DÂN CHƠI LAN

- Trang Web chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hoa lan và giới thiệu chế phẩm đặc biệt: HÙNG NGUYỄN - ĐÀ LẠT

NẤM BỒ HÓNG

NẤM BỒ HÓNG

Nấm bồ hóng lại chia làm 2 loại, nhưng tôi thấy rằng đối với lan hầu như chỉ bị loại nấm có tên là Capnodium citri gây ra. Ở mặt trên của lá và mặt dưới của lá, trên vỏ giả hành, bẹ lá, kẽ lá… bị phủ đều một lớp bồ hóng (như muội than), màu đen, không tạo thành từng đốm riêng biệt (đây là sự khác biệt với loại nấm bồ hóng thứ 2 là những đốm tròn màu đen riêng biệt và từ từ lan rộng do nấm Meliola commixta gây ra).

Khi lấy tay, lây giẻ lau hoặc dùng nước để rửa thì lớp bồ hóng này sẽ hết, trả lại cho chỗ vừa lau màu xanh tự nhiên vốn có của nó (thực ra nó xanh nhạt hơn một chút). Loài nấm này sống hoại sinh trên lớp mật do các loài rầy rệp, nhện đỏ… tiết ra (trong chất bài tiết của chúng). Chúng không tấn công vào mô của cây nên không ảnh hưởng trực tiếp cho cây. Tuy nhiên, do chúng phát triển dầy đặc phủ kín các bộ phận xanh của cây nên sẽ ảnh hưởng đến quá trình quang hợp, từ đó sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển bình thường của cây. Đây là một loại nấm gây hại trên tất cả các loại lan, làm cây lan chậm lớn, làm vàng lá, ngọn lan vẫn dài nhưng ngày càng teo nhỏ lại, thậm chí làm cây lan bị ngộ độc, mất diệp lục và tinh bột, vàng và rụng lá. Cây lan ngày càng yếu dần, gảm giá trị nghệ thuật và giá trị kinh tế.

Nguyên Nhân Nấm phát sinh và phát triển trên chất dịch của các loại côn trùng tiết ra sau khi chích, giũa và hút nhựa sống của cây lan. Các loại côn trùng như rệp vảy, rệp sáp, rệp vừng, rệp bông, bọ trĩ, muỗi, bọ cánh mềm, nhện đỏ… Ban đêm côn trùng hoạt động rất mạnh, nếu bị nặng, buổi sáng chúng ta có thể thấy các hạt mật hoặc nhựa chảy ra bên dưới bẹ lá lan, lúc ban đầu vết MUỘI ĐEN NHƯ BỘT THAN chỉ là những vết mờ và nhỏ, sau một thời gian những mảng đen này sẽ lan rộng ra và lây lan khắp giò lan, khắp vườn lan. Như vậy, côn trùng chính là nguyên nhân ban đầu và tạo điều kiện dinh dưỡng cho nấm bồ hóng (nấm muội than, nấm than) sinh sôi nảy nở.

Xử Lý Nấm Để giải quyết nấm bồ hóng, chúng ta nên có sự kết hợp của phòng và diệt nấm với các loại côn trùng gây hại, cộng với bổ sung cân đối dinh dưỡng cho lan và tạo tiểu khí hậu trong giàn lan thật thông thoáng. – Diệt nấm bồ hóng với 1 trong các loại thuốc sau: Mancozeb xanh, Ridomi gold, Kin Kin Bul, Daconil… Phun thuốc vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, phun 3 lần liên tục để diệt nấm, 3-5 ngày phun 1 lần, ướt đẫm 2 mặt lá và chỗ bị nấm. Liều dùng như hướng dẫn của nhà sản xuất. – Phòng và diệt côn trùng với thuốc nhúng mùng bất kỳ (ví dụ Fendona) kết hợp với thuốc rệp và bọ trĩ bất kỳ (ví dụ Movento). Diệt côn trùng thì nên phun thuốc vào buổi chiều mát, ướt đẫm mặt dưới của lá lan và giá thể.

Nên thay đổi thuốc liên tục để côn trùng không bị lờn thuốc, ví dụ như Yamida, Sk Enspray 99… Hoặc bạn cũng có thể dùng các loại thuốc sinh học tự chế từ tỏi ớt gừng, Ben02 Hùng Nguyễn, Sữa tắm cho em bé… để an toàn thân thiện môi trường.

– Cải tạo lại tiểu khí hậu của giàn lan cho thông thoáng, sạch sẽ, đủ nắng và gió. – Bón phân cân đối đa lượng (NPK), trung lượng (Ca, S, Mg), và vi lượng (Zn, Cu, Mo, B, Fe, Mn). LƯU Ý: Sau khi phun thuốc diệt nấm, nấm sẽ chết nhưng mảng nấm bồ hóng vẫn dính dưới lá không trôi đi được. Lúc này bạn có thể dùng khăn lau mảng đen đi hoặc dùng sữa tắm em bé hoặc nước rửa chén pha liều 2cc 1 lít nước phun thật đẫm, sau đó tưới nước lã bằng vòi phun thuốc để rửa sạch mặt dưới lá.

Nếu bị bệnh quá nặng, phun đúng thuốc, lá lan bệnh nặng sẽ vàng và rụng, điều này có thể cải thiện được đôi chút nếu bổ sung trung vi lượng kịp thời. Lá non mới mọc ra không bị lây bệnh, nghĩa là đã khỏi bệnh. Phòng nấm bồ hóng với việc phun thuốc có hoạt chất Mancozeb 1 tháng 1 lần. Còn 1 loại nấm bồ hóng khác nữa nhưng rất ít gặp trên lan, nguyên nhân khác bên trên, tôi đã đề cập tới, nhưng thuốc chữa thì cũng tương tự. Kính chúc các bạn có những tác phẩm lan đẹp!

Nguyễn Ngọc Hà

Bài viết được đăng trên tạp chí “VIỆT NAM HƯƠNG SẮC” số ra tháng 08/2020

 

CƠ SỞ SẢN XUẤT THÁI SƠN | P.Trung Mỹ Tây, Q.12, Tp.Hồ Chí Minh

1) Nick facebook: Tô Quốc Cường (0977.781.549 | Dĩ An, Bình Dương | quoccuongbinhduong@gmail.com)

2) Nick facebook: Ben Nguyen (090.337.4405 | Quận 2, TP. Hồ Chí Minh | bennguyendalat@gmail.com)

0977.781.549
0903.374.405