ĐÚC KẾT SAU CHUYẾN ĐI MIỀN BẮC
Bài 34
1. GIÀN
– Đào hào, trữ nước và thả bèo để tạo độ ẩm môi trường (TIỂU KHÍ HẬU) luôn ẩm.
– Làm giàn bằng thép ống nước – ống thép mạ kẽm (ống đúc inox cũng được), siêu bền, thách thức mọi thời tiết, thách thức thời gian.
– Các mối nối toàn bộ hàn bản lề và bắt vít để tháo ra lắp vào dễ dễ dàng nhất.
– Mái hơi nghiêng để nước mưa không đọng và nhỏ giọt một chỗ, bên cạnh đó còn lấy được nắng và cắt các luồng gió mạnh, tránh tốc lưới và sập giàn.
– Vì độ ẩm vườn cao 85-90%, cỏ mọc và nhiều nước nên muỗi, sên, nhớt có điều kiện phát triển, vì thế phải rải bả sên và diệt muỗi, loăng quăng bọ gậy, ngủ màn. Lưu ý các cặp đôi không nên hẹn hò trong vườn vì khả năng bị muỗi đốt rất cao.
– Treo lan có sự phân khu, quy hoạch rõ ràng, không treo lung tung các loại lan với nhau.
– Các kệ kê Địa Lan, Lan Hài đều thiết kế rất chắc chắn, vững vàng và độ cao, độ rộng vừa tầm với.
– Có 1 khu vực mái nilon che mưa và khu treo lan đột biến, lan quý hiếm riêng.
– Còn nhiều lắm, mà tôi không thể liệt kê hết được, bạn thực sự muốn cải tạo vườn nhà mình cho chuẩn, thì có thể trực tiếp tới 181 Đình Thôn, Từ Liêm, Hà Nội để thăm quan học hỏi. Chủ nhân được cái rất thoải mái vô tư, không đi theo bạn, bạn cứ đi thơ thẩn thoải mái, hết sức tự do.
– Tôi có chụp được vài chục tấm hình, nay đưa lên để các bạn SOI và ngâm cứu. Bạn ngộ ra được bao nhiêu là do Ngộ tính với lan của bạn.
2. TRỒNG LAN GIỮA PHỐ
Khó!
Đó là cảm nhận về việc trồng lan trong thành phố. Vì các tòa nhà cao tầng san sát nên gió ít, không khí rất kém lưu thông.
Tiếp theo đó là mưa axit. Có những lô lan mới ghép hàng tạ, dính 1 trận mưa axit chết sạch sẽ.
Tôi có đi thăm quan vài vườn trong phố, tôi thấy việc tạo tiểu khí hậu Nắng mà không nóng, Ẩm mà không ướt, Gió mà không bão là rất khó!
Cây lan sẽ phát triển tốt hơn rất nhiều nếu có nắng nhưng nhiệt độ mát mẻ, ví dụ cao nguyên Lâm Viên chẳng hạn
Lan thích ẩm, nhưng không được sũng nước. Khi độ ẩm không khí xuống thấp như mùa thu hay mùa khô thì lan sẽ chững lại, thậm chí rụng lá chân với các giống lan đơn thân, hoặc giả hành bị tóp teo lại. Dù bạn tưới ngày 2-3 lần, nhưng độ ẩm không khí quá thấp thì vẫn là thiếu nước.
Không khí có sự lưu thông 10-15km/h, làm giàn lan luôn thông và thoáng, hạn chế được rất nhiều sâu bệnh và côn trùng phá hoại. Ngay trong cái tên Phong Lan, Phong là gió, phải có gió thì lan phát triển mới mạnh và sức đề kháng mới cao.
Tóm lại:
Thích ẩm nhưng sợ úng.
Thích khô nhưng sợ cháy.
Thích gió nhưng sợ bão.
3. TRẦN TUẤN ANH
Được cả nước biết đến với danh hiệu Vua Lan Đất Hà Thành, Hiệp Sĩ Tầm Lan…
Anh còn là 1 nhà nghiên cứu về lan, có thể nói là 1 trong những nhà Lan Học hàng đầu Việt Nam và thương hiệu đã vươn tầm quốc tế.
Tại vườn của anh, được ngắm 3000 mét vuông với hơn 300 giống lan đã làm tâm hồn ngây ngất.
Tôi thấy, toàn bộ các giống lan Hài của Việt Nam, các giống Địa cổ đều ĐỦ BỘ.
Thân thòng thân đứng, đơn thân, đa thân các vùng miền trên cả nước đều có cả.
Bạn thích sưu tầm số lượng và thử sức chinh phục các em từ dễ dãi đỏng đảnh đến khó khăn kén chọn thì xin mời!
Nhưng điều tuyệt nhất là khi lọt vào kho SÁCH VỀ LAN của anh Trần Tuấn Anh, độ hoành tráng còn hơn cả THƯ VIỆN QUỐC GIA, thì tôi lại tự nhiên thấy mình bé nhỏ lại mấy chục phần.
Sách tiếng Nga, Pháp, Anh, Nhật, Thái, Việt, Trung Quốc…. đủ cả. Anh Tuấn Anh nói có nhiều bạn đến mượn làm luận án Tiến Sĩ rồi…. hơn 100kg sách với hơn 50.000 trang.
Rất nhiều sách trong số đó, ở Việt Nam chỉ có 1-3 cuốn mà thôi. Có những cuốn 900 trang, có những cuốn sách màu của Nhật được in màu cách đây 20 năm mà hình ảnh bay giờ vẫn vô cùng sắc nét.
Các bác thử soi hình nhé!
Hiện nay, anh Trần Tuấn Anh đang là 1 Admin của Hội Hoa Lan Việt Nam VOS, anh ít xuất hiện trên hội nhưng là anh cả của hội Admin, mọi thông tin quan trọng trong hội anh đều nắm bắt từng ngày.
Tâm nguyện lớn nhất của anh là Thống nhất được tên gọi của hoa lan tại Việt Nam. Khó lắm các bạn ạ. Nhưng chúng tôi sẽ cùng anh nỗ lực hết mình để làm điều đó.
4. CHĂM LAN THEO VÙNG MIỀN KHÍ HẬU
Hẹn các bạn bài sau nhé! Đêm đã khuya rồi ạ!
Nội dung phần 1 và 2 hoàn toàn là thực tế và có sự cố vấn của anh Trần Tuấn Anh.
Các bạn nên kéo lại bài Làm Giàn Lan Tại Nhà, bài Tiểu Khí Hậu để tham khảo thêm nhé! (Bài 4, 11 và 13).
Đi một chuyến, học được nhiều hơn là chia sẻ các bạn ạ. Ngoài vườn lan Trần Tuấn 181 Đình Thôn, Từ Liêm, Hà Nội, tôi còn thăm quan vài vườn khác và đi thực tế vài tỉnh lân cận. Có nhiều điều để so sánh và rút ra, nhưng tôi sẽ giành chia sẻ từ từ trong các bài sau.
Chúc các bạn hạnh phúc và luôn có thể cười được!
Nguyễn Ngọc Hà – Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng.