DÂN CHƠI LAN

- Trang Web chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hoa lan và giới thiệu chế phẩm đặc biệt: HÙNG NGUYỄN - ĐÀ LẠT

NGO DOC SOC PHAN THUOC

NGỘ ĐỘC – SỐC PHÂN – THUỐC TRÊN LAN – Bài 63

Tiêu đề khó hiểu đúng không ạ? Định nghĩa khoa học thì tôi không biết diễn tả như nào, mà một chàng nông dân nhổ cỏ, rửa vỏ thông… đi giải trình về khoa học thì cũng không hợp lý lắm.

 

Tôi hiểu nôm na như người uống rượu, uống quen và vừa phải thì không sao, nhưng quá giới hạn chịu đựng thì say, mà say thì cũng có nhiều mức độ nặng nhẹ. Hay người bình thường không biết hút thuốc, hứng lên rít 1 bi thuốc lào, lăn quay, sùi bọt mép, giãy đành đạch. Hoặc trường hợp bị tạt acid gây bỏng acid. Rồi đến các chị tẩy quần áo bằng xút mà không dùng bao tay, gây bỏng và bong da… Vậy đó – sốc hóa chất.

 

Lan cũng thế, các loại phân và các loại thuốc đều có thể là nguyên nhân gây sốc và cháy lá, cháy ngọn, gục giả hành.

  1. SỐC PHÂN

– Ngưỡng chịu phân của mỗi giống lan là khác nhau, bạn không thể áp dụng cho mọi loại lan bằng một công thức chung được.

Ví dụ: Bón NPK cho Giả Hạc (Phi Điệp), Trầm, Long Tu, Hoàng Thảo Vôi, Kiều các loại… với liều 1 gam pha 1 lít nước thì lan chịu được.

Nhưng bón NPK cho lan Đai Châu, Sóc Lào, Cáo, Vanda, Kiếm (lan đơn thân, lan lá dày cứng) liều 1 gam phân pha 1 lít nước thì xem ra hơi ít và nhẹ. Cũng liều như vậy mà phun cho những giống LAN LÁ MỎNG như Ý Ngọc, Kèn, Kim Điệp, Thập Hoa, Long Tu Đá, Ngọc Thạch, U Lồi, Trúc Quan Âm… hoặc LAN CÓ LÔNG như Nhất Điểm Hồng, Nhất Điểm Hoàng, Bạch Hạc, Thanh Hạc, Suzukii, Bạch Hỏa Hoàng, Dendro Kontum…thì khả năng cháy lá, cháy ngọn, gục mầm hoặc lụi dần dần là 80%. Lan lá mỏng và lan có lông thì dùng phân NPK 1 gam pha 5 lít cho tới 1 gam pha 3 lít là quá đủ.

– Lan cần được huấn luyện để từ từ quen phân và từ từ nâng nồng độ phân lên. Bạn không nên pha liều y như bao bì hướng dẫn của nhà sản xuất ngay trong lần đầu tiên. Cần phải nâng liều từ từ 1 gam pha 5 lít giảm xuống 1 gam pha 4 lít, rồi 1 gam pha 3 lít…. Nếu huấn luyện qua một vài tháng thì bạn hoàn toàn có thể cho lan ăn phân như người Thái Lan, 5 gam NPK pha cho 1 lít nước phun lan vẫn chịu được.

 

– Bạn cần phải ĐỌC THÀNH PHẦN của phân bạn bón cho lan. Khi bạn nghe ai đó nói B1 kích rễ pha liều 3cc với 1 lít nước là đúng như hướng dẫn của nhà sản xuất giành cho lan. Nhưng bạn lại không biết rằng đó là chai B1 xanh của Mỹ (Growmore). Còn chai B1 xanh của Thái Lan lại khác, chai B1 vàng của Thái cũng khác, B1 của Việt Nam cũng khác hẳn. Cũng với liều 3cc 1 lít nước áp dụng cho B1 vàng của Thái Lan, tôi đảm bảo lan nhà bạn sẽ chịu không nổi, không phải vì B1 của Thái tốt hơn, mà chai B1 vàng đó có rất nhiều NPK và và hàng tá chất khác.

– Bạn dùng liều cho cây ra chai, keiki nhỏ thì nên dùng liều bằng 1/3 cây lớn thôi, em bé ăn một bát cơm là no rồi, nhồi 3 bát thì ói luôn, em bé dùng sữa tắm em bé thì được, nếu dùng xà bông cục thì không nên.

 

– Điều nhấn mạnh nhất của bài viết này chính là hai yếu tố NHIỆT ĐỘ và ÁNH SÁNG.

 

+ Nhiệt độ là yếu tố gây cho lan bị bỏng phân, sốc phân nhiều nhất mà tôi thấy. Ví dụ khi bạn phun phân xong, nhiệt độ lên cao trên 33 độ, hơi nước bốc đi thì nồng độ sẽ tăng lên. Có thể lúc đầu chỉ là 1 gam 1 lít nhưng khi hơi nước bốc đi thì nồng độ của phân đọng lại trên lá, trên ngọn, trong kẽ lá sẽ lên 5 gam 1 lít, rồi lên 10 gam 1 lít… tế bào non nào chịu nổi?

Ngoài ra khi nhiệt độ lên, một số chất sẽ bị Acid hóa, một số thành muối sẽ làm teo tế bào, làm hoại tử tế bào…

Vì thế, tại sao nhà sản xuất luôn khuyên phun sáng sớm hoặc chiều mát là như vậy. Nhưng họ lại quên hướng dẫn bạn rửa phân bám trên lá, trên ngọn khi nhiệt độ lên cao. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, phun phân dù nồng độ nào, phun được bao nhiêu lâu thì khi nhiệt độ lên khoảng trên 30 độ (cơ thể cảm thấy hơi nóng) là tôi đi tưới rửa phân ngay. Và dạo này tôi lại hay phun phân vào khoảng 16h, sáng hôm sau 8h là tôi tưới thật đẫm để rửa phân đi. Và trước khi phun phân nên tưới sơ sơ, sau khi lá khô thì bắt đầu phun phân được (khoảng 15-45 phút). Và tôi chủ yếu là phun vào rễ, giá thể chứ lại không tập trung vào lá hay ngọn nhiều.

+ Ánh sáng mạnh là một nguyên nhân làm phân bị bay hơi và biến chất, ví dụ B1 gặp ánh sáng mạnh sẽ bị biến chất. Nên dù nhiệt độ trong ngày thấp nhưng nắng mạnh tôi cũng không phun phân. Bạn sẽ hoài nghi nắng nhiều mà nhiệt thấp thế nào được, là tại vì bạn chưa biết Lâm Đồng như thế nào.

 

– Một điều cốt lõi cực kỳ sai lầm của người nôn nóng muốn lan lớn nhanh và người lười đó là pha ba, bốn loại phân và thuốc lại rồi phun 1 thể.

Có bạn pha chung thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, phân kích rễ và phân bung đọt vào một bình rồi phun. Lan nào chịu nổi!

Vậy giảm liều thuốc và phân được không? Câu trả lời là không! Vì thuốc sâu mà liều thấp thì sâu không chết sẽ lờn thuốc, nguy hại vô cùng. Thuốc bệnh mà liều thấp thì nấm khuẩn cũng lờn thuốc luôn, càng nguy hại.

 

Vậy nên, bạn không nên pha chung ba thứ đó với nhau. Mà nên pha phân với phân, thuốc sâu với thuốc sâu, thuốc nấm khuẩn phòng dịch bệnh với nhau. Các lần phun cách nhau ít nhất 2 ngày cho cây lan còn có thời gian thích ứng và hồi sức.

 

Ví dụ kích rễ nếu chỉ dùng chế phẩm Hùng Nguyễn là 20 giọt 1 lít.

Chỉ dùng siêu lân là 1 gam 1 lít.

Chỉ dùng Super Thrive là 6 giọt 1 lít.

Nhưng nếu bạn pha chung ba thứ phân này với nhau thì liều mỗi thứ nên giảm xuống 30% – 50%.

Ví dụ: 20 giọt chế phẩm Hùng Nguyễn + 1 gam Siêu Lân (10.55.10te) + 6 giọt Super Thrive + 1,5 lít nước. Chiều phun sáng hôm sau rửa luôn.

 

– Nguyên tắc dùng phân để không bị cháy lan là nên pha loãng và phun tần suất dày thay vì pha đặc và lâu thật lâu mới phun. Ví dụ NPK 1 gam 3 lít nước, 3 ngày phun 1 lần tốt hơn nhiều nhiều lần so với 1 gam NPK pha 1 lít, 9 ngày phun 1 lần.

Lan thiếu phân sẽ không chết, nhưng lan thừa phân chắc chắn chết, chỉ là chết chậm mà thôi.

 

– Một điều cực kỳ tệ hại và làm mất uy tín của tôi cũng như những người chia sẻ kỹ thuật chăm sóc lan là các bạn dùng phân theo CHIÊU. Áp dụng rất tùy ý, không có lộ trình từ A – Z, áp dụng không đủ bài. Đặc biệt các bạn làm mất uy tín của Nghệ Nhân Tám Ngọc rất nhiều khi áp dụng công thức của thầy. Thầy dạy phun phân xong 3 tiếng sau thì rửa sạch phân, xả thật sạch đi; tiếc phân, không nghe thầy mà có khi cũng chưa nghe luôn, phun xong để đó rồi lan cháy hết lá và ngọn, lại quay ra chửi thầy. Thật là làm phước phải tội, oan khuất vô cùng!

 

  1. SỐC THUỐC

 

– Movento là một loại thuốc trừ bọ trĩ, rệp…sinh học cực kỳ an toàn và hiệu quả, liều dùng 1cc pha 1 lít, phun đẫm rễ, giá thể, lá, thân. Tâm lý sợ không ăn thua, pha hẳn 3cc 1 lít vì nghĩ nó là dạng thuốc sinh học, rồi xong. Hôm sau ngọn và lá lan nó nâu nâu và quéo luôn.

 

– Physan 20 là thuốc diệt nấm khuẩn và rêu nhớt rong… liều 1cc 1 lít bạn thấy cảm giác loãng loãng sao sao ấy, pha hẳn 3cc 1 lít. Rồi mai lan gục hẳn ngọn luôn, cháy nâu rồi thành đen ngọn và lá chỉ sau 2 ngày.

 

– Trên bao bì nhiều loại thuốc chỉ hướng dẫn cách pha cho rau màu, lúa và cây công nghiệp hoặc ăn trái, không có liều cho Lan. Bạn nên dùng liều cho lúa hoặc rau, tuyệt đối không nên dùng liều cho cây ăn trái và cũng không dùng thuốc chuyên dùng cho cây ăn trái và cây công nghiệp để áp dụng cho lan.

– Vậy sau khi phun thuốc có cần rửa không?

Rất khó để một chàng nông dân như tôi trả lời câu này cho chuẩn, vì tôi chưa thử qua hết các loại thuốc nhưng tôi biết chắc chắn nếu dùng Agrifos 400, Physan20, Benkona, Benkocid thì nên rửa khi nhiệt độ lên trên 33 độ. Còn thuốc dạng bột thì không cần.

Trường hợp dùng thuốc để chữa bệnh thì không nên rửa, à mà quên, 4 loại thuốc trên dùng chủ yếu là phòng dịch bệnh, chữa bệnh hầu như không dùng.

 

XỬ LÝ LAN BỊ SỐC PHÂN HOẶC THUỐC

 

– Bước 1: Rửa lại toàn bộ lá, ngọn, thân, chậu, giá thể, bộ rễ bằng nhiều nước.

– Bước 2: Pha B12 liều 2cc pha 1 lít nước tưới ướt đẫm ngọn, rễ, thân, lá và giá thể. B12 phải là loại nguyên chất thì hiệu quả mới cao, B12 có lẫn sắt hoặc canxi hiệu quả giảm hẳn thậm chí còn làm cây ngộ độc thêm sắt và canxi. B12 là loại cho người hoặc động vật có bán ở tất cả các nhà thuốc tây hoặc thuốc thú y.

– Bước 3: Treo lan chỗ mát, thoáng, khô ráo sạch sẽ tránh nhiễm trùng cơ hội. Nếu giàn bị cả giàn hoặc không có chỗ cách ly thì nên phun Nano Kito liều 3cc pha 1 lít nước ướt đẫm toàn bộ lan và nền giàn…

– Bước 4: Mỗi ngày phun B12 một lần, phun liên tục 3-4 lần. Sau đó quay lại chế độ chăm sóc ban đầu. Lưu ý nhiễm trùng cơ hội, nghĩa là lưu ý lúc tế bào đang tổn thương rất dễ bị thối nhũn do vi khuẩn.

Nếu giả sử bạn thấy vết bỏng quá nặng và muốn làm dịu cây hơn, làm lành vết thương nhanh hơn, bạn có thể dùng chất gel trong bẹ nha đam (lô hội) xay nhuyễn rồi pha loãng để phun lên toàn bộ lá và thân bị bỏng phân thuốc. Liều lượng thì không có liều cố định vì đặc quá thì phun không được. Nếu không phun, bạn có thể làm một chậu dịch nha đam rồi nhúng lan vào rồi vớt ra cũng được. Hai tiếng sau rửa sạch bằng nước lã là được, làm bao nhiêu lần tùy vào trực giác cảm nhận của bạn với cây lan (thường là 3 lần, ngày 1 – 2 lần).

 

– Bước 5: Ngồi nhìn lá vàng và khô từ từ qua thời gian. Cây không chết, ngọn không thối là được bạn ạ. Di chứng của sốc phân thuốc có khi sẽ kéo dài hàng tháng và bài học sẽ là cả đời.

LỜI KẾT

Bài hơi dài, nhưng không viết ngắn được.

Hình hơi nhiều nhưng không bỏ tấm nào được.

NHIỀU BẠN TƯỞNG LAN BỊ BỆNH NHƯNG THỰC TẾ LÀ SỐC PHÂN THUỐC. Chính vì thế, bạn nên xem hình và có sự so sánh. Vì cây đang sốc lại tưởng lan bệnh rồi phun thuốc bệnh, cây lại càng sốc nặng hơn, tốn tiền và công sức vô ích.

Sốc phân – thuốc biểu hiện rất giống thán thư, cũng giống bệnh khô vằn, cũng giống cháy nắng, cũng giống thối nhũn, có khi lại giống chết nhanh và có lúc giống bệnh héo xanh, cũng có lúc giống thiếu chất… Nên không có hình và không khai báo chế độ phân thuốc, liều lượng và chế độ tưới, vùng miền và ánh nắng… thì chịu thua, không thể tư vấn được.

Lưu ý: B12 không phải thần dược, không phải phân kích rễ, không phải thuốc làm lành vết thương cho cây. Trí tuệ và may mắn của bạn mới là thần dược.

Hình ảnh trong bài là từ vườn của tôi và từ nhiều người gửi hình nhờ tôi tư vấn trong 2 tháng trở lại đây, đều đã làm như bài và có hiệu quả. Hình ảnh phải được đối chiếu thực tế mới kết luận được là bị vấn đề gì, tránh tình trạng bốc 1 tấm ra và không có dữ liệu đi kèm sẽ gây tranh cãi và kết luận không chính xác.

Mong bạn CHIA SẺ bài viết nếu thấy hữu ích.

Nhà nông Nguyễn Ngọc Hà

*Mời bạn xem thêm hình phía dưới

                       

 

CƠ SỞ SẢN XUẤT THÁI SƠN | P.Trung Mỹ Tây, Q.12, Tp.Hồ Chí Minh

1) Nick facebook: Tô Quốc Cường (0977.781.549 | Dĩ An, Bình Dương | quoccuongbinhduong@gmail.com)

2) Nick facebook: Ben Nguyen (090.337.4405 | Quận 2, TP. Hồ Chí Minh | bennguyendalat@gmail.com)

0977.781.549
0903.374.405