KỸ THUẬT LÀM GIÀN LAN
Những ngày đầu mới tập chơi lan, với vài ba chậu Kiều, dăm bảy giò Hồng Dâu và vài bảng Long Tu, tôi cũng cũng không biết treo chỗ nào, đành phải “trân trọng” treo lên cây xào phơi đồ và hàng rào B40, nhưng mãi mà không thấy lan phát triển, thậm chí còn cháy hết bộ lá. Lúc đó tôi đã mơ hồ ý thức được tầm quan trọng của giàn lan.
Sau bảy lần chuyển giàn và bốn lần sửa giàn do chuyển chỗ ở và công việc, tôi đã đúc kết được vài kinh nghiệm tâm đắc, nay xin chia sẻ lại với các bạn. Tôi cũng bắt đầu là một người chơi lan nghiệp dư “Tài Tử”, sau này niềm đam mê dần dần lớn lên trong tâm hồn rồi từng bước trở thành một nhà vườn trồng lan chuyên nghiệp, bản thân tôi có may mắn được là một thành thành viên ban quản trị của một hội lan khá lớn, được đi thăm quan nhiều nơi, tới thăm ba bốn chục vườn lan trên mọi miền tổ quốc, lại được đi sửa lan dạo cho rất nhiều vườn chơi lan tài tử, cũng lại có một chút tâm đắc, nhân cơ hội này xin phép được trình bày tại đây.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÀN LAN
Để tạo được TIỂU KHÍ HẬU tối ưu cho lan sinh trưởng và phát triển, tránh được các loại côn trùng gây hại, hạn chế được dịch bệnh và thuận tiện trong việc bài trí thưởng lãm nghệ thuật… nhất định bạn phải làm giàn treo lan đàng hoàng nghiêm chỉnh. Nhất là hoa lan hiện tại có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ nên rất dễ bị trộm cắp. Bên cạnh đó thiên tai bão lụt cũng ảnh hưởng vô cùng lớn tới giò lan của các bạn.
Có nhiều bạn sợ làm giàn đàng hoàng sẽ rất tốn kém tiền bạc và cũng không biết phải làm như thế nào, phải bắt đầu từ đâu. Bạn có thể tham khảo những lời khuyên bên dưới.
1. Giàn nên thuê thợ sắt tới hàn bằng THÉP KHÔNG RỈ hoặc Ống Kẽm Nhúng nóng. Trụ nên dùng ống tròn đường kính 49mm hoặc 60mm, nên chôn trụ hoặc đổ bê tông chân trụ thật chắc chắn, khung nên bằng sắt hộp vuông 30mm, dày trên 1ly4.
Bạn không nên làm giàn bằng tre, tầm vông, gỗ (mặc dù tạm bợ thì vẫn được), nhưng chỉ sau 2 năm bạn lại phải dỡ hết lan xuống và sửa chữa thay thế lại vật liệu mới. Thiệt hai về thời gian công sức và tiền bạc là rất lớn, hơn nữa giò lan của bạn sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều. Tôi đã từng 1 lần làm giàn bằng gỗ và 1 lần bằng cây tầm vông, bạn thử tưởng tượng phải di chuyển gần 1000 giò lan đi chỗ khác sau đó tháo dỡ toàn bộ rồi sửa lại giàn, tiếp đó lại treo hết số lan trở lại giàn mới, thật sự là vô cùng mệt mỏi.
Nếu làm giàn ở vùng thường xuyên bị bão thì nhất định phải có dây cáp kéo tăng về 8 phía xung quanh để tránh sập đổ giàn.
3. Chiều cao lưới che khoảng 3m – 4m, thanh sắt treo lan cách lưới ít nhất 50cm. Bạn nên căn để chậu lan hoặc cây lan của bạn cách lưới ít nhất 1,2m (xứ lạnh) hoặc 1,5m (xứ nóng).
Ví dụ như giàn nhà tôi cao 4m, thanh treo lan cách lưới 50cm (Lâm Đồng). Tầng trên tôi treo các giống lan ưa nắng như Giả Hạc, Trầm, Kiều, Kim Điệp, Long Tu, Cattlaya, Dendro (Nói chung là các giống lan đa thân)… Tầng dưới cách tầng trên 1,5m treo các giống lan đơn thân như Sóc Lào, Sóc Ta, Cáo, Đai Châu (Ngọc Điểm), Hải Yến, Uyên Ương, các giống lan Hài, Địa Lan…
4. Các thanh ngang dọc bên trong giàn cách nhau ít nhất 50-70cm, nếu treo lan sát nhau quá thì dễ bệnh và cây không đủ thông thoáng phát triển kém. Và còn tùy giò lan của các bạn to nhỏ mà căn sao cho hợp lý.
5. Nên phủ lưới Thái xanh đen trên và xung quanh, độ bền khoảng 4-5 năm, che 60% ánh sáng nếu xứ lạnh và 70% ánh sáng nếu ở xứ nóng. Hiện nay trên thị trường có các loại lưới Thái khổ lưới 2,3,4m với giá trung bình 1,4 triệu 200 mét vuông. Đối với việc căng lưới, càng phẳng và căng thì càng bền, nên có một hệ thống dây thép đỡ bên dưới lưới và 1 hệ thống dây thép bên trên để tránh tốc và rách lưới khi gió bão.
Nếu có điều kiện bạn nên dùng lưới dệt kim của ĐÀI LOAN, độ bền 15-20 năm, giá cả mắc hơn lưới Thái 20-80% tùy thương hiệu. Khi hạt mưa rơi xuống sẽ bị xé nhỏ ra thành dạng sương chứ không đọng thành giọt như lưới Thái.
Nếu vùng bạn nhiều côn trùng, tốt hơn hết nên dùng lưới che côn trùng ở xung quanh và không cần dùng lưới che nắng ở xung quanh nữa.
Tôi khuyên bạn không nên dùng lưới đen rẻ tiền của Việt Nam, độ bền chỉ hơn 1 năm, nếu giàn đầy lan mà bạn thay lưới thì phức tạp vô cùng.
Bạn nên quây lưới B40 ở xung quanh sau đó mới quây lưới che côn trùng ra bên ngoài để đề phòng trộm cắp, gia cầm và chó mèo chui vào phá lan.
Nếu khu vực làm giàn ít côn trùng và thiếu độ thông thoáng, bạn nên để ra các khe hở đón gió và thoát gió để tạo độ thông thoáng cho giàn lan.
6. Nếu muốn tiết kiệm 70% thuốc nấm, vi khuẩn và trồng được các loài lan cực khó cũng như lan nuôi cấy mô, ra chai mô và gieo hạt thì nên phủ nilong bóng kính ở trên (loại tốt khoảng 60k 1 kg). Tôi thấy chỉ cần phủ trên là đủ chứ không nên quây xung quanh vì sẽ rất bí, hấp hơi và không có gió, lan chậm phát triển.
7. Tính toán để lan nhận ánh nắng buổi sáng được nhiều nhất, nếu chỉ có nắng chiều thì nên treo những giống lan ưa nắng ra ngoài gần lưới. Các thanh treo lan nên đặt theo hướng Bắc – Nam.
Nếu bất đắc dĩ bạn chỉ có thể treo lan trong mái tôn, bạn nên có một tấm tôn sáng và có 1 lớp xốp tráng bạc để tăng cường ánh sáng và giảm bớt nhiệt độ buổi trưa.
8. Nếu chơi tại nhà, trong vườn đa dạng các loại lan và rất nhiều các kiểu giá thể như lũa, chậu, dớn… thì nên dùng vòi tưới bằng tay để kiểm soát lượng nước, cắt nước cho từng loại phù hợp vào thời điểm thích hợp. Ngoài ra bạn có thể chọn lựa hệ thống tưới phun mưa hoặc phun sương. Thường các giàn lan lớn và chuyên nghiệp dùng hệ thống tưới phun mưa (giống như tưới ra và cỏ).
9. Nếu mùa đông ít ánh sáng mà giàn phủ nilon thì các bạn nên gắn cố định nilon phía trên, phía dưới là lưới có thể gỡ ra được khi cần thì sẽ tốt nhất. Còn cá nhân tôi ở Lâm Đồng xứ lạnh thì cố định luôn vì điều kiện tự nhiên rất tốt. Cũng chỉ cần che nilon 1 phần của giàn chứ không cần thiết phải che toàn bộ giàn. Phần che nilon dùng để nuôi các loại khó thuần, cắt nước cho cây sắp hoa và lan con. Bạn có thể thay nilon bằng tôn sáng.
10. Nền giàn nên trải 1 lớp bạt để ngăn ngừa cỏ dại và côn trùng, quét dọn được sạch sẽ và thoáng mát. Ở nhiều vườn lớn tôi thấy người ta đào hào nước để tạo độ ẩm trong mùa đông và mùa khô, đường đi giữa các luống là bê tông hoặc trải đá 1×2, nhìn vô cùng sạch sẽ và nghệ thuật.
Nền giàn phải cao hơn xung quanh, tuyệt đối không để giàn bị ngập lụt, hệ thống thoát nước xung quanh tốt sẽ giúp hạn chế muỗi, dĩn, ốc sên và nhớt cộng với nhiều loại côn trùng phá hoại khác.
Nếu bạn làm giàn đúng kỹ thuật ngay từ đầu, việc chơi lan và chăm lan đối với bạn sẽ giống như xe nhẹ đi đường quen. Theo kinh nghiệm thực tế của tôi, làm giàn như trên, trung bình 100 mét vuông tổng chi phí khoảng 20 – 30 triệu. Nếu chỉ làm 36 mét vuông thì khoảng 5-10 triệu. Nếu so với giá trị lan trong giàn thực sự số tiền làm giàn không đáng nhắc tới!
TÁI PHÍM
Bài viết này được đăng trên báo Việt Nam Hương Sắc số ra tháng 8 năm 2018.
Mọi chi tiết đặt báo xin vui lòng gọi số ĐT: 02432.4444.29 – 0963.298.396
Hoặc liên hệ Email: tcvnhs@gmail.com (viết tắt của Tạp Chí Việt Nam Hương Sắc)
Nếu thấy hay và hữu ích, xin hãy CHIA SẺ để lan tỏa kiến thức tới cộng đồng và nâng tầm ngành lan Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Hà