BÀI 67
DÙNG THUỐC CHO LAN – THẾ NÀO LÀ KHỎI BỆNH?
Trong các chủ đề trước, tôi có trình bày ngắn gọn về việc Lan gặp “Vấn Đề” và phương hướng xử lý:
• Đúng bệnh.
• Đúng thuốc.
Tuy nhiên với hai điều trên vẫn còn thiếu một yếu tố nữa đó là:
ĐÚNG CÁCH
Cũng chính là đúng liều, đủ liều và sau đó phải nhận diện được lan đã khỏi bệnh hay chưa?
Có nhiều bạn hỏi tôi rằng sao phun thuốc đúng như hướng dẫn của tôi mà sao không thấy lan khỏi bệnh? Tôi yêu cầu xem hình ảnh thì thấy lan thực sự đã khỏi bệnh, nhưng chính bản thân người chơi lại vẫn cứ nghĩ lan còn đang bệnh hoặc thậm chí họ nghĩ lan còn đang bị bệnh nặng hơn.
Điều này rất dễ làm người chơi lan tiếp tục phun thuốc khác, đổi thuốc gây hậu quả lan bị sốc thuốc hoặc hết bệnh này chuyển sang bệnh khác, lan lành chữa thành lan chết.
Với kinh nghiệm tự bản thân trải qua trên lan trong vườn và tham khảo tài liệu về thực vật nói chung (không phải là lan) kết hợp với kinh nghiệm chữa bệnh trên người của tôi trong quá trình liên kết với BV Quân Y, tôi rút ra mấy điều tâm đắc sau:
– Vết bệnh lúc ban đầu có xu hướng loang rộng, mở rộng, ướt ướt như kiểu bị bầm dập… sau khi phun thuốc đã khô ráo, đen lại, lõm xuống là dùng đúng thuốc, rất tích cực, đang khỏi hoặc đã khỏi.
– Những lá bị bệnh nặng có thể sẽ vàng đều khắp lá rồi từ từ rụng đi, có khi rụng cùng 1 lúc nhiều lá bệnh. Đây là cơ chế tự cách ly, tự bảo vệ của cây, là trí thông minh thực vật. Vậy là tốt, nên mừng. Bạn không nên vặt lá mà hãy để lá tự rụng. Khoa học đã chứng minh cây sẽ hút ngược chất dinh dưỡng còn sót lại trên lá và sau đó tự đoạn tuyệt với cái lá đó.
– Những lá non hoặc đoạn ngọn non và mầm mới mọc ra, keiki mới mọc ra không bị lây bệnh nghĩa là đã khỏi. Ví dụ 1 cây kiếm, các lá bị thán thư gây đốm đen và lõm vào rất xấu, nếu bạn đã phun Ridomil+Kasumin từ 3 đến 5 lần, vết bệnh không lan ra và lá có nhiều đốm cố định, lá không thể xanh trở lại được. Nhưng mầm gốc mọc ra và lên lá đẹp, mướt, không sần không nhợt nhạt… như vậy là cây đã khỏi bệnh.
Có rất nhiều bạn đặt câu hỏi mà thực sự tôi không biết phải trả lời thế nào, đại loại như:
“Cây kiếm Xanh Huế em mua về lá đẹp lắm, nay bệnh rỉ sắt và thán thư như anh nói, em phun Anvil+Ridomil như anh chia sẻ được 5 lần, bây giờ lá vẫn cứ vàng như 1 tháng trước, vẫn bị đốm rất xấu, em thấy thuốc chẳng có tác dụng gì cả. Nên đổi thuốc gì anh?”
Tôi hỏi: Vậy bây giờ anh muốn như thế nào?
Bạn ấy nói muốn lá xanh mướt như ban đầu, vì hiện tại màu sắc như này bán mất giá 50%. Đây là chuyện chưa ai làm được.
Một điều hết sức quan trọng đó là dùng thuốc thì nhất định cây lan sẽ ít hoặc nhiều bị suy đi, bị chột hoặc bị chững lại. Dù là thuốc sinh học hay hóa học, dù cảnh báo độc nhãn xanh lá cây, xanh đậm hay nhãn vàng.
Con người chẳng phải như thế sao?
Uống thuốc chữa Đau dạ dày nhất định sẽ hại gan. Chữa viêm xoang hoặc thoái hóa cột sống thì hại cả dạ dày và gan… còn hại nhiều cơ quan bộ phận khác nữa.
Ví dụ lan giả hạc đang đi ngọn (dài thêm) 1 ngày 0,5cm, nhưng nếu bạn phun liên tục Ridomil hoặc Metalaxyl thì nằm mơ cũng không thể duy trì 0,5cm 1 ngày, được 0,3cm là đáng tự hào lắm rồi.
Có nhiều người nói phun Antracol hoặc Mancozeb hoàn toàn không hại tới lan, thậm chí còn tốt lên, nhưng tôi không tin điều đó.
Bạn thử tưởng tượng bạn uống Vitamin C sủi hóa dược tổng hợp thường xuyên xem có tốt không? Ngay cả đây không phải là thuốc còn có hại chứ chưa nói tới thuốc.
Dĩ nhiên, giữa hai cái hại thì nên chọn cái hại bé hơn. Giữa hai cái lợi thì nên chọn cái lợi lớn hơn. Và giữa hai cái đều có lợi và hại, thì nên chọn cái nào phù hợp hơn và đạt được mục đích ban đầu đề ra.
Ví dụ Nano bạc dùng để phòng trị nấm và khuẩn, tuy nhiên bạn phải hiểu nano bạc không được liệt kê vào danh mục thuốc. Trên bao bì không ghi là thuốc, cũng không có cảnh báo độc. Nhưng cũng không nên lạm dụng, vì nano bạc sẽ tiêu diệt sạch sẽ nấm khuẩn dù có lợi hay không có lợi, và thực sự, hiệu quả chữa bệnh không cao, phòng bệnh thì rất tuyệt vời. Nếu không tin, bạn có thể thử!
Ngoài việc chữa bệnh cho lan để lan hết bệnh, chúng ta cũng phải chú ý tới sức khỏe của chính mình. Phải biết đọc ký hiệu trên bao bì sản phẩm. Ví dụ quan trọng nhất là đọc cảnh báo độc thông qua màu sắc vạch cảnh báo phía dưới bao bì.
Trong chủ đề này, tôi đã cố gắng chụp hình thực tế về cảnh báo độc với một số loại thuốc chúng ta hay dùng trên lan. Kính mời các bạn soi hình và tham khảo để cẩn trọng hơn.
Thời gian qua có lẽ một số người phật lòng vì gửi hình lan bệnh nhờ tôi tư vấn dùng thuốc, tôi khuyên họ nên vứt cây lan đó đi ngay và luôn, lý do là tiền mua thuốc để chữa bệnh cho cây sẽ tốn kém hơn hoặc gần bằng mua 1 cây lan mới, lại nguy hại tới môi trường sống và sức khỏe của vợ trẻ con thơ, bố mẹ già.
Ví dụ cây đai châu bị rỉ sắt và thán thư nặng, 1 chậu 3 cây trị giá 300 ngàn. Nếu mua thuốc cũng hết hơn 150 ngàn tiền thuốc, phun 5 lần. Cứ cho là lan sẽ khỏi bệnh, nhưng bạn sẽ có 1 chậu lan dặt dẹo, xấu xí kém duyên…
Dĩ nhiên là chai thuốc sẽ không dùng hết, bạn sẽ ném nó vào môi trường và trái đất của chúng ta sẽ như thế nào?
Đúng và đủ liều xin được dành ở kỳ sau.
Bài viết được đăng trên báo VIỆT NAM HƯƠNG SẮC, số tháng 11/2020