ƯƠM KEIKI LAN ĐA THÂN VÀ KỸ THUẬT CHĂM KEIKI – Bài 46
Tháng trước, anh Thái Văn Dũng (nick facebook Vỏ Cây Thông, giám đốc công ty chuyên cung cấp các loại giá thể cho hoa lan, 1 trong những đầu mối lớn nhất về giá thể tại miền nam) có ghé vườn tôi chơi. Bên ly cà phê tại vườn là những trao đổi về kinh nghiệm chăm lan của những người tâm huyết với thú vui tao nhã.
Anh đi 1 vòng trong vườn rồi quay lại hỏi tôi: Bác ươm keiki làm sao mà đạt thế? Rồi bác chăm cây keiki như nào mà mập mạp và dài được vậy?
Tôi nói với anh: hai năm trước, em mất mấy chầu nhậu với bao nhiêu học phí mới học được đấy, thế ý anh sao? Anh ấy nói: Ô kê bác, tối nay lai rai chai bia với mấy hạt lạc nhé!…
Tôi lấy vài chậu lan giả hạc và trầm ươm keiki xuống và phân tích cho anh một cách đơn giản nhất để anh về thử nghiệm…
ƯƠM KEIKI
Anh có thể ươm keiki trực tiếp trong chậu hoặc ươm đại trà trên khay, sau khi mầm con mọc ra thì anh lấy ra cho vào chậu cũng được.
Giả hành (ví dụ giả hạc – phi điệp), em thường cắt 1 khúc với 2-3 mắt, trong đó ít nhất phải có 1 mắt chưa ra hoa. Sau đó chấm vôi hai đầu vết cắt, để 1 lát cho khô rồi chấm keo liền sẹo (hoặc sơm móng tay, xi măng sền sệt).
Đợi keo khô hoàn toàn, thì ngâm trong chế phẩm Hùng Nguyễn nửa tiếng (nếu anh không có thời gian thì khỏi ngâm cũng được, phun chế phẩm sau). Sau đó vớt ra và đặt lên khay hoặc trong chậu có sẵn giá thể.
Nếu là khay thì trải 1 lớp dớn cù lần hoặc dớn trắng (chile) hoặc rêu rừng đã qua ngâm vôi và rửa lại thật sạch. Còn nếu là chậu thì cho 50% bên dưới là vỏ thông, 40% là dớn cù lần hoặc dớn sợi vụn (ở giữa chậu), 10% là dớn trắng (lớp trên cùng). Sau đó đặt các khúc giả hành lên sao cho hai hàng mắt hai bên, tránh úp mắt xuống dưới.
Cho ăn nắng 40-50%, để cách mặt đất 0,5m-1m, nhiệt độ ấm áp cỡ 20-33 độ là tốt nhất. Hồi trước kinh nghiệm còn non, em để chỗ mát quá, tối quá, mầm keiki lên rất chậm chạp và còi cọc. Nhiệt độ lúc nào cũng lành lạnh như Đà Lạt (16-22 độ) thì rất lâu nảy mầm.
Về vấn đề tưới thì tùy, thấy lớp dớn trắng hơi khô thì phun nước nhẹ nhàng cho ẩm, nếu lúc nào dớn trắng cũng ướt nhoét thì rất dễ bị thối, lâu nảy keiki và lâu ra rễ.
Tuần phun nano bạc hoặc Benkona 1 lần phòng nấm khuẩn, 5-10 ngày phun chế phẩm Hùng Nguyễn 1 lần vào buổi sáng.
Đơn giản vậy thôi anh, chờ keiki dài chút và bắn rễ thì cho ra chậu nếu là ươm trên khay.
Tỉ lệ nảy keiki của giả hành sẽ khác nhau nếu tuổi của giả hành khác nhau. Giả hành càng già càng khó nảy keiki. Nói nôm na thế này cho anh dễ hiểu:
– Giả hành 12 – 24 tháng tuổi giống như người phụ nữ 20 – 30 tuổi, đôi khi anh chỉ lướt qua đầu giường là có bầu rồi. Dễ lắm, tỉ lệ gần như trăm phần trăm.
– Giả hành 25 – 36 tháng như phụ nữ 31 – 40 tuổi, cũng khó phết, cỡ sáu bảy mươi phần trăm thôi.
– Giả hành 37 – 48 tháng tuổi cũng như phụ nữ 41 – 50 tuổi, rất hên xui, năm ăn năm thua.
– Giả hành 49 tháng tuổi trở đi cũng như phụ nữ sắp mãn kinh, ca này không nói trước được gì. Nhìn bằng mắt thì có vẻ còn ngon lành, nhưng chắc phải kích thích bằng biện pháp mạnh mới ăn thua. Tỉ lệ đạt hai chục phần trăm thì anh có thể xem như tài năng hiếm có.
– Còn trường hợp mắt giả hành đã nở hoa, thì giống như buồng trứng bị u nang hoặc u xơ tử cung rồi, chỉ có thể chờ vào ĐỊNH MỆNH.
Lại có trường hợp, ngâm chế phẩm đủ kiểu, phân thuốc đàng hoàng, nưới nôi rất chi là dồi dào, ấy thế mà khúc giả hành vẫn im thin thít. Có khi lại rơi vào trường hợp chọn không đúng thời điểm, đáng ra phải ươm lúc tháng 2-6 âm lịch thì ngon nhất, anh lại chơi ngay thời điểm tháng 11 âm. Không khác gì vợ chồng muốn có đứa con mà toàn chọn mấy ngày 26, 27, 28 của chu kỳ (ví dụ chu kỳ 28 ngày) để…
CHĂM KEIKI
Đợi mầm keiki ra rễ dài khoảng 2cm thì bắt đầu bỏ vài chục hột phân tan chậm xung quanh sát mép chậu, nói chung là rải đều nhưng không để phân chạm vào rễ, sau đó rải 1 lớp dớn trắng mỏng che lớp phân đi (Cỡ 20-25 hột phân tan chậm cho 1 chậu đường kính miệng 14cm, nhà em dùng phân chì của Nhật 14-11-13 hoặc 14-13-13).
Treo lên cao cho ăn nắng 60-70% luôn (nôm na là 1 lớp lưới xanh đen của Thái), treo làm sao cho cây lan cách lưới ít nhất 1,2m ở xứ lạnh hoặc 1,5m ở xứ nóng. Hồi xưa em sợ lan con nó không chịu nổi nắng như vậy, cho nên lan nhà em nó bé tẹo và yếu nhớt, oặt ẹo.
Ngày tưới 1 lần (thật ra là không có công thức 1 hay hai lần 1 ngày), miễn làm sao GIÁ THỂ LUÔN ẨM nhưng không được úng sũng nước.
1 tháng phun Fendona+Pesieu 1 lần vào chiều mát để phòng và diệt kiến, gián, bọ trĩ, nhện đỏ…
Chục ngày phun Benkona hoặc Nano Bạc hoặc Agrifos400 1 lần. Luân phiên cho khỏi lờn thuốc. Riêng Agrifos400 chỉ phun liều 60ml pha 16 lít nước, có lần e thử phun liều xục gốc như trên bao bì của chai thuốc, kết quả đắng không chịu nổi. Lá cháy nhũn, ngọn rụi luôn, nói chung là thuốc trông có vẻ loãng loãng mà mạnh thật.
Cứ 7-15 ngày pha 1 bình Nano đồng trộn chung Chế Phẩm Hùng Nguyễn với Vi lượng (Bo, Mo, Kẽm, Mangan, Sắt, Đồng) phun vào buổi sáng mát trời.
Cứ đều đặn liên tục như thế, thì khả năng keiki mọc HAI NĂM KHÔNG THẮT NGỌN là rất cao, mầm cứ dài ra mãi.
Đối với keiki em không cắt nước cũng không ngừng bón phân như vậy. Chỉ 1 công thức duy nhất cứ duy trì hoài. Kể cả keiki đã thắt ngọn em cũng vẫn tưới và bón phân đều như thế, nửa năm bổ sung phân tan chậm 1 lần vào chậu.
Qua năm thứ hai, do bộ rễ rất nhiều, keiki rất mập mạp nên chuyện nó đẻ 2 mầm gốc và mọc keiki trên giả hành keiki của năm nhât rất cao. Như anh thấy chậu lan này (Các bạn coi hình nhé).
Đợi tới khi mầm của giả hành năm thứ 2 thắt ngọn, thì bắt đầu pha Nano đồng+NPK (10-30-30+Te liều 1 gam/1lít) phun tuần 1 lần. Phun 3-5 lần rồi ngừng phun phân và chờ lan xuống lá hoặc chờ hoa (có khi lan không xuống lá vì không cắt nước nhưng vẫn ra hoa như bình thường, anh đừng ngạc nhiên).
Đấy là trồng chậu, nêu không thích trồng chậu thì ngay khi keiki nảy mầm, anh ghép lên cục dớn khúc hoặc bảng dớn hoặc cục gỗ, lũa luôn cũng được, tuy nhiên phải cho ăn ít nắng hơn và tưới nhiều hơn 1 chút. Chế độ phân và thuốc thì vẫn vậy.
Nói chung, giá thể vỏ thông với dớn cù lần vẫn ngon hơn là vỏ thông với dớn vụn, thực tế chứng minh rằng, trồng dớn cù lần, lan mập và dài hơn tí xíu, chắc tại nó giữ ẩm tốt hơn.
Anh phải lưu ý, nếu làm theo cách này của em thì phải làm chuẩn y như vậy, không được bỏ qua khâu nào. Nếu anh trồng cách này mà lười phòng bệnh, thì có khi bắt gà không được lại mất luôn nắm thóc.
HẬU CHUYỆN
Tối đó, mấy anh em lại lai rai tới khuya với mấy hạt đậu phộng…
Rồi tuần trước, giám đốc sản xuất bên công ty anh Dũng mang sang nhà tôi 1 bộ sản phẩm, tôi cũng thật bất ngờ về sự nhạy bén trong kinh doanh của anh.
Trong bộ sản phẩm được tích hợp cả dớn trắng, dớn sợi vụn, dớn cù lần, dớn trụ, vỏ thông, phân tan chậm, chế phẩm Hùng Nguyễn…. Móc sắt rồi ghim chữ U, vôi bột cũng có luôn. Xem ra bộ này các chị em phụ nữ khoái lắm, chỉ cần ghép lan lên là xong. Thật sự rất chuyên nghiệp!
Nhìn lại mình, thấy bản thân có thương hiệu mà làm ăn quá chi là phọt phẹt, chắc làm nông dân kiêm nghệ sĩ kiêm nhà báo lãng tử thì được, còn làm doanh nhân thì khó quá.
Thôi kệ, tùy duyên thuận pháp vậy!
TÁI PHÍM
Hình lan và kinh nghiệm thực tế của tôi, tôi làm như thế nào thì tôi chia sẻ như vậy (dĩ nhiên đây chỉ là 1 trong nhiều cách mà tôi làm, còn những cách điên rồ hơn, tôi sẽ chia sẻ cho bạn sau), tôi đã làm được tôi mới chia sẻ. Các bạn có phương pháp khác hoặc thắc mắc gì thì bình luận nhé.
Hình ảnh phía sau là Giám đốc bên Chế Phẩm Hùng Nguyễn, anh Tô Quốc Cường gửi cho tôi (hình như hai công ty này bữa nay họ liên kết với nhau các bạn ạ).
Thật ra tôi cũng không muốn chia sẻ nick Vỏ Cây Thông của anh Dũng (0932617079) đâu, để các bạn tự mò mẫm tìm mối mua thì BÀI VIẾT CỦA TÔI SẼ KHÁCH QUAN HƠN. Nhưng hôm rồi, viết bài về Benkona, bảy tám chục bạn hỏi tôi chỗ mua, tôi sợ quá rồi nhé! Người thương thì sẽ hoan hô ủng hộ, kẻ ích kỷ ghen ghét thì sẽ nói thằng cha này đang quảng cáo bán hàng. Haizz
Nếu thấy bài hay và thực tế, CHIA SẺ ngay nha bạn!
Nguyễn Ngọc Hà – Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng.