DÂN CHƠI LAN

- Trang Web chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hoa lan và giới thiệu chế phẩm đặc biệt: HÙNG NGUYỄN - ĐÀ LẠT

KÍCH KEIKI VÀ MẦM VỚI KEIKI SUPER XANH VÀ ĐỎ – Bài 54

KÍCH KEIKI VÀ MẦM VỚI KEIKI SUPER XANH VÀ ĐỎ – Bài 54


Bài viết cực kỳ chi tiết nên hơi dài, đây là 1 sự khó khăn cho người lười đọc và hời hợt với lan. Vậy kính mời bạn chịu khó xem hình! Hình trong bài là kết quả của quá trình thực nghiệm từ ngay sau tết và 1 lô là ngày 27/3/2018. Hình thành quả là tôi mới chụp ngày 17/4/2018.

Hai năm nay, thị trường lan thân thòng rất sôi động, chính vì lẽ đó để sở hữu được một mầm nho nhỏ những mặt hoa đẹp thực sự khá khó khăn. Chính vì lẽ đó, thời gian gần đây có rất nhiều bạn nhắn tin hỏi tôi kỹ thuật tạo keiki từ giả hành già và làm thế nào để gốc lan đẻ được nhiều mầm. Thực sự tôi đã cố gắng hết sức để trả lời và dẫn hai đường link tôi đã viết về kỹ thuật tạo keiki cho các bạn, tuy nhiên tôi thấy nhiều bạn vẫn chưa thỏa mãn và áp dụng sai phương pháp, gây ra hậu quả không mong muốn.

Để giảm tải bớt áp lực tin nhắn và làm một bài thực sự chi tiết, công tâm, phân tích mặt trái và phải của việc kích keiki cũng như nên chăm sóc như thế nào sau khi kích được keiki… nên bài này có lẽ sẽ hơi dài, các bạn lưu ý từng chi tiết giùm. Tôi chỉ tập trung viết về lan Giả Hạc (Phi Điệp Tím), nhưng nội dung này có thể áp dụng cho lan Trầm, Long Tu, Hoàng Thảo Vôi, các loại lan Thủy Tiên (Kiều), Dendro… Nói chung là tất cả các loại lan có giả hành đều làm tương tự.

1. THỜI ĐIỂM KÍCH KEIKI

– Thời điểm giả hành được 10 tháng tuổi trở nên là có thể bắt đầu kích keiki được. Tuy nhiên thời điểm hiệu quả nhất chính là thời điểm chuẩn bị giả hành tơ nhú nụ hoặc mầm gốc bắt đầu sưng lên chuẩn bị nảy mầm.

Vậy là tháng nào trong năm? Tôi không biết! Chỉ có bạn mới có thể biết, vì tùy vào giống lan nhà bạn nở hoa tháng nào. Nếu là Giả Hạc Di Linh xuân, nở trúng dịp tết Nguyên Đán, thì thời điểm tốt nhất là giữa tháng 10 âm lịch. Nhưng nếu Giả Hạc Lào nở vào tháng 6 Dương Lịch thì thời điểm tốt nhất là vào giữa tháng 4 dương lịch. Nhưng cũng là cây Di Linh Xuân mang về Hà Nội, tới tận tháng 4 dương lịch mới nở thì thời điểm kích keiki tốt nhất lại là giữa tháng 2 dương lịch.

Phải giải thích thế nào cho bạn hiểu tại sao lại như vậy? Khó nói lắm. Nôm na là đấy là thời điểm các mắt ngủ đã ngủ đủ giấc và sẽ tỉnh ngủ vào thời điểm đó.

Vậy nếu kích trước đó hoặc muộn hơn thì sao? Thì hiệu quả sẽ thấp hơn nhiều. Ví dụ giả hành mới được 8 tháng tuổi, đang thắt ngọn và đi vào giấc ngủ, bạn đè ra chích rồi nhỏ thuốc kích keiki vào, sau 2 tháng vẫn im re không thấy có keiki nào mọc ra, bạn quay sang chửi nhà sản xuất thuốc kích keiki quảng cáo bậy, quá sự thật… Đây là do bạn sai.

Tôi ví dụ thực tế như này, các chị và các anh, các chú đã có vợ nhất định sẽ hiểu, các chú em chưa vợ thì ráng mà nhớ nhé. Chu kỳ 1 người phụ nữ giả sử là 28 ngày, giả sử ngày mùng 1 đầu tháng bắt đầu hành kinh, ngày 4 hết kinh, ngày 12-16 trứng rụng. Nếu đưa tinh trùng vào chỗ trứng sẽ rụng hoặc đã rụng thì khả năng sẽ đậu thai. Tinh trùng sống được trung bình khoảng 2 ngày. Vậy nếu ngày 5,6,7,8 mà đưa tinh trùng vào thì nó chết toi hết trước khi trứng rụng, nghĩa là công cốc (À, tôi nghĩ các anh sẽ thích những ngày này lắm). Giống vậy, bạn kích keiki sớm quá sẽ chỉ phí thuốc mà thôi. Kích keiki muộn quá cũng vậy, giống như đưa tinh trùng vào sau ngày 18, làm gì còn quả trứng nào nữa mà đòi thụ thai được.

Ví dụ tôi minh họa chỉ tương đối, bạn kích keiki muộn hơn 1 chút thì vẫn được miễn là thời tiết ấm áp, ánh nắng đầy đủ và độ ẩm tương đối cao.

Nếu bạn kích keiki vào thời điểm lạnh, khô và ít nắng thì hiệu quả thực sự sẽ rất thấp, đấy là lý do vì sao mùa thu và đông ngoài Bắc rất khó tạo keiki. Còn Sài Gòn và miền Tây thì vẫn được (tuy nhiên hiệu quả cũng rất thấp).

Đối với những giả hành 2,3,4,5,6 tuổi thì càng lớn tuổi càng khó và hiệu quả càng thấp. Giả hành 2,3 tuổi kích 100 mắt lên được 60 mắt là hên rồi, giả hành 5,6 tuổi kích 100 mắt lên được 15 mắt cũng là hên. Những mắt không lên được cũng như phụ nữ đã mãn kinh rồi, đưa tinh trùng vào vô ích.

Giả hành 3,4 tuổi mập mạp căng tròn kích vẫn đạt hơn nhiều giả hành 2 tuổi nhăn nheo teo tóp. Không khác gì người phụ nữ 40 tuổi tràn trề nhựa sống so với một bạn nữ 25 tuổi mà tong teo ốm yếu hai lưng…

Việc kích keiki đạt hay không còn phụ thuộc vào giống. Có những giống giả hạc phun Keiki Super xanh chỉ 1 lần, một gốc đẻ 2,3,4 mầm, mỗi mắt trên 1 giả hành 1 keiki (Ví dụ như Giả Hạc Châu Như, Giả Hạc Pháp, Đột Biến trắng Di Linh Xuân…). Chẳng khác gì có những chị rất NHẠY, chồng chỉ đảo qua đầu giường trong 1 nốt nhạc là có bầu. Cũng có những giống khó ra mầm và keiki, phun mãi mà cũng chỉ lèo tèo vài ba keiki trên cả một mét giả hành, mà nếu không phun thì sẽ chẳng bao giờ ra keiki, cái này là do bạn hơi đen.

Giả sử trên giả hành đã có 1 hoặc 2 keiki mà còn rất nhiều mắt ngủ, thì việc kích keiki hiệu quả cũng sẽ thấp hơn nhiều, vì theo tôi giả hành đang dồn toàn lực nuôi keiki có sẵn, sẽ không ưu tiên việc tiếp tục nảy keiki nữa.

2. TẠI SAO KÍCH KEIKI LẠI RA HOA?

Rất khó giải thích chính xác và đầy đủ được.

– Do giống sai hoa.
– Do mắt trên giả hành đã tích lũy đầy đủ sắc tố tạo hoa.
– Do trong quá trình lan thắt ngọn, bạn đã bón phân có nhiều Lân và Kali làm tăng sự phân hóa tạo nụ trong mắt ngủ.
– Do quá trình kích keiki lan ăn nhiều nắng, độ ẩm thấp hoặc nhiệt độ thấp.
– Do bạn đen thôi, đỏ quên đi…..

Vậy để tăng cao hơn khả năng ra keiki như ý muốn, thì trước và trong quá trình kích keiki bạn nên bón phân giàu đạm (N), giảm bớt nắng 1 chút và tăng độ ẩm giá thể cũng như không khí lên 1 chút.

Những gạch đầu dòng trên đều là kinh nghiệm thực tế của tôi tiến hành thực nghiệm trên rất nhiều giò lan. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác nằm ngoài sự hiểu biết nên tôi chưa giải thích được. Bạn nào có kinh nghiệm khác xin hãy chia sẻ cho tôi để tôi hoàn thiện hơn bài viết của mình.

3. KỸ THUẬT THAO TÁC.

A. Đối với Keiki Super Xanh (Keiki Super Spray; Spray nghĩa là Phun, Xịt), chỉ cần pha 5cc với 1 lít nước phun ướt đẫm giả hành, gốc, lá, rễ 1 hoặc 2 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày.

Bạn cũng có thể cắt từng khúc giả hành còn mắt ngủ chưa ra hoa, bôi keo liền sẹo (ví dụ Tree Seal của Mỹ, loại nhãn xanh và keo màu đen, đọc là Tri Sều), sau đó ngâm với dung dịch 5cc Keiki Super Xanh pha 1 lít nước trong 5 phút. Vớt ra đặt trên khay đã trải sẵn dớn Trắng Chi Lê hoặc Dớn Vụn hoặc Dớn Cù Lần xay hoặc Rêu Rừng. Hàng ngày giữ ẩm với chế độ phun sương.

Dù cắt hay để nguyên giả hành trên giò lan, thì sau khi phun Keiki Super Xanh, cứ 3-7 ngày phun Chế Phẩm Hùng Nguyễn 1 lần. Bạn có thể pha chế phẩm Hùng Nguyễn (20 giọt) với phân bón lá NPK TE 30-10-10Te liều 1gram (khoảng 1 thìa sữa chua) với 1 lít nước. Phun buổi sáng. Tỉ lệ ĐẠM CAO chính là một bí quyết nhỏ ý nghĩa lớn.

Để giò lan hoặc giả hành cần ươm nơi ánh nắng 50% – 70%, độ ẩm cao và nhiệt độ cao (Đấy là cách của tôi, bạn có cách hay hơn xin hãy chia sẻ cho tôi).

Đợi khi nào rễ của keiki dài được 3-5cm thì cắt ra (nếu ươm trên giò lan) đem trồng vào chậu mới.

Nếu bạn phun kích Keiki Super Xanh xong mà không dùng chế phẩm Hùng Nguyễn + NPK hoặc chất kích thích ra rễ khác nào đó, thì keiki mọc ra sẽ rất lâu ra rễ, khi đó giả hành mẹ có thể sẽ kiệt quệ sinh khí, teo tóp và mầm gốc không phát triển được. Các loại phân kích thích ra rễ bạn có thể thay thế Chế Phẩm Hùng Nguyễn bằng tất cả các loại phân kích thích ra rễ và tăng khả năng nảy mầm trên thị trường.

Cách này chỉ nên áp dụng cho lan đã thuần ít nhất 1 năm, bộ rễ của năm cũ còn tốt và mạnh khỏe. Nếu áp dụng cho lan mới bóc từ rừng về, đang suy yếu và trụi rễ thì vấn đề rất đáng quan ngại. Khi đó mầm gốc sẽ nhanh chóng thắt ngọn, keiki cũng nhanh thắt ngọn. Giả sử giả hành mẹ 1 tuổi, dài 50cm, đẻ 1 con thì chăm bình thường đúng quy trình, giả hành con dài 30-50cm; nhưng nếu kích cho gốc đẻ 2 con, giả hành mọc vài ba keiki thì mầm gốc có khi được 5-10cm là thắt ngọn, keiki dài 3cm là thắt ngọn. Rõ ràng là được không bằng mất.

Giải pháp tốt nhất cho lan bóc từ rừng là bạn nên tách từng giả hành, trồng bình thường, chỉ dùng chế phẩm Hùng Nguyễn + NPK te. Sau khi mầm gốc lên khỏe mạnh, bộ rễ dài 10-15cm và tự hút được chất để nuôi chính nó, bạn cắt giả hành mẹ ra (để nguyên hoặc cắt khúc) rồi ngâm với Keiki Super Xanh và ươm như bên trên tôi đã đề cập.

B. Keiki Super Pro (Pro nghĩa là Chuyên Nghiệp)
Bạn có thể tự thiết kế một mũi khoan bằng dây thép đường kính 2mm hoặc 3mm. Đập bẹt rồi cắt vát đầu đập bẹt bằng kìm chuyên cắt thép hoặc bạn có thể cắt xéo sợi dây thép để có đầu nhọn.

Dùng khoan, khoan 1 lỗ có đường kính bằng 1/5 đường kính giả hành bạn cần kích keiki, sâu bằng 1 nửa đường kính giả hành. Vị trí ở giữa đốt giả hành hoặc chia đốt giả hành làm 3 phần, khoan ở cách mắt cần kích bằng 1/3 độ dài của đốt giả hành.

Sau khi khoan, bạn nhỏ đầy dung dịch Keiki Super Đỏ vào (hoặc lấy xilanh bơm vào).

Đợi khoảng 30-60 phút cho dung dịch kích keiki khô đi thì lấy keo liền sẹo Tree Seal trét đầy vào lỗ khoan và tràn sang hai bên mép vết khoan để ngăn ngừa nước thấm vào (nếu không thể mua keo liền sẹo thì có thể dùng sơn dầu hoặc xi măng sệt trét vào, tuy nhiên hiệu quả kém hơn). Tuy nhiên tôi cũng đã thử không trét keo liền sẹo một số vết khoan, nhưng rất hên xui, thỉnh thoảng vẫn có vết khoan bị thối sau một thời gian tưới nước.

Ngày trước tôi dùng cách lấy dao lam cắt sâu vào giả hành theo hình chữ V nhưng tôi thấy cách này rất hại giả hành, làm đứt rất nhiều mạch dẫn nước và chất dinh dưỡng của giả hành, ngoài ra làm giả hành dễ gãy và đặc biệt là mất thẩm mỹ.

Dùng phương pháp chích như thế này thì dung dịch kích keiki sẽ thấm được nhiều hơn và hiệu quả cao hơn so với dùng dạng phun. Tuy nhiên rất mất thời gian và khá dễ bị thối từ vết khoan.

Ngoài cách khoan, bạn có thể lấy tăm bông thấm trực tiếp dung dịch Keiki Super đỏ bôi vào mắt ngủ cần kích. Lưu ý rằng bạn nên bóc bỏ lớp vỏ lụa bọc bên ngoài mắt ngủ ra, phải chú ý nhẹ nhàng tách vỏ lụa tránh làm xước hoặc nát mắt ngủ bên trong.

Có một cách khác là bạn có thể pha 3cc (khoảng 60 giọt) với 3 lít nước để phun lên toàn bộ giả hành và gốc lan giống như phun Keiki Super Xanh. Dĩ nhiên hiệu quả kém hơn 1 chút. Và ngược lại, bạn có thể chích trực tiếp Keiki Super Xanh như loại đỏ, hiệu quả khá cao, tuy nhiên tác dụng chậm hơn.

Lợi thế của hai loại kích keiki này, tôi thấy tâm đắc nhất là chai giống chai thuốc nhỏ mắt, dễ dùng và dễ đặt để vô cùng, nói chung là tiện dụng.

Nếu mắt ngủ trên giả hành lan bạn đã dùng Keiki Super Xanh để phun mà vẫn im re, bạn có thể làm cách Chích với Keiki Super đỏ.

Có đôi khi vận khí tốt, dù phun hay khoan lỗ rồi chích, đều có thể làm mắt lan đã ra hoa vẫn mọc được keiki. Trong hình tôi có 1 mẫu như vậy, bạn xem nhé.

Cách thức kích mầm trên lan đơn thân cũng làm tương tự, khoan 1 lỗ trên thân của lan tại bên dưới vị trí bạn muốn kích mầm, nhỏ dung dịch kích Keiki Super đỏ vào sau đó trét keo liền sẹo lại và chờ đợi.

Nếu sau 15 ngày dùng phương pháp khoan mà chưa thấy mắt ngủ này mầm, bạn hãy tiếp tục khoan 1 lỗ khác ngay sát lỗ cũ rồi làm lại từ đầu. Hãy kiên nhẫn, đừng nản vì có thể thời điểm bạn kích không trúng lúc TRỨNG RỤNG (bạn đừng nhắn tin hỏi tôi thời điểm nhé, cái gì của bạn bạn phải tự biết, tôi chịu).

Tại sao phía trên tôi viết là DUNG DỊCH KÍCH KEIKI mà không dùng từ THUỐC hay PHÂN cho nó ngắn gọn. Nhà sản xuất họ gọi là KÍCH KEIKI chứ có từ nào là thuốc hay phân đâu, mà tôi nghĩ gọi thế nào cũng chưa chuẩn. Vậy cứ nôm na là KÍCH KI XANH LÀ PHUN, KÍCH KI ĐỎ LÀ CHÍCH HOẶC BÔI. Vậy cho nó gọn và dễ nhớ.

Sau khi chích xong, chế độ chăm sóc bảo dưỡng bảo trì giống như sau khi phun Keiki Super Xanh.

Có nhiều bạn rất phản đối việc kích cho lan đẻ nhiều, quan điểm của họ là đẻ nhiều thì nuôi không nổi, có thể lan sẽ chết. Thực ra suy nghĩ như vậy cũng rất hợp lý. Quy luật Âm Dương được vận dụng để hiểu vấn đề này quả thực không sai. Tuy nhiên lan chỉ chết khi bị nấm, khuẩn, sốc nhiệt hoặc sốc phân thuốc quá liều chứ không thể vì đẻ nhiều mà lan chết được. Chăm sóc sau quá trình kích keiki sẽ đòi hỏi nhiều công phu hơn và còn tùy vào điều kiện giò lan. Bạn cứ liên tưởng nhà bạn kinh tế yếu, đẻ 1-2 đứa là nuôi thấy chật vật lắm rồi, nếu đẻ chục đứa như các cụ ngày xưa thì nuôi kiểu gì cho tốt? Nhưng nếu nhà bạn giàu, công việc hai vợ chồng cũng tự do và có thể thuê thêm người giúp việc (cũng giống như bộ rễ mẹ sung mãn và chế độ bón phân đầy đủ), trong gia đình ông bà cũng rảnh rỗi mà lại yêu trẻ con, thì đẻ năm sáu đứa hay chục đứa cũng không phải cái gì đáng lên án.

Tôi vẫn dùng Ô Mô để giặt nhưng thực sự không dám nhỏ vào mắt. Vẫn đánh răng bằng PS nhưng không dám nuốt. Vẫn uống rượu nhưng không dùng để rửa mặt, rượu mà đổ ra véc ni của bàn ghế chắc cũng bạc màu. Ô Xy Già để sát trùng mà nếu chảy vào quần áo có thể bạc màu, nhỏ mắt chắc không mát. Vẫn ăn ớt nhưng không dám lấy tay bóp nát quả ớt sau đó đi thoát nước cứu thân. Fendona là thuốc nhúng mùng nhưng uống chắc cũng ngáp, nhỏ vào mắt không biết có mù không…. Đấy, nói lòng vòng cũng chẳng qua là bí từ. Đại loại là dùng kích keiki nói riêng và dùng phân thuốc nói chung thì vẫn nên đeo bao tay, bịt khẩu trang, nếu phun số lượng lớn vẫn nên mặc cái áo mưa 6 ngàn đồng vào cho chắc ăn.

Hôm trước có 1 chị khách hàng buôn bán ngoài chợ tới giàn tôi mua lan, đi qua đi lại trước mặt tôi làm tôi suýt nôn (ói) vì chị dùng 1 loại nước hoa gì đó mà tôi cảm thấy chịu không nổi, trong khi đó cậu học trò của tôi hít lấy hít để, anh ta bảo mùi thật dễ chịu, thơm ngọt ngào. Chắc tại cơ địa tôi chỉ quen hít phân và thuốc chứ không chịu được mùi nước hoa của ông hàng xóm phía Bắc.

Các sản phẩm phân thuốc và kích keiki trong bài tôi đề cập đều rất dễ mua ở tất cả các đại lý Vật Tư Cho Lan và các nhà vườn trồng lan.
Nếu bạn không tin tưởng được chỗ nào, có thể liên hệ trực tiếp với tổng đại lý tại Thành Phố Hồ Chí Minh của anh Kim Giáp nick Facebook Giap Kimtrên đường Thành Thái. Tôi thấy cửa hàng của anh ấy có mấy ngàn mặt hàng, trong đó phân thuốc cho lan cái gì cũng có, chỗ này bán nhiều loại kích keiki, của Nga, của Mỹ, của Việt Nam đều có cả. Bạn tin tưởng loại nào thì dùng loại đó. Trang web của cửa hàng là dungcucaycanh.com

Những gì tôi chia sẻ trong bài và hình ảnh là tôi làm thực nghiệm thực tế tại vườn, có kết quả thực sự tôi mới chia sẻ. Bài viết không nhằm để đánh bóng tên tuổi hay quảng cáo cái gì cả, chỉ nhằm mục đích giúp ngành lan Việt Nam phát triển, bảo tồn được các giống lan quý, lan tỏa kiến thức tới cộng đồng và đặc biệt nhất vẫn là giảm tải áp lực tin nhắn hỏi kỹ thuật kích keiki. Sau này có người hỏi, tôi chỉ cần dán đường link này để người đó tự đọc là xong.

Xưa nay tôi tư vấn cho các bạn cũng đều là vậy, cái gì tôi đã viết tôi sẽ gửi link, bạn chịu khó đọc mới đầy đủ được. Nhân thể đây tôi cũng chia sẻ với các bạn đường link này: https://hungnguyendalat.com/bai-viet-ve-hoa-lan-nguyen-ngoc-ha/
Các bài liên quan tới bài này là bài 6 – Phân cho lan, bài 17 và bài 46, bạn nên nhấn vào để tham khảo thêm. Đường link trên là tất cả các bài tôi đã viết, bạn có thể tham khảo khi không thể kéo xuống sáu chục bài của 2 năm trước để đọc bài của tôi trên face cá nhân.

Xin hãy CHIA SẺ nếu thấy cần phải LƯU TRỮ và hữu ích với bạn. Nếu bạn có kinh nghiệm hay, xin hãy CHIA SẺ cho tôi trong mục bình luận.

Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng, Lâm Đồng.

CƠ SỞ SẢN XUẤT THÁI SƠN | P.Trung Mỹ Tây, Q.12, Tp.Hồ Chí Minh

1) Nick facebook: Tô Quốc Cường (0977.781.549 | Dĩ An, Bình Dương | quoccuongbinhduong@gmail.com)

2) Nick facebook: Ben Nguyen (090.337.4405 | Quận 2, TP. Hồ Chí Minh | bennguyendalat@gmail.com)

0977.781.549
0903.374.405