Bạn đã làm giàn che cho vườn lan đúng cách chưa?
Tài liệu: kenhantan.com ( của Bác Phạm Tiến Khoa )
Giàn che cho vườn lan con.
Giàn che cho vườn lan con phải lưu ý đến các yếu tố về ánh sáng, nhiệt độ, ẩm độ, độ thông thoáng. Giàn che cho vườn lan phải có điều kiện gần giống với lúc cây còn ở trong chai cấy như ánh sáng vừa phải, che được mưa, tránh được gió lộng, sự chênh lệch về nhiệt độ trong ngày không đáng kể. Vì vậy phải làm giàn che cho vườn lan con tùy thuộc vào địa thế của vườn và các loại vật liệu để tránh gió lộng những nơi quá trống trải nhưng tránh quá kín làm hấp hơi khiến cây lan dễ bị thối.
Để tránh mưa, mái che có thể dùng bằng tôn hay nilon cho những cây lan con mới đưa ra khỏi bình còn trồng vào chậu chung. Những cây lan con đã trồng vào chậu riêng có thể để dưới giàn che có mái bằng nẹp tre tiếp nhận khoảng 30% ánh sáng. Dưới giàn che nên tạo một lớp lưới ô vuông để giảm cường độ ánh sáng và tránh tác hại của những giọt nước mưa to, nặng có thể làm nát lan con.
Giàn che cho vườn lan trưởng thành.
Giàn che cho vườn lan để duy trì bóng mát, tránh ánh sáng trực tiếp vào lúc trưa hay trời mưa quá mạnh. Giàn che phải điều chỉnh được cường độ ánh sáng cho phù hợp với nhu cầu của cây lan đang trồng.
Giàn che cho vườn lan cao khoảng 2,5 – 4m, mái che nằm ngang hay nghiêng nhưng các nẹp che phải đặt theo hướng Bắc – Nam để cho khi mặt trời di chuyển trong ngày theo hướng Đông – Tây thì bóng của các nẹp che sẽ không di chuyển, luôn luôn che được cho cây lan. Điều chỉnh khoảng cách giữa các nẹp che cho phù hợp với nhu cầu ánh sáng mà cây lan đòi hỏi.
Giàn che cho vườn lan.
– Khoảng cách nẹp bằng bề rộng chiều ngang của mỗi nẹp, có độ sáng bằng khoảng 50- 60% thích hợp cho Cattleya, Dedrobium…
– Khoảng cách nẹp càng khít lại thì độ sáng càng giảm, khoảng 30- 40% cho Phalaenopsis…
– Khoảng cách nẹp càng thưa thì độ sáng càng tăng, khoảng 80-90% cho Vanda, Ascocentrum…
Giàn che cho vườn lan nên đặt theo hướng Bắc – Nam là tốt nhất để vườn lan có thể nhận được nhiều ánh sáng ban mai. Ánh sáng buổi sáng tốt với cây lan hơn ánh sáng buổi chiều vì ánh sáng buổi sáng làm nhiệt độ tăng từ từ, cây lan không bị sốc nhiệt. Còn ánh sáng buổi chiều là lúc môi trường đang nóng vì tất cả đang tỏa nhiệt sau khi tiếp nhận ánh sáng nắng gay gắt của buổi trưa.
Đa số cây lan không phù hợp với những giọt nước mưa trực tiếp, nặng hạt, nhất là lan con. Vì vậy dưới giàn che cho vườn lan luôn có một lớp lưới để tránh tác hại của các giọt nước mưa nặng hạt. Điều này rất cần thiết đối với lan con và lan Hồ Điệp.
Tài liệu: kenhantan.com ( của Bác Phạm Tiến Khoa )