Giàn lan trong trường Dân Tộc Nội Trú tỉnh Thanh Hóa
Cách một người làm một việc chính là cách mà người đó làm mọi việc. Mỗi lần tôi nhận một học viên, tôi cũng không phỏng vấn gì nhiều, tôi chỉ trao cho người đó 1 cái chổi chít và nhờ anh ta quét giùm tôi sân giàn lan.
Có người rất vui vẻ nhận chổi, có người mặt xụ xuống như kiểu đi ăn hủ tiếu gõ bị chặt chém 50k 1 tô, có người thì tâm thái không có gì thay đổi, tim không loạn, chân không run… từ đó tôi có thể biết được thái độ hợp tác và tâm thái đi học của người đó.
Thậm chí có lúc tôi còn không nói gì, chỉ cầm chổi và quét sân vườn, có người thì ra giằng chổi để quét, có người đứng dựa cột châm điếu thuốc rít phì phèo và nhìn tôi làm… từ đó tôi biết được người đó có tinh tế, có biết điều hay không.
Người quét theo kiểu một phát đến tai, hai nhát đến gáy, quét cho nó xong vườn thường là người thiếu trách nhiệm với công việc, làm cho có làm cho xong việc chứ hoàn toàn không chú tâm quan sát và sống trọn vẹn ở hiện tại. Người như thế tôi thường không nhận truyền đạt kinh nghiệm. Người như vậy mà học xong thì sẽ gây thêm tai tiếng cho tôi về sau.
Từng nhát chổi như coi rác là kẻ thù, vung chổi như hoàng tử cầm đao, bụi bay mù mịt như rồng bay phượng múa thì tâm tính người đó như một kho thuốc nổ, giữ kẻ đó bên người có ngày mang họa vào thân.
Người cầm chổi nhưng không biết quan sát, quét từ cuối gió đến đầu gió là người ngốc, dạy kẻ ngốc là một điều ngu ngốc, tốt nhất từ chối luôn đỡ mất thời gian cả hai bên. Vì người đó sẽ không thành công với nghề trồng lan, người đó chỉ phù hợp làm thiên lôi, chỉ đâu đánh đó.
Sướng nhất là gặp được người khi cầm chổi, ngó 1 lượt rồi hỏi: anh ơi, mấy cây cỏ mọc ở kẽ bạt kia có nhổ luôn đi không ạ? Mình quét hất rác ra ngoài hay gom lại 1 đống để hốt đi xa? Đó là người biết quan sát, biết học hỏi, biết lắng nghe, dám sáng tạo… nhất định sẽ thành công trong nghề trồng lan, rất đáng đầu tư thời gian để bồi dưỡng.
Người quét được vài nhát lại đứng hóng chuyện, cầm điện thoại chọt chọt, chụp choẹt, quét có 500 mét vuông mất 1 buổi sáng thì người đó không bao giờ tập trung được vào việc gì. Làm gì cũng hời hợt thiếu trách nhiệm, thiếu tập trung, có khi sau này pha thùng phân 200 lít, phun được 100 lít rồi vất đó đi tán gái, 2 hôm sau về phun tiếp, lan cả giàn đi theo tổ tiên luôn.
Người từ chối cầm chổi và biện bạch: giàn sạch lắm rồi, mấy hôm nữa quét cho đỡ mất thời gian, hôm nay thầy dạy em kỹ thuật kích keiki đi. Người như vậy, tôi sẽ tiễn luôn ra khỏi giàn. Vì kẻ ích kỷ, khôn lỏi và chỉ biết vơ vào người và thiếu tinh thần tôn sư trọng đạo như vậy, dạy người đó là mang họa sát thân, lấy đá đập chân mình.
Quét sân, việc dễ ợt, nhưng trong mắt người tuyển dụng, lại là 1 bài trắc nghiệm. Học trò đi tìm thầy nhưng thầy phải là người chọn trò. Tất cả là nhân duyên!
Nhìn cách anh ta quét sân đủ biết anh ta là người như thế nào trong công việc.
Và trong chuyến đi Thanh Hóa lần này, tôi quan sát được thầy Toàn – Tiêudao Du. Đúng nghĩa một người thầy, một hiệu trưởng.
Tôi học được từ thầy nhiều điều từ cách thầy đối nhân xử thế, từ cách đi đứng ứng xử. Nhìn giàn lan, đủ hiểu được tâm và tầm của thầy. Thật may mắn vì trường Dân Tộc Nội Trú Thanh Hóa được thầy dẫn dắt.
Từ con tim sẽ đến với con tim.
Từ bộ não sẽ về với bộ não.
Cách một người trồng lan là cách người đó làm mọi việc!
Hà hoài niệm và chiêm nghiệm.