DÂN CHƠI LAN

- Trang Web chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hoa lan và giới thiệu chế phẩm đặc biệt: HÙNG NGUYỄN - ĐÀ LẠT

GIẶC ĐÊM – SÊN VÀ NHỚT – Bài 60

GIẶC ĐÊM – SÊN VÀ NHỚT – Bài 60

Bạn sợ nhất điều gì?
Tôi không có điều sợ nhất, nhưng nếu có thì đó là sợ những thứ NẰM NGOÀI TẦM HIỂU BIẾT.

Có những sai lầm trong cuộc sống làm ta phải giành cả thanh xuân để sửa chữa, và có những sai lầm không thể sửa chữa được mà phải giành cả đời để khắc cốt ghi tâm. “Một nông dân bị sên nhớt cạp mất hơn 300 mầm giả hạc và trầm sau 2 tháng mưa dầm dề chia sẻ”.

Hồi mới chơi lan, tôi cứ TƯỞNG ghép lan lên gỗ vú sữa và nhãn phải để cả vỏ thì lan mới tốt, rễ mới sung. Và rồi tôi nhận ra rằng những thứ ngoài tầm hiểu biết thì bản thân luôn TƯỞNG LÀ, làm theo cái TƯỞNG LÀ đó nên giờ mới ngậm đắng nuốt cay. SỰ THẬT LÀ mùn của vỏ chính là thức ăn và ổ của sên và nhớt, là ổ của nấm và vi khuẩn, của cuốn chiếu, bọ trĩ và giun… ĐỂ PHÁT HIỆN RA NHỮNG ĐIỀU ĐƠN GIẢN SỰ THẬT LÀ KHÔNG ĐƠN GIẢN.

Có những thứ bạn nhìn không ra, không có nghĩa là nó không tồn tại. Ví dụ như sên và nhớt, ban ngày chúng trốn mất tăm, nhưng khi mặt trời khuất bóng, chúng sẽ ùn ùn kéo ra với số lượng thật kinh người, sau đó thì mầm lan của bạn, nụ hoa, vòi hoa, cánh hoa, đầu rễ, lá non… chúng sẽ chén no nê và rồi lại trốn mất tăm. Buổi sáng bạn ra vườn thăm lan thì có khi sẽ thấy cái mầm hôm qua bạn còn đang hí hửng chờ mong hay cái rễ còn trắng tinh mới nhú, sáng nay đã biến mất như tiền trong ví ngày cuối tháng của sinh viên Việt Nam.

Nếu trồng lan trong chậu thì còn khó phát hiện tăm tích của sên và nhớt hơn nữa, ban ngày nó chui xuống sâu trong chậu, nếu không bới chậu lên và soi từng centimet khối giá thể thì sẽ không thấy được gì. Sên và nhớt có tốc độ sinh sản rất khủng khiếp, chỉ với hai con ốc ban đầu trong chậu có thể sau một tuần nó đã đông như quân Nguyên rồi.

Mỗi tháng tôi đều mua loại bả sên 35 ngàn đồng 1 ký về rải khắp vườn, xung quanh giàn, thậm chí cả trong chậu lan, nhưng mà chỉ chết được sên nhớt loại lớn, còn loại bé bé xinh xinh như cây tăm VIP cho tới lớn bằng ruột bút thì không ăn thua gì. Rồi phun mấy lần hết cả lít thuốc sâu mà nghe người bán thuốc giới thiệu, chỉ thấy bản thân hít thuốc đầu váng mắt hoa mà vẫn thấy ngọn và lá với mầm lan cứ ra đi hàng ngày.

Tôi lại tiếp tục đổi thuốc, hỏi người bán thuốc thì họ khẳng định: Phun cái này sên nó khô nhớt nó sẽ chết, vậy mà mang về phun cũng vẫn thấy bọn GIẶC ĐÊM này nhơn nhơn trêu ngươi, ức không chịu nổi.

Sau nhiều lần thay đổi thuốc và bả, thì cuối cùng tôi cũng tìm được thứ tôi cần (dĩ nhiên là lúc này tôi đã thiệt hại nặng nề ê chề lắm rồi). Tôi đọc không được tên của loại bả mà tôi dùng, vì trên bao bì chữ loằn ngòa loằn ngoằn chả khác gì mấy con giun bò, trên bao bì chỉ có 1 dòng tôi đọc được là DEADMEAL-5 (có hoạt chất metaldehyde 5%) – Bạn chịu khó xem hình nhé.

Cái này dùng để rải, 1 chậu đường kính 14cm thì rải khoảng 20 – 25 viên. Một gói 1 kg tôi rải được hơn 1500 chậu lan. An toàn với động vật thủy sinh. Còn với người thì tôi nghĩ bạn phải đeo khẩu trang và bao tay để an toàn.

Còn với các giò lan ghép gỗ và nền giàn thì tôi dùng Thuốc diệt ốc dạng bột – Osbuvang 80WP đê phun.

 
• QUY CÁCH: Gói 100gram, dạng bột
• Hoạt chất :Metaldehyde
CÔNG DỤNG
• Osbuvang 80WP là thuốc dạng bột mịn, hoà tan trong nước, dùng để phun xịt và trộn bã mồi. Thuốc diệt trừ hiệu quả ốc lớn, ốc bé, ốc nhớt, ốc sên
• Osbuvang 80WP là thuốc trừ ốc có hiệu lực cao để diệt ốc. Khi ngộ độc thuốc ốc sẽ mất hết nhớt rồi chết.
Bạn phải phun ướt đẫm cả giò lan vào buổi chiều tối (tốt nhất là 18h), đảm bảo tất cả các khe rãnh trên giò lan đều đẫm thuốc. Phun hai tới ba lần, cách nhau 3-7 ngày mới dứt điểm được cả trứng và mấy con may mắn sống sót. Bạn nhớ phải bảo hộ kỹ cơ thể khi phun thuốc.

Thú thực với các bạn, tôi tra cứu thấy rất nhiều loại bả ốc và thuốc phun ốc có cùng hoạt chất với hai loại trên, tuy nhiên tôi đã dùng hai ba loại bán gần nhà và thấy không hiệu quả với mấy con ốc nhỏ xíu này nên tôi buộc phải tìm loại khác.

Tôi nghĩ trước mắt nếu bạn gặp vấn đề như tôi thì hãy cứ mua và dùng thử vài loại thuốc mà cửa hàng thuốc gần nhà bạn bán, nếu sau đó không hiệu quả thì chuyển đổi như tôi cũng chưa muộn.

Hai loại thuốc này có VẠCH MÀU XANH ĐẬM nói lên mức độc là ÍT ĐỘC. Nhưng ít độc thì vẫn là CÓ ĐỘC, các bạn cẩn thận 1 chút.

Nhân tiện đây tôi cũng lưu ý các bạn cách nhận biết mức độ độc dựa vào vạch cảnh báo trên bao bì các loại thuốc bảo vệ thực vật:

• Vạch màu đỏ trên bao bì là thuốc độc nhóm I, thuộc loại rất độc và độc
• Vạch màu vàng trên bao bì là thuốc độc nhóm II, thuộc loại độc trung bình.
• Vạch màu xanh (xanh đậm) trên bao bì da trời là thuốc độc nhóm III, thuộc loại ít độc.
• Vạch màu xanh lá cây trên bao bì là thuốc độc nhóm IV, thuộc loại độc rất nhẹ.

Vạch này tôi thấy ở phần dưới cùng của chai thuốc hoặc gói thuốc.

BẮT SÊN NHỚT THỦ CÔNG

Nếu chỉ có vài chậu lan, bạn có thể thái vài lát dưa leo rồi đặt lên chậu lan khoảng 18h tối, rồi một hai tiếng sau chịu khó soi đèn và lấy lát dưa leo dính đầy sên nhớt ra. Ngoài ra trên cụ gu gồ có nhiều cách bắt sên khá hay, tôi không đề cập vì tôi không thích các cách đó, ví dụ dùng vỏ trứng để đập nát rồi rải lên chậu lan đuổi sên nhớt đi, nghe có vẻ hay nhưng làm xấu giò lan và đuổi đi thì sên sẽ đi đâu nếu bạn treo lan trên giàn? Vỏ trứng ở đâu để đuổi sên trên hơn vạn giò lan như tôi? Rồi dùng bia để dụ sên tới uống và ngộ độc cồn rồi chết đuối, bản thân tôi còn đang thèm nhỏ dãi không có mà uống, đào đâu ra cho sên uống? Hay dùng cà phê pha phin và bã cà phê để đuổi sên, thóc đâu mà đãi gà rừng vậy chứ?

Tôi mua hai loại thuốc trên chỗ anh Kim Giáp nick facebook Giap Kim (web dungcucaycanh.com Điện thoại 0918205288) ở đường Thành Thái, TP Hồ Chí Minh. Bạn có thể ra tiệm thuốc bảo vệ thực vật gần nhà hoặc các đại lý bán vật tư ngành lan khắp Việt Nam để mua. Loại tôi dùng giá đắt gấp 10 lần loại đang bán gần nhà tôi, dạng viên là nhập từ Thái Lan, dạng bột thì rẻ được sản xuất tại Quận 11 – TP HCM. Tôi cũng không muốn dùng loại đắt cỡ đó, nhưng rất bất đắc dĩ. Bạn thử nghĩ 300 mầm giả hạc các vùng miền và trầm chỉ sau 1 tháng mưa dầm, thôi, không nhắc tới nữa, đau lòng lắm.

Trên hình tôi có sự so sánh giữa 2 chậu, 1 bên bị sên ăn mất mầm gốc, 1 bên thì không, xem xong hình bạn sẽ tự hiểu vấn đề! Hình ảnh tôi phải rất mất công mới chụp được, các bạn đọc bài mà không xem hình thì coi như mất 50%!

Tôi rất hy vọng bài viết sẽ được nhiều người đón nhận và nhiều CHIA SẺ để lan tỏa hiểu biết tới cộng đồng.

Trời đang tối, ra vườn soi sên nhớt thôi các bạn!

Nguyễn Ngọc Hà, Đức Trọng – Lâm Đồng.

CƠ SỞ SẢN XUẤT THÁI SƠN | P.Trung Mỹ Tây, Q.12, Tp.Hồ Chí Minh

1) Nick facebook: Tô Quốc Cường (0977.781.549 | Dĩ An, Bình Dương | quoccuongbinhduong@gmail.com)

2) Nick facebook: Ben Nguyen (090.337.4405 | Quận 2, TP. Hồ Chí Minh | bennguyendalat@gmail.com)

0977.781.549
0903.374.405