NẤM KÝ SINH VÀ HOẠI SINH TRÊN LAN (Bài 31) Nấm mảng trắng, nấm bồ hóng, nấm…
Nửa sự thật không còn là sự thật và tình yêu không một nửa bao giờ.
Có rất nhiều bạn rất yêu lan, nhưng theo tôi thấy thì đó chính là 1 tình yêu đơn phương. Bạn yêu lan nhưng lan không yêu bạn, em thường bỏ bạn mà đi.
Tình yêu đơn phương giống như bạn đứng trong mưa lạnh giá, rồi bạn tè trong quần, bạn thì cảm thấy rất ấm nhưng người ngoài nhìn vào chỉ thấy bạn thật ngu lì.
Tôi đã nhiều năm ngu lì nên tôi hiểu cảm giác ấm áp dễ chịu đó. Vì thế các bài viết theo phong cách HÀI NHẢM của tôi sẽ giúp bạn không còn phải yêu đơn phương nữa.
Đối với các loại nấm trong giàn lan, ta có thể tạm thời chia ra làm NẤM GÂY BỆNH và NẤM KHÔNG GÂY BỆNH.
NẤM GÂY BỆNH thì bài 29 tôi đã phân tích kỹ lắm rồi từ nấm rễ, thán thư, đốm đen tới thối đen….
Trong nội dung bài này tôi chỉ đề cập tới 3 loại nấm KHÔNG GÂY BỆNH mà thôi.
Nếu chia theo kiểu của tôi thì cũng không chuẩn khoa học lắm, nhưng chơi lan thì hiểu nôm na như vậy là đủ rồi.
1. NẤM BỒ HÓNG – Nấm Capnodium
Nấm bồ hóng lại chia làm 2 loại, nhưng tôi thấy rằng đối với lan hầu như chỉ bị loại nấm có tên là Capnodium citri gây ra.
Ở mặt trên của lá và mặt dưới của lá, trên vỏ giả hành, bẹ lá, kẽ lá… bị phủ đều một lớp bồ hóng (như muội than), màu đen, không tạo thành từng đốm riêng biệt (đây là sự khác biệt với loại nấm bồ hóng thứ 2 là những đốm tròn màu đen riêng biệt và từ từ lan rộng do nấm Meliola commixta gây ra).
Khi lấy tay, lây giẻ lau hoặc dùng nước để rửa thì lớp bồ hóng này sẽ hết, trả lại cho chỗ vừa lau màu xanh tự nhiên vốn có của nó (thực ra nó xanh nhạt hơn một chút).
Loài nấm này sống hoại sinh trên lớp mật do các loài rầy rệp, nhện đỏ… tiết ra (trong chất bài tiết của chúng). Chúng không tấn công vào mô của cây nên không ảnh hưởng trực tiếp cho cây. Tuy nhiên, do chúng phát triển dầy đặc phủ kín các bộ phận xanh của cây nên sẽ ảnh hưởng đến quá trình quang hợp, từ đó sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển bình thường của cây, khiến cho cây còi cọc, yếu sức, ra hoa kết trái ít, dẫn đến làm giảm năng suất của vườn lan, tức là chúng gián tiếp gây hại.
Đặc biệt là nhìn rất mất thẩm mỹ, sẽ làm giảm hẳn giá trị giò lan.
Như vậy, muốn hạn chế bệnh bạn chỉ cần phòng trừ các loại rầy rệp trên cây bằng một số loại thuốc trừ sâu như Supracide, Suprathion, Bian, Bi- 58, Sumi-alpha, Applaud, Applaud-Mipc, DC-Tron Plus, các loại thuốc trị nhện đỏ… thì nấm sẽ chết, tuy nhiên chết nhưng nó vẫn bám đen thui giò lan à!
Cũng có thể dùng máy bơm nước có áp suất mạnh tia xịt vòi nước vào chỗ có rầy rệp, nhện và lớp bồ hóng bu bám cũng sẽ có tác dụng tiêu diệt và rửa trôi bớt rầy, rệp và lớp bồ hóng trên cây. Để hạn chế nấm bồ hóng có thể sử dụng thêm thuốc. Tuy nhiên các này áp dụng cho lan thì không hay lắm, áp dụng cho cây công nghiệp và cây ăn trái thì tốt hơn.
Cách đơn giản nhất, hiệu quả nhất và thân thiện môi trường nhưng lại mất nhiều thời gian nhất chính là: Pha 2-5ml nước rửa chén với 1 lít nước lã, sau đó phun ướt đều 2 mặt lá, ướt đều chỗ bị nấm bám vào, rồi chờ 1 lát cho nấm ngấm nước rửa chén, ta sẽ phun nước rửa bớt đi nếu vườn quá nhiều lan và nấm bám ít. Còn nếu chỉ 1 vài chục giò bị nấm, thì tốt nhất là dùng khăn mềm nhúng ướt và ngồi lau từng chiếc lá, từng cọng giả hành.
Tôi vẫn hay làm vậy khi lan bị 1 đợt nhện đỏ tấn công và khí hậu khô. Phải kiên nhẫn lau từng chiếc lá, tuy nhiên cũng không lâu lắm đâu, 1 ngày lau được cả trăm giò là bình thường.
2. NẤM MẢNG TRẮNG (NẤM MẢNG PHẤN) – Hypocrea pulvinata
Trước đây, giới nấm (Fungi) được xếp chung là thực vật, tuy nhiên hiện nay, giới nấm được tách riêng và trở thành 1 trong 5 giới của thế giới sinh vật (giới khởi sinh, giới nguyên sinh, thực vật, nấm, động vật). Tóm lại là với khoảng 1,5 triệu loài nấm, chúng vừa giống động vật lại vừa giống thực vật, và khoa học cũng mới mô tả được khoảng 69.000 loài.
Theo CÁC NHÀ NẤM HỌC thì họ lại chia ra làm nhiều kiểu, và nấm mảng trắng (mảng phấn) này nằm trong kiểu NẤM LỚN.
Theo kinh nghiệm cá nhân tôi thì nấm ký sinh này nhanh làm mục giá thể, làm mất thẩm mỹ giò lan, và khi nó bao phủ rễ cũng không làm chết rễ, tuy nhiên khi nó bong ra thì kéo theo rễ cũng bong ra luôn.
Nó phát triển mạnh khi độ ẩm không khí quá cao, mưa dầm, ánh sáng yếu, giàn lan không thông thoáng gió và đặc biệt là không xử lý giá thể kỹ trước khi ghép lan.
Nói thật là nếu bạn lười biếng thì kệ nó cũng không sao. Còn nếu nó phát triển quá dày, bạn có thể dùng móng tay bóc từng mảng ra cũng nhanh thôi.
Có nhiều các để xử lý loại nấm này, ví dụ các loại thuốc gốc đồng như Coc85, Đồng Clorua, CopperZinc, Boocđô…. Tuy nhiên là theo tài liệu tôi đọc thì hạn chế dùng đồng vì đồng quá mạnh sẽ ảnh hưởng không tốt lắm tới rễ và hoa của lan (tùy giống lan).
Cách khác là pha thuốc diệt nấm và vi khuẩn rồi phun mạnh lên mảng nấm, ướt đều mảng nấm, sau đó cắt nước, tránh mưa khoảng 2 ngày thì từ từ mảng nấm cũng khô lại và từ từ bong ra. Ví dụ pha Starner + Ridomilgold.
Các tôi thường dùng nhất là pha Physan 20 với liều cao hơn 3-5 lần ghi trên bao bì (thường là 4ml thuốc với 1 lít nước) rồi ngâm chìm chỗ bị nấm vào 5-10 phút. Hoặc là phun đi rồi phun lại rồi lại phun đi lượt nữa, thật đều và đẫm lên chỗ có nấm (phun qua 1 lượt, 10 phút sau phun lại, 10 phút sau phun lượt nữa). Dĩ nhiên là cắt nước và che mưa ít nhất 2 ngày.
Và có 1 cách khác cũng rất hiệu quả là chế phẩm sinh học HÙNG NGUYỄN ĐÀ LẠT. Tôi thực nghiệm rồi mới dám chia sẻ với các bạn.
Nếu với nấm mảng phấn ít thì ta pha 1ml với 1 lít, xịt đi xịt lại là vài ngày sau sẽ ổn. Tuy nhiên mảng trắng nhiều và dày thì bạn phải pha liều đậm đặc gấp 3-6 lần như bao bì cho thì mới hiệu quả. Thậm chí là bạn nên ngâm luôn cả giò lan vào chậu dung dịch chế phẩm. Bật mí nhỏ 1 chút về cơ chế của chế phẩm tiêu diệt nấm đó là làm mất cân bằng môi trường trong và ngoài tế bào làm nấm chết đi. Vậy bạn hãy suy nghĩ về số lượng tế bào càng nhiều thì càng cần nhiều chế phẩm, và phải ngấm vào nhiều thì mới hiệu quả cao.
Nói chung thì xử lý giá thể tốt và giàn thông thoáng thì nấm tự hết.
Bạn phải lưu ý là:
– Thử thuốc trên 1 giò rồi hãy làm đại trà, đây là nguyên tắc sống còn vì không phải lan gì cũng chịu được thuốc nồng độ cao.
– Tùy mức độ nặng nhẹ, nhiều ít của nấm mà pha thuốc nồng độ thấp hay cực cao.
– Tôi luôn khuyến khích nên dùng tay nhẹ nhàng bóc nấm thì vẫn là thân thiện môi trường nhất. Vì có đôi lúc tôi có vài chục giò bị nấm, ngồi bóc 1 tí là xong ngay ấy mà.
– Nếu bạn không làm vệ sinh triệt để toàn vườn, thì dăm bữa nửa tháng sau nấm lại mọc đầy, khi đó đừng nói thuốc không hiệu quả nhé.
3. NẤM ĐỐI KHÁNG TRICHODEMAR
Loại nấm này lúc đầu phát triển trên giá thể gỗ ghép lan, do sự thiếu hiểu biết nên tôi dùng Physan 20 tiêu diệt hết. Sau này mới thấy là mình thật dại dột. Để mà dùng từ ngữ nói cho các bạn biết hình thù nó thế nào thì đúng là không tưởng. Vì thế tôi đề nghị bạn xem hình!
Hiện nay, nấm Trichoderma ít nhất 33 loài.
Rất nhiều giống Trichoderma có khả năng kiểm soát tất cả các loài nấm gây bệnh khác. Tuy nhiên một số giống thường có hiệu quả hơn những giống khác trên một số bệnh nhất định. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, nấm Trichoderma giết nhiều loại nấm gây thối rễ chủ yếu như: Pythium, Rhizoctonia và Fusarium.
Quá trình đó được gọi là: ký sinh nấm (mycoparasitism). Tricoderma tiết ra một enzym làm tan vách tế bào của các loài nấm khác. Sau đó nó có thể tấn công vào bên trong loài nấm gây hại đó và tiêu thụ chúng. Chủng sử dụng trong T-22 tiết ra nhiều enzym chính yếu, endochitinase, hơn các chủng hoang dại, do đó, T-22 sinh trưởng tốt hơn và tiết ra nhiều enzym hơn các chủng hoang dại. Sự kết hợp này cho phép nó bảo vệ vùng rễ của cây lan chống lại các loại nấm gây thối rễ, đốm lá, thối đen trên lan.
Nếu có nấm này mọc trên giá thể hay thậm chí mọc trên rễ lan của bạn, thì cứ kệ nó đi nhé.
Hiện nay thị trường còn có bán cả loại nấm này để bón cho đồng ruộng và trộn với chất trồng.
THAY LỜI KẾT:
Thời gian qua có nhiều bạn hỏi chủ đề này quá nên tôi làm bài này là theo yêu cầu, vì thế mong các bạn hãy CHIA SẺ để nhiều người cùng biết mà áp dụng cho thân thiện môi trường.
Vấn đề nhỏ xíu nữa đó là các bạn hạn chế bình luận trên từng tấm hình, vì tôi không thể kiểm soát và trả lời hết được các câu hỏi.
Việt Nam hiện nay có nhiều hội hoa lan, mỗi hội đều có nét độc đáo riêng, chương trình sự kiện riêng, tuy nhiên để nói về nền tảng và sự đồ sộ, quy mô và đẳng cấp tài liệu, sự vô tư và công tâm, thì các bạn nên xin tham gia vào HỘI HOA LAN VIỆT NAM Vietnamese Orchid Society (Viết tắt là VOS, đọc là Vốt). Hội phi chính phủ, phi lợi nhuận và quan trọng là KHÔNG BUÔN BÁN (có trang bán riêng).
Các bài viết trong phần bài ghim của các chuyên gia hàng đầu là sự chuẩn chỉ về khoa học, các bạn nên nghiên cứu để nâng tầm của bản thân.
Các bạn muốn sắp tới tôi viết đề tài gì thì bình luận bên dưới nhé, tôi sẽ nghiên cứu để phục vụ các bạn. Đọc xong bài này nhớ kéo về trước nghiên cứu lại 30 bài phía trước nhé!
Tài liệu và hình ảnh có sự tham khảo từ các nguồn sau:
https://www.discoverlife.org
https://www.freenatureimages.eu
https://www.loegiesen.nl
https://www.bvtvhcm.gov.vn
https://www.sonongnghiep.hochiminhcity.gov.vn
Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng, Lâm Đồng.