TIỂU KHÍ HẬU CHO HOA PHONG LAN
Để trồng và chăm được một giò lan sống thì không khó, treo đại ngoài hàng rào B40 hoặc trong mái hiên rồi tưới mỗi ngày một lần là đủ để giò lan sống lay lắt qua ngày, nhưng để lan sinh trưởng phát triển tốt, ra được nhiều hoa tạo thành tác phẩm nghệ thuật và có giá trị kinh tế thì phụ thuộc nhiều yếu tố. Ngoài việc chọn giống, kỹ thuật trồng, bón phân, phòng chữa bệnh…thì TIỂU KHÍ HẬU của vườn lan là một yếu tố quyết định.
Khí hậu bao gồm các yếu tố Nhiệt Độ, Độ Ẩm, Lượng Mưa, Áp Suất…
Cách đơn giản nhất là chúng ta BẮT CHƯỚC THIÊN NHIÊN.
Khoa học kỹ thuật thế giới cũng nhờ những công trình bắt chước, mô phỏng thiên nhiên mà cho chúng ta có cuộc sống như hôm nay, ví dụ như máy bay, tàu ngầm mô phỏng chim cá, bê tông cốt thép mô phỏng chiếc lá….
Cá nhân tôi có may mắn được đi nhiều nơi, ở nhiều chỗ, nhưng nơi tôi thích sống nhất vẫn là nơi tôi lớn lên, nơi đó tôi gắn liền với rừng núi và cây cối. Tôi cũng rất nhiều lần đi tìm lan trong rừng, lang thang tìm kiếm và suy ngẫm. Tôi thấy rằng, trong rừng PHONG LAN thường sống bám trên các cây đang sống, chứ không phải gỗ mục như một vài người nghĩ. Phong lan bám trên cây rất là chắc chắn, bụi nào bám càng chắc thì phát triển càng tốt. Và môi trường sống của chúng rất THOÁNG, không phải là chui rúc trong bụi đâu nhé! Ở giàn nhà các bạn treo 1 mét vuông được 4-6 giò với chục kilogam thì trong rừng, các “nàng” được thả hồn với hàng chục, thậm chí hàng trăm mét vuông không gian. Vì thế đừng thắc mắc vì sao trong rừng không phải thuốc thang gì mà lan vẫn lên rất tốt tươi, còn trong vườn chúng ta thì hơi chút là lan bị bệnh hoặc không phát triển.
Phong lan chịu mưa, chịu hạn trong rừng, không cần bón phân vẫn lên xanh um, không cần tưới vẫn tươi roi rói là vì sao?
Tôi khẳng định với các bác rằng nước mưa ngày xưa khác nước mưa ngày nay, và mưa trong rừng khác nước mưa tại khu dân cư. CHÚNG TA đốt rác, ta đổ xăng cho xe chạy, khí thải nhà máy …. đã làm cho nước mưa bây giờ trở thành axit loãng.
Xưa các cụ hứng mưa nấu trà, hứng mưa tưới lan… giờ thì tôi không còn thấy nữa.
Trong vài cuốn sách nói tưới lan bằng nước mưa là tốt nhất, nhưng xin lưu ý với các bạn là sách đó đã viết từ nhiều năm về trước, hoặc nước mưa phải để trong bể rất lâu mới mang ra dùng được.
Sao lan trong rừng không cần tưới? THƯỜNG THÌ mùa sinh trưởng trùng với mùa mưa (Nam), mùa hè và thu (Bắc), vì thế nước mưa là đủ rồi. Còn mùa khô (Đông, Xuân) ít mưa, lại trùng mùa lan ngủ nghỉ, cần cũng ít nước. Và quan trọng là môi trường trong rừng độ ẩm cao, mát mẻ lan không sợ bị thoát hơi nước qua thân mà chết khô. Bên cạnh đó, rễ lan bám vào cây tươi, mà bản thân cây tươi lại bốc hơi nước qua thân, nhân thể đó lan hút luôn. Tôi đã thử và thấy rằng ghép lan vào GỖ TƯƠI, tốc độ phát bộ rễ và hồi cây nhanh hơn khoảng 20-40% khi ghép gỗ khô. Nếu bạn ghép lan lên cây còn đang sống, được thế thì còn gì bằng.
Còn về bón phân thì thực ra lớp tảo, địa y và rong rêu chết của mùa trước bị phân hủy chính là phân cho lan trong mùa sinh trưởng này. Một điều quan trọng nữa là lan trong rừng được mang về nhà, chăm sóc đúng kỹ thuật thì lan nhà luôn to cao, mập mạp, mướt và đẹp hơn lan trong rừng nhiều.
Lan man dài như vậy để các bạn hiểu vấn đề chính là chúng ta cần cải tạo vườn mình trở thành 1 Khu Rừng Thu Nhỏ, đảm bảo ẨM mà KHÔNG ƯỚT SŨNG, THOÁNG mà KHÔNG TRỐNG, GIÓ mà KHÔNG BÃO, NẮNG NHIỀU nhưng KHÔNG NÓNG, mà mùa lạnh thì vườn ấm. Đón chào nắng đông, đón gió nam và đông nam, né gió bắc và tây bắc.
Có những thứ khoa học không chứng minh được, cá nhân tôi thì vẫn còn nghèo ngôn từ nên không phân tích ra được, nói nôm na là bước chân vào một nhà hay vườn nào đó, cảm giác thật dễ chịu, khoan khoái, mát mẻ, trong lành. Đó là dùng TRỰC GIÁC.
Bước chân vào chỗ nào thấy khó chịu, chói mắt, bực bội, ức chế… chỗ đó phải cải tạo hoặc bán đi.
Các bạn nên trồng xung quanh vườn, đặc biệt là trên sân thượng 3 hướng Tây, Nam, Bắc các chậu cây Trúc Quân Tử, Phát Tài, Thiết Mộc Lan, Cau Vàng…. Khi trời nắng nóng, cây sẽ giúp cho bớt ánh nắng, sự thoát hơi nước qua lá làm mát không khí và thải ra khí Oxi.
Vào những ngày nắng nóng, các bạn có thể chặn cống để xả nước vào, biến sân vườn thành ao tạo độ ẩm không khí, bên cạnh đó tưới đẫm vào gốc của các cây xung quanh giàn để làm mát không khí mà không gây hầm hơi làm lan bị hấp, bị gục ngọn. Nếu giàn lan rộng, bạn hoàn toàn có thể đào hào, đào mương chứa nước trong giàn lan để độ ẩm trong giàn luôn ổn định ở mức 80 – 90%.
Tôi tư vấn các bạn 4 loại cây trên vì lý do sau: Không chiếm nhiều diện tích rộng vì nó mọc thẳng đứng lên cao. Không rụng lá theo mùa để phải quét dọn khổ sở. Siêu chịu úng và siêu chịu hạn. Lại rẻ tiền, nhà tôi có nhiều, mà chủ yếu là đi xin được.
Ngoài ra, trong giàn lan các bạn cũng nên cân nhắc việc treo lan chịu được nhiều nắng ra sát bên ngoài giàn như Giả Hạc (Phi Điệp Tím), các giống lan Thủy Tiên (Kiều), Trầm, Long Tu… các giống lan đơn thân thì nên treo bên trong (trừ lan Bọ Cạp, Huyết Nhung, Phượng Vĩ bạn có thể dùng làm hàng rào thiên nhiên và cho chúng ăn nắng 100%).
Đối với các giống lan không chịu được NÓNG như Kèn, Ý Ngọc, Kim Điệp, Nhất Điểm Hồng… thì nên treo xa lưới trên 2m để có nhiều nắng nhưng không bị quá nóng.
Khí hậu nơi bạn chơi lan càng khắc nghiệt thì chậu lan phải càng lớn, giá thể phải càng nhiều để giữ được tiểu khí hậu của gốc lan càng được ổn định.
Để lan ít bệnh và côn trùng, các giò lan nên được treo thẳng hàng thẳng lối, gió vào vườn và ra khỏi vườn được, tránh tình trạng chậu cao chậu thấp nhìn mất thẩm mĩ và luồng khí quẩn trong giàn. Ngay từ cái tên là PHONG LAN nghĩa là phải có gió (phong là gió), tốc độ gió trong giàn nên giữ ổn định ở mức 5-15 km/h.
Tôi đã thử nghiệm và thấy rằng lan có khả năng thích nghi rất tốt với điều kiện ngoại cảnh. Treo lan không che lưới, không bón phân và không phun thuốc lan vẫn sống được, nhưng đứng ở góc độ một người yêu lan, tôi thấy đó chính là tra tấn hắt hủi cây lan; đứng ở góc độ một anh nông dân, tôi thấy trồng lan như thế chỉ lỗ và phá sản chứ không có một chút giá trị kinh tế nào.
Nếu bạn thực sự YÊU LAN, xin hãy tạo MÔI TRƯỜNG SỐNG PHÙ HỢP NHẤT CHO LAN.
Nguyễn Ngọc Hà