DÂN CHƠI LAN

- Trang Web chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hoa lan và giới thiệu chế phẩm đặc biệt: HÙNG NGUYỄN - ĐÀ LẠT

KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC, PHÂN THUỐC: LONG TU, ĐẠI HOÀNG THẢO, HOÀNG THẢO VÔI – BÀI 39

KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC, PHÂN THUỐC (Bài 39)
Long Tu – Dendrobium primulinum
Đại Hoàng Thảo (Long Tu Đá) – Dendrobium crepidatum
Hoàng Thảo Vôi – Dendrobium cretaceum

Ba giống lan này rất đáng để các bạn mê lan cho vào bộ sưu tập trong vườn nhà. Đơn giản vì các em ấy có hương thơm mát nhẹ nhàng quyến rũ, màu sắc rất tươi sáng, lại thường nở từ tháng cuối đông tới mùa xuân, nếu căn chuẩn có thể nở đúng dịp Tết Nguyên Đán. Có thể nói các em ấy là những giống khỏe, khá dễ trồng và chăm sóc, lại dễ ra hoa dù bạn có trồng ở đồng bằng hay miền núi, xứ nóng hay xứ lạnh…

Còn gì tuyệt vời hơn nếu mỗi dịp tết đến xuân về bạn có một vài giò với hàng trăm bông nở như suối hoa treo trước cửa! Hương thơm dịu dàng của các nàng có thể giúp hồn ta bay bổng và thăng hoa.

Về cơ bản thì ba nàng này đều sống ở các vùng rừng sâu núi cao 500-2100m, mát mẻ và có ánh nắng từ 3-10 tiếng 1 ngày.

Các nhận biết và phân biệt ba nàng này, kính mời các bạn soi hình, tôi đã cố gắng chuẩn bị hình ảnh sắc nét và chi tiết để phục vụ các bạn mới chơi lan, hy vọng sẽ không làm các bạn thất vọng. Tôi biết chắc rằng dùng ngôn từ để tả về hình thái của các nàng là không đủ và các bạn cũng không thể tưởng tượng ra nổi.

Các bạn hãy tải hết các hình ảnh chất lượng cao này về máy để có thể từ từ nghiên cứu. Riêng em Vôi và em Long Tu thì thực sự là rất giống nhau, vì vậy tôi có chụp hình so sánh cho các bạn còn chưa rõ. Dù vậy, thì để chắc ăn, đôi khi ta phải chờ các nàng khoe sắc mới biết được. Nếu bạn tự tin vào khả năng nhận biết của mình thì hãy thử soi hình nhé, sẽ làm bạn hết tự tin đấy!

Về màu sắc hoa thì rất đa dạng và phong phú tùy vùng miền. Ví dụ nàng Hoàng Thảo Vôi thì có Cánh Hồng, Cánh Trắng, Cánh Tím với phổ màu rất rộng. Tương tự em Long Tu Đá cũng vậy.

Riêng em Long Tu thì hiện nay tại Việt Nam đang thịnh hành hai nàng là Long Tu Xuân Việt Nam và nàng Long Tu Lào. Long Tu Xuân Việt Nam cũng giống như Hoàng Thảo Vôi nở thường vào dịp Tết Nguyên Đán nên rất được ưa chuộng, cũng rất thơm nhưng màu sắc thì ít rực rỡ rạng ngời như Long Tu Lào. Long Tu Lào cũng như Long Tu Đá thường nở muộn sau tết 1-2 tháng.

Để phân biệt Long Tu Lào và Long Tu Việt Nam thì mời các bạn coi hình. Thường thì em ở bên Lào qua chịu nhiều nắng gió hơn nên giả hành tím hơn, đốt ngắn hơn, giả hành ú nu ú nần hơn, thẳng hơn chứ không dích dắc như em ở Việt Nam.

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

1. THỜI ĐIỂM GHÉP

Các bạn thường hỏi tôi là tháng nào thích hợp nhất để ghép thân thòng nói chung và 3 nàng này nói riêng là thời điểm nào tốt nhất trong năm? Câu trả lời của tôi luôn là: BẠN ĐỪNG QUAN TÂM TỚI THÁNG MẤY.
Kể từ khi em nó rụng hết lá cho tới khi sắp nhú nụ đều là thời điểm thích hợp nhất hoặc có chăng là cho tới khi mầm non nhú ra nhưng mầm non chưa mọc rễ.

Thường thì từ tháng 11 âm lịch cho tới tháng 2,3 âm lịch năm sau đều là thời điểm tốt để ghép.

2. GIÁ THỂ

Giá Thể tốt nhất thì tôi không biết, nhưng tôi biết chắc chắn nếu bạn ghép vào bảng dớn hoặc trụ dớn là dễ chăm nhất và cây lên sung nhất, sau đó là miếng hoặc khúc gỗ, rồi tới lũa hoặc trồng trong chậu.

Cách xử lý giá thể tôi đã trình bày rất kỹ trong bài 37 – Dớn, bài 38 – Lũa, bài 12 – Giá thể tốt nhất cho lan. Mời các bạn kéo lại trên facebook cá nhân tôi coi lại hoặc vào đường link https://hungnguyendalat.com/bai-viet-ve-hoa-lan-nguyen-ngoc-ha/ để đọc toàn bộ các bài viết của tôi.

3. XỬ LÝ GIỐNG

Bước 1: Banh – Đâm – Khía – Tách – Cắt

Khi mua giề lan về, sẽ có từ 1-2 giả hàng TƠ (tơ trong từ cầy tơ) nghĩa là giả hành 1 tuổi chưa nở hoa và một tới ba bốn năm giả hành 2,3,4,5 tuổi.
Bạn hãy ngồi bệt xuống đất, lấy hai ngón chân trái kẹp vào hai giả hành 1 và 2 tuổi, tay trái nắm chắc các giả hành 3,4,5,6 tuổi và nhẹ nhàng banh ra. Nhẹ thôi nhé, bạn sẽ thấy cái khe nhỏ và có mối nối hai giả hành với nhau. Hãy tiếp tục vừa banh nhẹ ra, tay phải cầm dao dọc giấy nhẹ nhàng chích mũi dao vào mối nối và khía từ từ.

Vâng, cứ vừa kéo banh nhẹ nhàng ra vừa chọc và khía mũi dao vào cho tới khi hai giả hành tách rời nhau hẳn ra. Trong chuyện này, sức mạnh không giải quyết được vấn đề, mà cần sự khéo léo nhẹ nhàng của đôi bàn tay.

Yêu cầu dao thật mỏng và nhớ soi cái mắt ngủ sát gốc kẻo cắt trúng mắt ngủ. Tuyệt đối không chủ quan xé toạc hai giả hành ra, có khi hư hết cả mắt ngủ thậm chí vết toác to còn hư luôn cả nửa giề lan.

Tiếp tục làm như thế với giả hành 3,4 tuổi với 5, 6 tuổi nếu có. Nếu bạn không làm như vậy thì khi bạn trồng lên, mầm chỉ chủ yếu mọc ở giả hành 1 tuổi thôi. Rất phí giống. Nếu tay nghề cao và soi mắt ngủ còn có khả năng nảy mầm tốt, bạn hoàn toàn có thể tách từng giả hành 3,4,5,6 tuổi ra và triển khai ghép. Nhưng với kinh nghiệm cá nhân mình, tôi vẫn khuyên các bạn nên để 2 giả hành đi chung với nhau.

Sau khi tách riêng ra rồi, lúc này bạn mới bắt đầu tỉa rễ già đi, nói chung là để lại 2cm rễ để bắn ghim còn lại cắt cụt bỏ hết. Nhớ là tách xong mới cắt rễ!

Bước 2: Ngâm

Pha 1 chậu Physan 20 nồng độ 1ml/1 lít nước hoặc 1 chậu Benkona 2ml/1lít nước sau đó cho toàn bộ lan giống vào ngâm 5-10 phút.

Vớt ra để ráo vài tiếng.

Tiếp tục ngâm B1+Atonik (nồng độ như trên bao bì trong 30 phút) (Atonik dùng vài lần thôi, không nên lạm dụng). Đó là cách ngày trước tôi làm vậy. Bây giờ tôi không dùng B1+Atonik nữa mà hoàn toàn chuyển sang dùng chế phẩm Hùng Nguyễn. Pha 1ml chế phẩm Hùng Nguyễn (khoảng 20 giọt) với 1 lít nước và ngâm lan vào đó 2 tiếng. Sau đó vớt ra để ráo và ghép liền lên dớn hoặc gỗ, lũa.

Lưu ý là ngâm kích mầm nên chọn thời điểm khí hậu ấm áp trên 15 độ. Để mầm mọc ra đỡ bị đứng lại vì lạnh.

Đôi khi bạn nghĩ tôi là nhân viên của công ty Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nên tôi mới hay giới thiệu bạn dùng chế phẩm như vậy. Sai rồi nhé!

– Thứ nhất tôi thấy chế phẩm Hùng Nguyễn cùng rẻ. Nếu bạn xử lý 2 ký lan chỉ cần 2-3 lít nước pha với 40-60 giọt (1 lọ cỡ 400 giọt, tính ra 1 lần xử lý giống hết có 2 ngàn đồng). Giả sử bạn dùng Atonik thì bắt buộc là phải dùng cả gói 10ml pha 16 lít nước, quả là lãng phí.

– Thứ nhì là nó có nhiều tác dụng, cả kích rễ và kích mầm, không giống 1 số loại kích keiki khác, chỉ mỗi kích keiki mà không kích rễ.

– Thứ 3 là nó có thể tiêu diệt vài loại nấm gây đốm đen thân và lá, nấm mảng phấn bám giá thể gỗ vú sữa…

– Thứ 4: Mình thích thì mình chia sẻ thôi! Chẳng cần phải làm nhân viên cho ai cả. Hiệu quả như nào thì mời bạn xem lại BÀI ĐẶC BIỆT nhé. https://hungnguyendalat.com/nguyen-ngoc-ha-thuc-nghiem-che-pham-hung-nguyen/

Bước 3: Ghép, treo.

Bắn ghim hoặc găm phần rễ vào bảng dớn hoặc bảng gỗ thật chẵc chắn.
Bạn nên tách riêng giả hành tơ với giả hành tơ ghép chung 1 bảng, giả hành già 1 bảng. Nói chung là cùng tuổi ghép 1 bảng.
Nhớ là hạn chế dùng càng ít sắt thép được thì càng tốt!

Giả hành dài ghép chung với dài vào 1 giò, ngắn ghép chung ngắn cho có sự đồng đều và khi nở được đều.

Trong bài GIÁ THỂ DỚN GHÉP LAN tôi có hình ảnh và cách thức ghép lan vào DỚN, mời bạn xem lại. Trong bài đó tôi có nói cách xử lý dớn, chỗ mua uy tín (Vỏ Cây Thông)

Bạn cũng có thể trồng vào chậu với vỏ thông hoặc dớn giống như ở nước ngoài, rất đẹp bạn ạ!

Sau khi ghép bạn nên treo lên giàn luôn. Cho ăn nắng 60-70% luôn (Nghĩa là 1 lớp lưới xanh đen của Thái). Nếu bạn ở đồng bằng xứ nóng thì gốc lan cách lưới ít nhất 1,5m, nếu vùng cao mát mẻ thì cách lưới ít nhất 1,2m. Tóm lại là càng xa lưới thì càng tốt.

Hồi mới chơi tôi cứ nghĩ là mới ghép, em nó không có cái lá nào mà cho ăn nắng nhiều nó sẽ chết, nên tôi treo chỗ râm mát, đợi mãi nó mới nảy mầm, sau khi mầm dài hơn 5cm tôi nghĩ nó đủ khỏe để ăn nắng nên tôi treo ra nắng, cháy mất lá non luôn.

Lời khuyên của tôi cho bạn đó là cải tạo tiểu khí hậu (bài 11) cho thật giống trong rừng, ngày tưới vào giá thể 2 lần sáng và chiều mát, cho ăn nắng tẹt ga ngay khi mới ghép. Như vậy lan của bạn sẽ rất khỏe!

4. PHÂN BÓN

– Cứ 1 tuần phun chế phẩm Hùng Nguyễn 1 lần nồng độ 1ml/1 lít (20 giọt) hoặc B1+Atonik. Lưu ý: Atonik chỉ dùng cho chi lan có giả hành mọng nước là có hiệu quả, còn các chi đơn thân… thì hiệu quả thấp. Bên cạnh đó lạm dụng Atonik sẽ có nhiều tác dụng không tốt về sau. Phun chế phẩm tới khi bộ rễ mầm non đủ khỏe mạnh thì ngừng.

– 7-10 ngày phun 30-10-10 TE hoặc 20-20-20 TE 1 lần.

– Sau khi mầm non ra rễ dài được 5cm, gắn phân chì (xám, tan chậm) và nửa tháng phun trung lượng và vi lượng 1 lần.

– Khoảng tám tháng tuổi phun 6-30-30 TE 3-4 lần, 10 ngày 1 lần.

– Sau đó tới tháng tuổi thứ 9 cắt nước hoàn toàn, cho em nó rụng trụi hết lá và cứ để như vậy cho tới giữa tháng tuổi thứ 11 bạn hãy tưới thật đẫm vào gốc, ngày 1-3 lần tùy giá thể và chờ hoa, sau 10-20 ngày xuất hiện nụ hoa, nếu nụ to thì để ở nơi mát và giảm tưới nước, còn nụ nhỏ tăng ánh sáng và nước tưới.

Bạn có thể dùng phân chuồng như trâu, bò, dê, gà, heo…. Cách xử lý và cách dùng tôi đã trình bày trong bài 6 – PHÂN CHO LAN. Mời bạn đọc lại, vì nếu bón phân sai cách, hậu quả rất lớn. Bên cạnh đó ủ phân sai cách, hậu quả còn lớn hơn.

5. THUỐC PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH

– Cứ 20 ngày phun Movento và Pesieu 1 lần để phòng nhện đỏ, rầy, rệp, bọ trĩ…

– Cứ 15 – 30 ngày 1 lần pha chung thuốc trừ nấm và vi khuẩn phun phòng 1 lần. Nếu trời mưa nhiều thì 7 ngày 1 lần.

Thuốc nấm gồm: RidomilGold, Antracol, Aliette, TopsinM…
Thuốc vi khuẩn gồm: Kasumin, Poner, Starner, Physan…

Cứ 1 nấm 1 khuẩn pha chung là được. Còn khi lan bị bệnh rồi mới trị, thì đề nghị các bạn đọc lại bài 27, 28, 29.

Cá nhân tôi bây giờ phòng bệnh cho lan bằng Nano Bạc, Nano Đồng, Agrifos 400. Cứ 15-20 ngày tôi phun 1 lần. Ví dụ tuần 1 dùng nano Bạc, tuần 2 dùng nano đồng, tuần 3 dùng Agrifos 400. Nhiệt độ trong ngày trên 33 độ thì không phun. Quá trình cứ lặp lại như vậy là quá đủ!

LƯU Ý:

Hiện tại đang là thời điểm vào vụ ghép 3 nàng này, bạn nên chớp thời cơ ghép cho đúng vụ. Đợi 1,2 tháng nữa mới ghép thì đừng bảo tại sao mầm đang mơn mởn mà ghép lên giò nó teo tóp đi.

Yếu tố ra hoa tháng nào còn phụ thuộc vào vùng miền, nhiệt độ và độ ẩm không khí trong giàn chứ không thể chuẩn 100% như bài tôi nói được. Ví dụ Long Tu và Vôi nở trúng tết trong nam nhưng ngoài bắc có khi lạnh quá không kịp tết. Cũng tùy năm mưa nhiều hay ít và mưa lâu hay mau mà hoa nở ngày nào. Như năm ngoái đang ép khô hạn (cắt nước, ngừng tưới) lá vàng và rụng được 1 nửa thì dính mưa dầm chục ngày, độ ẩm không khí cao. Lá xanh mơn mởn trở lại, thế là tạch tết thôi, nông dân lại đói!

Vườn nhà mình, em Vôi hoa đang thơm phức hương nhài, nửa tháng mới tàn, cùng 1 lô đó gửi đi miền trung nóng quá hết mùi luôn, nở tuần tàn mất tiêu…. Tôi nói vậy để làm gì? Để gửi tới ai đó đang gân cổ lên cãi là ở nhà bạn hoa nào đó không thơm nhanh tàn, trong khi bài tôi viết là thơm và lâu tàn….

Khi bạn thực sự hiểu sâu sắc về lan, nhất định bạn sẽ chinh phục được các nàng. Chúc các bạn có nhiều sức khỏe và đủ sự kiên nhẫn, tận tâm để có những giò lan đẹp.

Một lượt CHIA SẺ không mất gì của bạn, nhưng có khi lại cứu được rất nhiều lan cho bạn bè của bạn. Mạnh dạn nhấn CHIA SẺ nhé!

Nguyễn Ngọc Hà – Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng.

CƠ SỞ SẢN XUẤT THÁI SƠN | P.Trung Mỹ Tây, Q.12, Tp.Hồ Chí Minh

1) Nick facebook: Tô Quốc Cường (0977.781.549 | Dĩ An, Bình Dương | quoccuongbinhduong@gmail.com)

2) Nick facebook: Ben Nguyen (090.337.4405 | Quận 2, TP. Hồ Chí Minh | bennguyendalat@gmail.com)

0977.781.549
0903.374.405