.781.549 | Dĩ An, Bình Dương | quoccuongbinhduong@gmail.com)

2) Nick facebook: Ben Nguyen (090.337.4405 | Quận 2, TP. Hồ Chí Minh | bennguyendalat@gmail.com)

0977.781.549
0903.374.405