DÂN CHƠI LAN

- Trang Web chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hoa lan và giới thiệu chế phẩm đặc biệt: HÙNG NGUYỄN - ĐÀ LẠT

GIÁ THỂ TRỒNG LAN – VỎ THÔNG – BÀI 36 – NGUYỄN NGỌC HÀ

GIÁ THỂ TRỒNG LAN – VỎ THÔNG – Bài 36

TRỒNG LAN VÀO CHẬU

Bao năm qua tôi đã tìm tòi và thử nghiệm rất nhiều các loại giá thể trồng lan. Với mong muốn đạt được đó là cây lan phát triển BỀN VỮNG, ĐỀU ĐẶN và ÍT BỆNH TẬT NHẤT, bên cạnh đó phải có HIỆU QỦA KINH TẾ nhất.

Cuối cùng thì tôi không tìm ra được loại nào đạt yêu cầu trên cả. Vì tùy vào mục đích của người chơi muốn thể hiện điều gì trong tác phẩm của mình. Còn tùy vào giống lan bạn trồng nó yêu thích loại giá thể nào. Cây lan còn non hay đã trưởng thành, bạn sống ở vùng khí hậu nào…

Theo lý thuyết thì các giống lan đơn thân rễ gió (rễ trần) (ví dụ Ngọc Điểm, Sóc Lào, Hồng Nhạn…) ta nên ghép gỗ để rễ được thoáng hoặc trồng chậu với than cục lớn hoặc ghép lũa… Nhưng thực tế thì tôi trồng trong chậu nhựa ít lỗ và bỏ vào đó là mùn cưa vụn, có chậu bỏ xơ dừa xay dạng bột, cây vẫn lên rất ổn, không bệnh tật gì, vẫn ra hoa bình thường. Tôi đổ thử hết chất trồng ra xem, thì thấy bộ rễ rất mạnh, trắng tinh nhìn rất đẹp mắt.

Tại sao tôi trồng kiểu đó cây không chết mà đa số các bạn áp dụng theo thì thất bại? Tại sao khi tôi nói ra điều này, đa số các bạn bảo tôi điên?

Bí quyết chỉ nằm ở 2 vấn đề, đó là KIỂM SOÁT ĐỘ ẨM và PHÒNG BỆNH.

Nếu trồng với giá thể như thế thì 1 tuần mới phải tưới 1 lần (thọc ngón tay vào chậu thấy khô mới tưới), 15 ngày tôi phun Agrifos 400 hoặc Nano Bạc 1 lần, 15 ngày phun phân đa trung vi lượng 1 lần. 1 tháng phun thuốc trừ nhện đỏ và rầy rệp 1 lần. Vậy là tẹt ga thôi các bạn.

Đó là thử nghiệm của tôi. Nhưng nhỡ mưa dầm và giàn bí thì làm sao? Bạn mới tập chơi và mới có vài trăm giò lan mà bạn không thể phòng bệnh và kiểm soát ẩm được như tôi thì làm sao?

Vậy thì bạn nên dùng giá thể là VỎ THÔNG!

Trên các cây cao trong rừng mưa nhiệt đới, phong lan bám vào các cành cây. Khi mưa trút xuống, nước mưa xối rửa các nhánh cây và rễ của phong lan rồi rút khỏi cây và chảy xuống đất. Hãy bắt chước tự nhiên, chúng ta cần cố tái tạo điều kiện này trong chậu lan của mình. Trồng lan trong chậu đất nung, chậu gỗ hoặc chậu nhựa với chất trồng là vỏ thông đã cơ bản thỏa mãn điều kiện trên.

 

Giá cả của vỏ thông so với than củi hoặc dớn hoặc xơ dừa là tương đương nhau, khá cạnh tranh (khoảng 10-30 ngàn 1 ký). Tuy nhiên nếu được chọn giữa vỏ thông và than thì tôi sẽ chọn vỏ thông, vì than ngậm muối rất nhanh và nhiều, bên cạnh đó, nếu quên không tưới một vài ngày than sẽ khô và hút ngược nước từ thân và rễ lan làm lan bị teo tóp và hư rễ.

Lan càng nhỏ thì nên chọn hoặc băm vỏ thông càng phải nhỏ. Và rễ lan càng nhỏ thì bạn phải dùng vỏ thông nhỏ.

Ví dụ:
– Giả Hạc (Phi Điệp Tím), Trầm, Kèn, Đùi Gà thì nên dùng vỏ thông kích cỡ 0,5cm tới 1cm;
– Kiều (Thủy Tiên), Dendro thì vỏ thông kích thước cỡ 2cm;
– Cẩm Báo, Ngọc Điểm (Đai Châu), Sóc Lào, Sóc Ta, Hải Yến, Hỏa Hoàng… thì kích thước trên 3cm.
– Riêng đối với lan Hài, thì vỏ thông chỉ nên dưới 1cm.

Vỏ thông có chứa Resin nên có tính sát khuẩn cao, lâu mục, không đóng rêu, ít có mầm bệnh các loại nấm hại.

Khu vực cao nguyên Lâm Viên tôi sống có hai loại vỏ thông đó là:

– Vỏ của cây thông 2 lá, vỏ xù xì từng cục, rất cứng. Loại này băm nhỏ trộn xơ dừa hoặc dớn sợi rồi trồng Lan Hài thì tuyệt vời. Loại này rất bền, khoảng 4-6 năm mới mục. Tôi đã thử nghiệm trồng Thủy Tiên, Cẩm Báo, Đùi Gà, Hài Râu…. cây lên rất mạnh.

– Vỏ thông 3 lá, từng lớp, từng lớp xếp chồng lên nhau. Vỏ này rất sắc, đi bóc rất dễ đứt tay, rễ lan cũng dễ bị tổn thương hơn khi có gió lay và vận chuyển. Loại này dễ mua hơn, dễ kiếm hơn. Loại này bền 2-3 năm. Tôi đã thử trồng Thủy Tiên, Đùi Gà, Hài Râu, Hoàng Thảo Kèn, Dendro… cây phát triển rất tốt.

Cách xử lý vỏ thông trước khi trồng lan: Ngâm nước 3-10 ngày cho no nước, sau đó ngâm nước vôi trong hoặc Physan 20 hoặc Benkona trong thời gian 30 phút, rửa lại bằng nước trong và sử dụng.

Vỏ thông cũng là 1 loại giá thể giữ muối khoáng, vì thế hàng tháng bạn nên xối thật nhiều nước để rửa giá thể cho trôi bớt muối đi. Biểu hiện của giò lan bị thừa muối là lá và đầu lá bị vàng và khô cháy (khá giống lá già và khá giống kiểu bệnh Thán Thư).

Trong hình tôi đã chụp rõ ràng và chi tiết để các bạn thưởng lãm. Nếu chịu khó soi kỹ, bạn sẽ học được nhiều điều, nếu lướt qua thật nhanh thì bạn sẽ phí mất 2 phút của cuộc đời.

Nếu giả sử có cơ hội lên rừng thông lấy chút vỏ, thì nhớ mang dao làm bếp nhỏ thôi, không nên mang rìu hay búa theo kẻo lại bị các anh kiểm lâm hỏi thăm sức khỏe. Nhớ đừng hút thuốc trong rừng kẻo cháy rừng (nôm na là làm cứ làm cháy 1000 mét vuông phạt 1 triệu, 10ha 100 triệu… cứ thế mà tính).
Chỉ lấy phần vỏ xù xì đã chết ở bên ngoài vỏ cây thôi nhé bạn.

 

Với 37 bài phía trước, cũng đủ giúp bạn có nền tảng để chinh phục những giống lan khó và có được những giò lan đẹp, nếu bạn chưa đọc hết, hãy cố gắng kéo lại và nghiên cứu nhé!

Chuẩn bị vào mùa ghép Thân Thòng, bạn hãy kéo lại bài Ghép Thân Thòng nhé. Mùa này cũng là mùa làm lan nở hoa, hãy kéo lại bài Làm Lan Nở Hoa phần 1 và 2 nghiên cứu thêm nhé bạn.

Hãy hiểu biết sâu sắc về giá thể mình dùng, thì bạn sẽ trồng được bất cứ loại lan gì với giá thể đó!

Hãy Chia Sẻ để lan tỏa kiến thức và kinh nghiệm tới cộng đồng!

Nguyễn Ngọc Hà – Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng.

CƠ SỞ SẢN XUẤT THÁI SƠN | P.Trung Mỹ Tây, Q.12, Tp.Hồ Chí Minh

1) Nick facebook: Tô Quốc Cường (0977.781.549 | Dĩ An, Bình Dương | quoccuongbinhduong@gmail.com)

2) Nick facebook: Ben Nguyen (090.337.4405 | Quận 2, TP. Hồ Chí Minh | bennguyendalat@gmail.com)

0977.781.549
0903.374.405