DÂN CHƠI LAN

- Trang Web chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hoa lan và giới thiệu chế phẩm đặc biệt: HÙNG NGUYỄN - ĐÀ LẠT

Lan Hài Râu – Paphiopedilum dianthum (Bài 47)

Lan Hài Râu – Paphiopedilum dianthum (Bài 47)

Lan Hài chính là một loại kỳ hoa dị thảo điển hình. Thiên nhiên thật kỳ diệu vô cùng khi sáng tạo ra một loài hoa hết sức kỳ lạ, kỳ dị và cực kỳ độc đáo.

Mùa Thu, khi mà các giống lan khác nằm im ngủ (chi lan hoàng thảo), hoặc đang chuẩn bị dưỡng chất tạo nụ, thì Hài Râu lại đơm hoa khoe sắc. Nếu bạn sở hữu vài ba chậu hài râu thì mới có thể đảm bảo được vườn nhà bạn BỐN MÙA LAN NỞ. Vào cái mùa mà hầu như không có lan gì nở hoa, thì vài chiếc “giày xanh” sẽ là một điểm nhấn thật tuyệt vời trên bàn tiếp khách của bạn.

Được tìm thấy ở Tây Nam Trung Quốc và miền bắc Việt Nam trong các vạt rừng xanh lá rộng, rậm rạp, ẩm ướt trên những vách đá vôi kết tinh có độ mài mòn cao ở những nơi có độ cao từ 500 đến 1450 mét so với mực nước biển.

Theo tên Latin, ta hiểu rằng dianthum nghĩa là hai hoa. Không hẳn là 1 vòi hoa sẽ luôn cho hai hoa, có khi ba bốn hoặc năm bông hoa. Tuy nhiên hai bông chính là sự đặc trưng điển hình.

Mùa hoa chính là mùa thu từ tháng 9-11. Nhiệt độ thích hợp nhất để cây sinh trưởng phát triển ổn định và ra hoa sai nhất chính là từ 12-23 độ C. Mức ánh sáng như sự phân bố trong rừng chính là dưới các tán cây lá rộng, ánh sáng tán xạ. Nếu quy đổi ra thì cỡ 30-40%, tương đương ánh sáng trồng lan Hồ Điệp, không có ánh nắng trực tiếp.

Nếu trồng trong vườn, bạn hoàn toàn có thể để dưới đất, bên trên giàn treo các loại lan đa thân hoặc đơn thân.

CÁCH TRỒNG

Thời điểm trồng hợp lý nhất theo tôi thấy là cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Dĩ nhiên thời gian nào trong năm trồng cũng được cả.

Bạn chỉ cần cắt bớt rễ của cây hài đi, để lại cỡ 3-5cm rễ là đủ. Cắt bỏ lá vàng và dập đi.

Ngâm chìm cả cây vào dung dịch diệt nấm khuẩn (Physan 20 liều 1ml pha 1 lít nước trong 5 phút).

Vớt ra để ráo nước, sau đó ngâm vào dung dịch chế phẩm Hùng Nguyễn liều 1ml pha 1 lít nước trong 30 phút, hoặc ngâm với dung dịch đường cát và b1 kết hợp vi lượng…

Mục đích ngâm chính là giúp cây hấp thu nước, chất kích thích ra rễ và một số các dưỡng chất khác cần thiết.

Do Lan Hài không có tích trữ dinh dưỡng trong giả hành như chi lan Dendro hoặc trên lá như Ngọc Điểm hoặc Vanda, chính vì vậy giá thể trồng hài phải luôn ẩm và độ ẩm không khí phải cao để tránh tình trạng mất nước cục bộ gây héo và suy cây.

GIÁ THỂ

Tôi đã thử nghiệm rất nhiều các loại giá thể khác nhau, cuối cùng tôi rút ra được kinh nghiệm như sau:

– Đất đỏ bazan, lan lên được nhưng quá chặt nên bộ rễ hơi kém, tưới nhiều thì úng mà ít thì khô cứng làm rễ khó dài ra mà chủ yếu quấn quanh chậu. Cây lên khá èo uột. Nếu trộn 50% đất đỏ với 50% phân bò rồi trồng lan vào thì lan lên rất tốt. Tuy nhiên mỗi lần tưới, nước đất chảy ra rất bẩn và chậu lan rất nặng, đóng hàng đi xa hay bị rơi rớt đất và phân ra ngoài.

– Mùn cưa, lan lên chậm chạp trong giai đoạn đầu, tuy nhiên khi mùn cưa mục đi thì lan lên rất tốt, có thể trộn mùn cưa với phân chuồng thì hiệu quả lại càng cao. Tuy nhiên nhược điểm là sau 2 năm mùn sẽ đọng lại dưới đáy chậu và giữ nhiều muối làm bộ rễ kém phát triển, cháy đầu lá.

– Viên đất nung trộn 30% phân chuồng là 1 giải pháp rất tốt, bộ rễ lên rất đẹp và cây phát triển đều, tuy nhiên viên đất nung hơi khó mua và đóng hàng đi xa sẽ rớt hết ra ngoài.

– Vỏ thông đập vụn, loại giá thể này tôi thấy rất tốt, nhưng vẫn phải bón phân chuồng, nếu chỉ 100% vỏ thông thì lan lên cũng rất chậm chạp. Vỏ thông 2 lá hoặc 3 lá đều tốt nhé bạn. Đừng bị mê hoặc bởi quảng cáo là vỏ thông đen của cây thông 2 lá thì tốt hơn, vỏ thông 3 lá không dùng được. Lừa đảo cả đấy.

– Dớn vụn (Sợi, Đá, Cù Lần), loại giá thể này có thể nói là rất tuyệt. Tuy nhiên bạn phải bón phân tan chậm hoặc phân chuồng đã hoai mục nếu không muốn cây lan phát triển chậm chạp như rùa bò. Trong ba loại dớn vụn, thì dùng dớn cù lần là tốt nhất vì nó xốp, mềm và giữ nước tốt nhất.

– Ngoài ra tôi còn đi tham khảo nhiều kiểu trồng của nhiều nhà vườn khác nhau, có vườn tôi thấy họ trộn đất với vỏ lạc vụn và đá dăm xây nhà, có vườn họ dùng trấu om kết hợp xơ dừa xay, có vườn thì dùng vỏ cà phê om, có vườn dùng dớn ổ quạ xé vụn… thiên kỳ bách quái đủ các kiểu. Kiểu gì cũng được miễn là đáp ứng tiêu chí sau:

+ Ẩm mà không được ướt, không được sũng nước. Giá thể luôn ẩm.
+ Phải có phân, nếu không có phân chuồng thì phải có phân tan chậm. Không có phân thì cây lên rất yếu và kém.
+ Nếu không có đá vôi cho vào chậu thì nên có tí hạt vôi hoặc vỏ trứng… để cung cấp canxi cho cây, vì cây vốn sinh trưởng trên các vùng núi đá vôi.
+ Không nên để ăn nắng trực tiếp vì khả năng lá không cháy cũng vàng, rât xấu.

Thời gian trước rất nhiều bạn tranh luận rất sôi nổi về giá thể, ai cũng cho mình đúng và gạt bỏ ý kiến của người khác. Tôi nghĩ là tốt nhất bạn cứ thử nghiệm như tôi, thử đủ kiểu giá thể và đủ kiểu vị trí đặt chậu lan xem như thế nào. Tùy vào khí hậu và nhiệt độ vùng miền mà mỗi bạn sẽ có những sự tâm đắc riêng.

PHÂN THUỐC CHO LAN

– Một tuần tới nửa tháng phun chế phẩm Hùng Nguyễn pha chung NPK 20-20-20+Te và Nano đồng phun 1 lần. Nếu không thì dùng B1 pha chung NPK vơi trung vi lượng phun 1 lần. Trung vi lượng, Te là cái gì thì mời bạn ngâm cứu lại bài 6 nhé.

– Nếu độ ẩm giàn tốt thì ngày tưới 1 lần, nếu quá khô thì ngày 2 lần tùy.

– Nửa tháng phun Nano bạc khắp giàn, khắp nền và ướt đẫm cây lan 1 lần để phòng diệt nấm và khuẩn. Nên luôn phiên thay thuốc như Agrifos400 hoặc Benkona hoặc Kasumin+Antracol…
Không nên dùng 1 loại thuốc quá hai lần để hạn chế lờn thuốc.

– Còn trường hợp lan đã bị bệnh rồi, muốn chữa thì bạn nên kéo lại đọc bài 27 và 29 nhé.

– 1 tháng nên phun Pesieu+Fendona 1 lần, ướt đẫm mặt dưới của lá. Tôi từng thiệt hại hơn chục chậu Hài Râu vì nhện đỏ chích hút mà không để ý. Nói chung lan gì cũng vậy, hàng tháng nên phòng nhện, bọ trĩ, rầy rệp 1 lần. Bài 43 tôi đã viết rất kỹ rồi nhé.

RA HOA

Có thể nói đây là 1 vấn đề khá nan giải với các bạn trồng lan hài nói chung và hài râu nói riêng khi bạn ở xứ nóng. Tầm tháng 7 bạn nên chuyển từ phân 20-20-20+Te sang Siêu lân hoặc 6-30-30+Te để kích thích tạo hoa. Bỏ luôn b1 và chế phẩm đi, chỉ dùng nano đồng là đủ.

Nếu vẫn không ra hoa được thì chứng tỏ là nhiệt độ cao quá, không làm lan bị kích thích tạo nụ được.

Lúc này bạn nên kiếm 1 cái thùng xốp thật lớn, kê 1 cục gạch rồi đặt chậu lan lên cục gạch trong thùng xốp. Sau đó mua 1 cây đá bỏ vào thùng và đóng nắp thùng lại, để hở 1 chút xíu cho lan hô hấp. Mỗi ngày tan 1 cây đá là được. Làm vậy cỡ 7-15 ngày tùy điều kiện và sự kiên trì của bạn. Mục đích chính là sự sốc nhiệt để kích thích tạo nụ hoa.

Nếu nhà có điều kiện có máy lạnh hay tủ lạnh lớn thì cho vào tủ lạnh cũng là 1 cách hay, chỉnh nhiệt độ khoảng 10 độ để đó 8 tiếng, làm vậy chục ngày. Nói chung bạn tự nghĩ cách, cách gì không cần biết, miễn sao nhiệt độ phải chênh lệch so với nhiệt độ thường ngoài trời 15-20 độ C. Giữ sự chênh lệch như vậy khoảng 10-15 ngày là được. Còn lại phải chúc bạn may mắn thôi, ai bảo bạn ở xứ nóng mà mê hài.

Chúc các bạn chơi lan vui vẻ và tìm kiếm được sự bình an nơi tâm hồn.
Hy vọng kiến thức này là hữu ích với bạn và hy vọng bạn sẽ CHIA SẺ cho bạn bè cùng đọc.

Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng, Lâm Đồng

CƠ SỞ SẢN XUẤT THÁI SƠN | P.Trung Mỹ Tây, Q.12, Tp.Hồ Chí Minh

1) Nick facebook: Tô Quốc Cường (0977.781.549 | Dĩ An, Bình Dương | quoccuongbinhduong@gmail.com)

2) Nick facebook: Ben Nguyen (090.337.4405 | Quận 2, TP. Hồ Chí Minh | bennguyendalat@gmail.com)

0977.781.549
0903.374.405