DÂN CHƠI LAN

- Trang Web chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hoa lan và giới thiệu chế phẩm đặc biệt: HÙNG NGUYỄN - ĐÀ LẠT

THUỐC CHO LAN – NGUYỄN NGỌC HÀ

THUỐC CHO LAN (Bài 28)

Bài dài 17 trang A4, mong bạn CHIA SẺ TRƯỚC KHI ĐỌC.

1 2 3 4 5
Tại sao tôi phun thuốc mà lan vẫn chết? Nên phun thuốc gì để phòng bệnh cho lan và tại sao là thuốc đó? Cơ chế tác động của từng loại thuốc lên nấm và vi khuẩn như thế nào? Mẹo dùng thuốc và cách phối trộn…. Mọi thắc mắc đều có ở phần sau!

Dùng thuốc cho lan, chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng:

1. Đúng thuốc

Khi chọn mua thuốc Bảo Vệ Thực Vật (BVTV) bạn cần biết rõ loại sâu bệnh hại cần phòng trừ. Nếu không xác định được sâu bệnh hại thì bạn nên xách cả giò lan tới chỗ bán thuốc BVTV và nhờ kỹ sư của cửa hàng tư vấn nhận diện và có cơ sở mua thuốc cho chuẩn. Vấn đề này rất nhạy cảm vì hiện nay 1 anh kỹ sư nông nghiệp thường cho thuê bằng để người khác đăng ký cửa hàng đứng bán thuốc, vì thế bạn nên tìm cửa hàng nào có kỹ sư đứng bán thì tốt nhất, tỷ lệ này rất thấp khoảng 10% thôi, còn lại người đứng bán hàng đa số trình độ phọt phẹt….

Khi mua thuốc nên ưu tiên chọn thuốc ít độc với người và động vật máu nóng. Cần mua những loại thuốc có tác động chọn lọc (có tác dụng trừ sâu bệnh cao nhưng tương đối ít độc đối với sinh vật có ích như ong mật, cá tôm, gà vịt, ký sinh và thiên địch). Chọn thuốc an toàn đối với cây trồng, ít nguy hại đến người tiêu thụ sản phẩm. Chọn thuốc có thời gian cách ly ngắn (ví dụ Agrifos thời gian cách ly 1 ngày gần như là không độc), không lưu tồn lâu dài trong nguồn nước và trong đất. (Ví dụ bạn mua ĐỒNG ĐỎ để phun trừ nấm cho lan, thì thà bạn mua thuốc diệt cỏ về xịt luôn cho rồi).4
Không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục thuốc được phép sử dụng. Không sử dụng thuốc cấm.

Không gì đau khổ hơn xịt thuốc mà lan vẫn lăn ra chết vì sai thuốc.
Anh ơi, em mới xịt Ridomilgold hôm qua, sao hôm nay lan em lại bị thối nhũn thế này? Em xịt Ridomil cho Nấm trắng trên giá thể mà không thấy gì…. Đủ kiểu thắc mắc tôi nhận được hàng ngày! Ôi, Ridomilgold THẦN THÁNH TRỊ BÁCH BỆNH! Ridomilgold không có lỗi, lỗi tại bạn… (Phật gọi là VÔ MINH, Chúa gọi là LẠC LỐI).

2. Đúng liều lượng và nồng độ

Liều lượng là lượng thuốc cần dùng cho một đơn vị diện tích và nồng độ là độ pha loãng của thuốc trong nước để phun. Pha đúng nồng độ và phun đủ lượng nước quy định để đảm bảo thuốc trải đều và tiếp xúc với sâu bệnh hại nhiều nhất. (Ví dụ Anvil trị thối lá non, ngọn và rỉ sắt khá tốt, nhưng nếu bạn phun quá liều và nồng độ cao hơn 30% so với nhãn mác, lan nhà bạn sẽ bị đứng im không mọc dài lên nữa, nếu nặng thì nó thắt ngọn luôn). Hoặc xịt nhện đỏ mà bạn không xịt ướt đẫm và đều mặt sau của lá thì chỉ mất công xịt mà thôi, vì bọn nhện nằm dưới mặt lá.
Khi dùng thuốc BVTV, cần đọc kỹ hướng dẫn khi dùng thuốc, phải có dụng cụ cân, đong thuốc, không ước lượng bằng mắt, không bốc thuốc bột bằng tay. Bạn nên mặc áo mưa, đeo khẩu trang y tế và đội mũ rộng vành khi phun thuốc. Cá nhân tôi còn mua thêm 3 cây nối, nối cho cái vòi phun dài gần 3m để khỏi phải hít thuốc nhiều.

+ Nếu bạn mua thuốc dạng bột mà không biết làm thế nào để chia nhỏ dùng cho bình 1,5 lít hoặc 2-4 lít, thì tôi có mẹo nhỏ này chắc chắn sẽ giúp được bạn:
– Mua 1 chai nước lọc 250ml hoặc 500ml ĐÁY BẰNG, HÌNH TRỤ ĐỀU, trong suốt. Uống hết nước, để khô.
– Đổ thuốc dạng bột vào chai và lấy thước, bút lông ra chia làm 10 phần bằng nhau.
– Giả sử 1 gói Aliette 100gam pha với 32 lít nước xịt 4000 giò lan, mà lan bạn ít, chỉ cần 1,5lít là đủ, thì bạn chia cái phần thuốc trong chai ra làm 20 vạch, vậy mỗi vạch bột thuốc bạn pha với 1,5 lít nước là quá ổn rồi.
Cách dùng thìa đong 6 muỗng cà phê với 1 lít nước bạn KHÔNG NÊN ÁP DỤNG, vì tỉ trọng thuốc khác nhau (tôi thấy Ridomilgold và Starner cùng là bột, nhưng mà khối lượng trên thể tích khác nhau rất xa). Vấn đề nữa là THÌA CÀ PHÊ là thìa nào? Tôi uống cà phê 30 quán thì có 20 loại thìa, vậy thìa nào đây?
Sau khi dùng, thuốc còn trong chai bạn PHẢI BẢO QUẢN CHỖ TỐI VÀ MÁT (rất nhiều loại thuốc bị phân giải mất tác dụng khi gặp ánh sáng và nhiệt). Tôi mua hẳn 1 THÙNG XỐP ĐỰNG ĐÁ để bảo quản thuốc và phân, bất chấp mưa nắng và thời gian.

+ Nếu thuốc dạng dung dịch trong gói nhỏ (ví dụ Atonik, thuốc trị nhện đỏ Pesieu 500EC…) Bạn nên mua 1 chai cồn Iot Povidine hoặc chai nước muối rửa mắt về, nhớ mua chai to chút (20ml trở lên).
– Đổ hết cái trong chai ra, rửa sạch sau đó cho thuốc trong tép (bịch) giành cho lan của bạn vào.
– Cụ thể như sau: 10ml thuốc Pesieu 500EC trị nhện đỏ pha với 16 lít nước, bạn muốn pha 1,5 lít thì chỉ cần 20 giọt là được. (Trung bình 20 giọt = 1ml). Tương tự với Atonik.
– Nếu bạn chưa thật tự tin, vì lỗ miệng chai đôi khi to nhỏ khác nhau, hãy cho nước vào và thử đếm xem bao nhiêu giọt, rồi lấy số giọt chia cho số millilit ghi trên chai.

Có 1 lần tôi pha thuốc nấm và khuẩn để ngâm xử lý giống (Sóc Lào), tôi không dùng bao tay mà dùng tay không để trộn thuốc, vớt và dìm cây, sau đó 1 tiếng tay tôi bắt đầu mỏi rã rời, nhức bên trong tận xương lên tận bả vai, cầm nắm hầu như không còn lực. Sau này tôi dùng 1 bịch nilon dày và to, cho tay vào trong bịch rồi bốc trộn lan với thuốc, rất là hiệu quả mà an toàn, biến cái bịch nilon thành bao tay (giống mấy bà bán bún bốc bún bằng bịch ấy các bạn). Nếu bạn có điều kiện thì nên dùng bao tay cao su nhé!
Cách của anh nông dân, chỉ người đam mê mới biết quý trọng!

Có vài bạn quá nôn nóng, muốn đốt cháy giai đoạn mà cho liều tăng lên gấp đôi. Bạn đang làm hại lan của mình và nếu có dập được dịch bệnh thì sau này muốn chữa cũng bệnh đó, bạn phải xịt nồng độ cao hơn nữa. Hiện tượng lờn thuốc sẽ xảy ra.

Có một số bạn hỏi tôi rằng trên bao bì ghi rất nhiều nồng độ cho rất nhiều loại cây vậy lấy số đo nào để pha?
Bạn cộng tất cả các chỉ số trên bao bì lại và chia trung bình là ổn nhất. Ví dụ trên bao bì ghi là pha từ 20-40ml thuốc cho 16 lít nước, thì bạn cứ lấy 30ml thuốc là được.
Nếu bao bì ghi cả chỉ số cho cây lương thực, rau, cây công nghiệp và cây ăn trái. Bạn hãy lấy theo chỉ số của rau và lương thực. Vì lan thuộc bộ Măng Tây, cũng là rau thôi (thực tế thì đa số lan là ăn được, ví dụ luộc giả hạc hoặc ý thảo bạn sẽ thấy ăn đắng như mướp đắng (khổ qua), Kiều (thủy tiên) hoặc ngọc thạch thì hơi nhớt và vị thanh hơi ngọt).

3. Đúng lúc

Phun thuốc đúng lúc kịp thời vào thời điểm sâu bệnh dịch hại trong vườn lan. Đặc biệt là phải xem dự báo thời tiết để biết đường phun phòng bệnh.
Ví dụ 2 ngày nữa bão đổ bộ vào vườn nhà bạn, khi đó độ ẩm không khí rất cao sẽ tạo điều kiện cho các chủng nấm thủy sinh (sinh và sống với môi trường nước) sẽ làm hại lan nhà bạn, sinh thối gốc, thối ngọn non, thối nhũn lá…. Biết vậy thì xịt thuốc nấm và khuẩn để tiêu diệt hết các mầm mống nấm khuẩn đó đi, mưa tẹt ga vườn lan nhà bạn vẫn vô tư.

NÂNG CAO: Tron vườn nhà bạn, trong không khí lúc nào cũng có nấm và khuẩn, vấn đề là số lượng không đủ nhiều để phát thành dịch và làm hại lan nhà bạn. Ví dụ cụ thể: Giả sử trên lá lan Ngọc Điểm lúc bình thường luôn là có 100 con vi khuẩn 1 lá. Khi điều kiện thuận lợi (mưa, độ ẩm không khí cao, lá bị xước, nhiệt thay đổi thất thường) làm cho vi khuẩn sinh sôi lên hàng vạn, hàng triệu lần sau 1 đêm. Nó sẽ phá hủy tế bào lá và tiết dịch khuẩn, chúng nhân đôi với tốc độ chóng mặt. Lan nhà bạn sẽ bị thối nhũn.
Nếu bạn biết đường căn thời gian thấy trời sắp mưa dầm 1 tuần, thì bạn nên xịt thuốc phòng vi khuẩn để tiêu diệt đa số (trong số 100 con) để dù điều kiện có thuận lợi thì nó cũng sinh sôi nảy nở không đủ số lượng để phá hủy lan nhà bạn. Bên cạnh đó bạn phải tăng cường sức đề kháng cho lan với trung vi lượng, đa lượng cân đối….

Tốt nhất là điều kiện vườn không bệnh gì thì cũng nên phun thuốc nấm và khuẩn 2 tuần 1 lần. Còn khi bị bệnh thì cứ 5-7 ngày 1 lần là được. Mùa khô thì 20-30 ngày phòng bệnh 1 lần là hợp lý.
Nên phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Không phun thuốc vào những ngày thời tiết quá nóng, trời nắng gắt, trời sắp mưa, có gió to. Hạn chế phun khi cây đang ra hoa.

Buổi chiều mát lúc 16-17h phun là hợp lý nhất. Nhớ là có tưới thì cũng phải đợi ít nhất 1 tiếng cho khô ráo mới phun thuốc. Thuốc phun xong phải được ÍT NHẤT 2 TIẾNG khô ráo không bị mưa thì mới đạt hiệu quả cao nhất, nếu phun xong 1 tiếng mưa liền thì hiệu quả chỉ đạt 50%-60% thôi. Ngày hôm sau khi phun thuốc bạn vẫn cứ tưới lan như bình thường.

Giả xử chiều nào cũng mưa không phun được thì bạn nên phun vào lúc 6h sáng, 8 giờ sáng mới phun là muộn rồi, vì 9-10h trời mà nắng nóng lên là thuốc bay hơi mất tác dụng.

Đó là thuốc, còn với phân, theo quan điểm cá nhân của tôi thì chỉ phun phân vào buổi chiều mát 16h-17h, tuyệt đối không bao giờ phun phân vào buổi sáng, vì nắng và nhiệt sẽ biến phân đọng trên lá, ngọn thành axit và làm cháy lá lan. Bạn nên nhớ phân bón lá phải có ít nhất 5 tiếng không bị nắng nóng thì cây mới hấp thu đầy đủ được. Nếu giả sử bạn xịt phân xong mà vài tiếng sau nhiệt lên cao trên 30 độ thì sẽ làm hại tế bào lá lan nhiều.

LƯU Ý NÂNG CAO:

– Tưới rồi đợi khô phun thuốc sâu nấm bệnh là đúng.
– Phun phân chiều nay rồi sáng hôm sau tưới sớm là đúng. Lan hấp thu phân bón lá qua KHÍ KHỔNG, khi bạn tưới –> cây no nước, nó mở khí khổng ra để đẩy hơi nước ra ngoài, sẽ hạn chế khả năng hấp thu phân rất nhiều. Khi trời nắng thì khí khổng đóng lại, lan cũng không hấp thu được phân.

Cách dùng phân bón lá cho cây công nghiệp không thể áp dụng dập khuôn vào lan được.

Không biết bạn có quan sát lan mọc dài và to ra với tốc độ ra sao giữa ngày và đêm? Tôi thấy sau 1 đêm, lan luôn to và dài hơn là sau 1 ngày! Thực vật nói chung và lan nói riêng là vậy. Điều này có gợi cho bạn suy nghĩ gì không?

4. Đúng cách

Pha thuốc đúng cách, làm thế nào để chế phẩm thuốc được hòa tan thật đồng đều vào nước, bạn phải lắc hòa tan thuốc triệt để rồi mới phun.
Phun thuốc đúng cách là phun rãi đều làm cho thuốc tiếp xúc với dịch hại nhiều nhất, tập trung vào nơi sinh vật gây hại.

Trên cùng vườn lan chuyên canh không dùng một loại thuốc liên tục trong một vụ, nhiều năm liền nhằm ngăn ngừa hiện tượng kháng thuốc của sâu bệnh dịch hại. Thuốc nấm bạn nên thay đổi luân phiên 3 loại trở nên, thuốc khuẩn cũng vậy.

Không tự ý hỗn hợp nhiều loại thuốc với nhau để phun trên đồng ruộng. Khi hỗn hợp 2 hay nhiều loại thuốc, có trường hợp gia tăng hiệu lực trừ dịch hại nhưng cũng có trường hợp bị phản ứng do hỗn hợp làm giảm hiệu lực trừ dịch hại hoặc dễ gây cháy lá cây trồng và gây ngộ độc cho người sử dụng.
Ví dụ thuốc có tính kềm không pha chung thuốc tính axit.
Thuốc gốc Đồng (Cu) thì không pha với loại nào cả, nó là con sói cô độc sẽ tốt nhất.

Khi bạn pha 2 hoặc 3 loại thuốc với nhau mà sinh ra phản ứng kết tủa hoặc tỏa nhiệt, thu nhiệt thì xong rồi, tốt nhất là nên bỏ luôn mẻ pha đó đi và nên phun riêng bạn nhé!

Nhà sản xuất thường có cặp đôi đi chung với nhau, bạn đã mua 1 loại thì nên mua nốt loại kia. Và tôi rất thích sử dụng các bộ đôi. Đi mua thuốc tôi thường hỏi: bán cho tôi bộ đôi trị nấm khuẩn của công ty này công ty kia. Đó là sự kết hợp tuyệt vời với phổ trừ bệnh cực kỳ rộng.

– Khi đang phun thuốc không nên ăn uống, hút thuốc, tránh không dùng tay sờ vào bất cứ nơi nào trên cơ thể, nhất là đối với mắt sẽ rất nguy hiểm.

– Sau khi phun thuốc xong quần áo và các dụng cụ lao động, bình bơm phải được rửa sạch sẽ và phải được cất giữ trong kho riêng (cùng với nơi lưu chứa thuốc BVTV của gia đình).

– Không trút đổ thuốc dư thừa, nước rửa bình bơm ra nguồn nước sinh hoạt. Tuyệt đối không được dùng vỏ chai, bao bì thuốc BVTV đã dùng hết vào bất kỳ mục đích nào khác, phải hủy và chôn những bao bì này ở xa nguồn nước sinh hoạt và khu dân cư.

CÁC LOẠI SÂU BỆNH DỊCH HẠI LAN THƯỜNG GẶP

Gồm có:
– Sâu bọ, côn trùng và ốc sên.
– Virut
– Nấm
– Vi Khuẩn

1. SÂU VÀ CÔN TRÙNG: Sâu cuốn lá, sau ăn lá thực ra rất dễ tiêu diệt, có hàng trăm loại thuốc trừ sâu bạn có thể dễ dàng mua. Nếu muốn mua đúng thuốc thì tốt nhất nên mang mẫu sâu hay chụp hình tới nhà thuốc BVTV là bạn sẽ mua được đúng loại.

Rầy và rệp cũng vậy, tốt nhất bạn nên mua loại LƯU DẪN, XÔNG HƠI. Nghĩa là XỊT KHÔNG TRÚNG RẦY RẦY CŨNG CHẾT. Loại hiệu quả tiêu diệt rầy và rệp nhất thì thường là thuốc dành cho cây LÚA.

Diệt kiến với Regent (pha như bao bì và phun vào chiều mát).

Diệt NHỆN ĐỎ thì dùng Pesieu hoặc các loại thuốc khác, rất dễ mua, miễn là trên bao bì có ghi NHỆN ĐỎ là được.

Tôi không cho bạn tên thuốc vì mỗi vùng sẽ có các hãng và các nhãn hiệu khác nhau, bạn chỉ cần mang hình loại côn trùng bạn cần diệt ra nhà thuốc là được.

Còn sên, ốc và nhớt thì bạn xem lại BÀI 1 nhé. Dùng bả là nhanh nhất.
Nếu bạn muốn đuổi sên và ốc sang nhà hàng xóm thì giã nhuyễn vỏ trứng gà vịt ra và rải lên chậu lan, vừa cung cấp khoáng, vừa xua đuổi mấy em này.

GIÀNH CHO BẠN ÍT LAN VÀ THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG.

Thật ra các loài côn trùng này đều cần hô hấp, ta chỉ cần bịt mũi (lỗ thở) cho nó chết ngạt là xong.

Bạn có thể hòa 1 chậu nước rửa chén Sunlight loãng (10ml cho 10 lít) rồi
nhúng giò lan có rầy rệp, kiến… vào chục phút thì đảm bảo chết không còn 1 mống. Bạn cũng có thể thay Sunlight bằng Nước Tẩy Rửa Đa Công Dụng của hãng Amway hoặc FLP đều được, thậm chí còn tốt hơn. Không dùng Omo hay các loại bột giặt nhé!

Nếu không ngâm được thì pha đặc hơn 1 chút và phun ướt đều giò lan, mặt trên và dưới của lá, sau đó đợi khô và bạn xịt nước tưới rửa lại là xong.

Cách dùng nước rửa chén này còn đặc biệt hiệu quả khi lan nhà bạn bị nấm bồ hóng bao phủ giả hành, cây và lá (bạn xem hình để biết thêm thế nào là nấm bồ hóng nhé!)

2. VIRUT

– Không có thuốc trị, chỉ có thể phòng bệnh bằng cách xử lý giống và dụng cụ cắt với Physan thật bài bản. Khi lá và giả hành bị bệnh, bạn nên cắt bỏ đi (mang phần bệnh ra khỏi vườn) và tăng sức đề kháng cho lan với trung vi lượng, B1, Atonik hoặc các chiết suất tảo biển….

– Biểu hiện đó là virut phá hủy diệp lục, làm lá mất xanh, các vết hoại tử, các sọc vàng, các vòng đen, các vết khảm lõm hình dáng bất định màu nâu hoặc màu đen.

– Với khoảng 20 loại virut, chúng ta có vô vàn các kiểu hình của bệnh, mỗi loài lan sẽ bị những biểu hiện khác nhau và đôi khi gây ra sự nhầm lẫn với nhiễm nấm và vi khuẩn (vì kiểu hình bệnh quá giống nhau). Bài sau tôi sẽ có 1 bộ sưu tập các kiểu hình lan bị nhiễm virut cống hiến cho các bạn.

3. NẤM

Nấm gây hại lan cũng có nhiều loại, gây các bệnh như thán thư, đốm đen mắt cua, đốm vòng, đen thân đen giả hành, héo rễ, thối giả hành non từ gốc thối dần lên ngọn, thối lá và ngọn non của lan, rỉ sắt…

Nói chung thì nấm có nhiều loại, và thường thì chúng ta cũng có vài loại thuốc trị nấm thông dụng ứng với các loại nấm trên.
Ví dụ như Ridomilgold, Aliette, Antracol, Score, Copperzin, Topsin, Mancozeb, Anvil, Carbenzim, Nativo…

4. VI KHUẨN

Với chục loại khuẩn hại lan, ta sẽ có các bệnh như thối nhũn, thối chồi non, héo teo thối rễ, đốm lá, héo viền lá, bạc lá…
Có khi biểu hiện của bệnh do vi khuẩn và nấm rất dễ nhầm lẫn do kiểu hình rât giống nhau.

Một số các loại thuốc diệt khuẩn như Kasumin, Starner, Streptomycin, Physan, Viên sủi Poner…

CÁCH DÙNG THUỐC NẤM VÀ KHUẨN

1. Xịt phòng bệnh thì nên kết hợp 1 loại trừ nấm với 1 loại diệt khuẩn, trộn chung với nhau và phun định kỳ 15 ngày 1 lần vào mùa mưa, 1 tháng 1 lần vào mùa khô.

Hoặc để phòng được nhiều loại bệnh hơn, ta có thể kết hợp 2 loại thuốc diệt nấm với 1 loại diệt khuẩn pha chung và xịt vào lúc chiều mát. Dĩ nhiên bạn phải đọc nhãn mác, đặc biệt là thành phần để không pha chung 2 loại thuốc có cùng thành phần.

Lúc đầu tôi tính viết phần Nấm và Khuẩn khoảng 15 trang A4, nhưng xem xét lại tôi thấy viết dài chỉ thêm rối cho các bạn, nên tôi tóm lại trong 1 trang. Cách tôi thường phun luân phiên kết hợp thuốc và đổi cho nhau để không lờn thuốc như sau:

Antracol + Starner
Aliette + Starner
Antracol + Kasumin
Aliette + Kasumin
Aliette + Carbenzim + Kasumin
Antracol + Carbenzim + Starner
….
Tóm lại là trong vườn nên tích trữ khoảng 4-5 loại trị nấm và 3-4 loại diệt khuẩn. Có nhiều bạn sẽ nghĩ là nhiều, tôi thì thấy còn ít.

Bên cạnh đó các công ty họ còn có các CẶP ĐÔI TRỊ NẤM KHUẨN. Bạn nên mua dùng cũng rất hiệu quả phòng và trị nấm khuẩn. Hoặc cũng có những sản phẩm tích hợp công thức trị cả nấm và khuẩn. Nói chung thì loại tích hợp hiệu quả phòng là chính, chứ chữa thì hơi kém hơn.

Tự bản thân tôi thấy bài đã quá dài, nhưng lại sơ sài. Bạn nên đọc thêm các bài viết về SÂU BỆNH NẤM KHUẨN của anh Nguyễn Đức Tiến, Anh Lê Thành Nam trong mục các bài ghim của HỘI HOA LAN VIỆT NAM VOS.

TẠI SAO NÊN PHỐI TRỘN 2-3 LOẠI THUỐC TRONG 1 LẦN PHUN?

Trong vườn lan, không bao giờ chỉ có một hay vài loại nấm và vi khuẩn, virút, mà là hàng vài chục loại cùng tồn tại. Mỗi loại thuốc dù là PHỔ TÁC DỤNG RỘNG đi chăng nữa thì cũng chỉ có khả năng diệt được vài loại nấm và khuẩn mà thôi. Vì thế ta phải phối kết hợp thuốc lại với nhau để MỘT MŨI TÊN CHẾT VÀI CHỤC CON NHẠN.

Vấn đề thứ 2 là khi lan nhà bạn bị côn trùng sâu bọ tấn công thì chắc chắn sẽ nhiễm thêm các loại nấm, khuẩn và vi rút từ chân, răng, nước miếng của chúng, thông qua các vết xước sẽ xâm nhập vào lan gây bệnh cho lan. Vì thế sau khi bị côn trùng và sâu bọ tấn công lan nhà bạn thường bị thêm các loại nấm và khuẩn tấn công sinh ra đốm lá, vàng lá, thối nâu, đốm đen, đốm vòng….
Chính vì thế sau khi diệt sâu bọ và côn trùng bạn nên xịt thuốc phòng trừ nấm khuẩn.

Có 1 vấn đề thường xảy ra đó là sau khi bị côn trùng chích chúng thải ra chất thải, từ đó sẽ sinh ra một loại nấm MÀU ĐEN – gọi là NẤM BỒ HÓNG. Bạn cứ diệt côn trùng sau đó dùng nước rửa chén hoặc nước tẩy rửa đa công dụng như phần trên phun đều mặt lá rồi chịu khó lấy khăn sạch lau lớp MUỘI ĐEN ấy đi là xong.

Sau khi dùng thuốc, bạn nên dùng phân trung vi lượng, B1, Atonik… phun cho cây để cây hồi sức. Thường thì sau 2-3 ngày xịt thuốc bạn nên xịt phân cho lan trong vườn.

Cũng chỉ nên pha tối đa 3 loại thuốc với nhau thôi nhé! Và thuốc trừ sâu bọ côn trùng không pha chung với thuốc phòng trừ bệnh. Phân cũng vậy, nên pha riêng ra.

Tóm lại là thuốc sâu đi cùng nhau, thuốc bệnh pha cùng nhau và phân pha cùng nhau. Phun 3 loại này phải cách nhau ít nhất 2 ngày.

Lưu ý khi phun thuốc là phải được 3 lần mới triệt để được. Sâu và bệnh như nhau hết, cứ phải 3 lần. 7 ngày 1 lần để chữa bệnh, nếu bệnh quá nghiêm trọng thì 3-5 ngày 1 lần. Phun diệt sâu và côn trùng thì cứ theo bao bì của thuốc mà tiến hành, trung bình là tiêu diệt thì 7 ngày 1 lần, làm 3 lần.

Phần bên dưới là tôi giới thiệu về công dụng thành phần các loại thuốc thường dùng cho lan. Bạn lưu ý thành phần vì có nhiều loại thuốc trên thị trường thành phần giống nhau nhưng khác tên thương mại. Vì thế nếu bạn ra cửa hàng BVTV nơi bạn sống hỏi tên không có thì đọc thành phần ra người ta sẽ có cái tương tự cho bạn.4

CÁC LOẠI THUỐC CHO LAN

CÁC LOẠI THUỐC TRỊ NẤM (10 loại)

I. Ridomil Gold 68WG (dùng phòng tốt hơn là trị bệnh)

Thành phần: Metalaxyl M 40g/L + Mancozeb 640g/L
A. METALAXYL:
Metalaxyl là hoạt chất trừ nấm thuộc nhóm Alanine, đặc biệt hiệu quả với nhóm nấm Oomycetes mà hai đại diện điển hình của nó là Phytophthora và Pythium gây nên các bệnh nghiêm trọng trên cây trồng. Metalaxyl được đăng ký lần đầu tiên để phòng trừ dịch hại tại Mỹ năm 1979, hiện nay tại Mỹ đã có 81 sản phẩm hoạt chất Metalaxyl đã được đăng ký sử dụng.
Thông tư 21/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng ở Việt Nam, hiện có 38 công ty đăng ký 59 loại thuốc thương phẩm hoạt chất Metalaxyl để phòng trừ bệnh hại trên nhiều loại cây trồng. Trong đó có 18 thuốc thương phẩm đơn chất Metalaxyl (Alfamil 25WP, 35WP; Binhtaxyl 25 EC; Lâmbac 35 SD; Mataxyl 25WP; Rampart 35SD…), 41 thuốc thương phẩm của 13 dạng hỗn hợp giữa Metalaxyl với các hoạt chất khác như Carbendazim + Metalaxyl (Co-mexyl 600SC); Copper Oxychloride + Metalaxyl (Viroxyl 58 WP);Mancozeb + Metalaxyl (Mancolaxyl 72WP, Ridomil Gold 68WG, Mekomilgold 680WG)…
1. Cấu tạo và tính chất vật lý của hoạt chất Metalaxyl
Tên hóa học: methyl N-(methoxyacetyl)-N-(2,6-xylyl)-DL-alaninate
Dạng thành phẩm: Metalaxyl có các dạng thành phẩm gồm dạng hạt (WG), bột thấm nước (WP), nhũ dầu (ND), dung dịch (DD). Metalaxyl có thể sử dụng bằng cách phun qua qua lá, tưới nhỏ giọt, trộn đất hay xử lý hạt giống.
2. Cơ chế tác động của thuốc hoạt chất Metalaxyl
Hoạt chất Metalaxylcó tác dụng nội hấp và lưu dẫn mạnh, thuốc được hấp thu qua lá, thân, rễ cây trồng, sau đó vận chuyển, lưu dẫn trong cây, ức chế tổng hợp protein, can thiệp vào quá trình tổng hợp ARN Ribosome của tế bào nấm. Phòng trừ hiệu quả các loại nấm phát sinh từ đất và các loại nấm phát tán bào tử trong không khí.
3. Ưu, nhược điểm của hoạt chất Metalaxyl
* Ưu điểm
– Các loại thuốc hoạt chất Metalaxyl là thuốc trừ nấm nội hấp, có tác động lưu dẫn mạnh, phổ tác dụng rộng, vừa có tác dụng phòng bệnh vừa có tác dụng trị bệnh hiệu quả, triệt để sau khi phun.
– Hoạt chất Metalaxyl được đăng ký trong danh mục để phòng trừ các bệnh do nấm Phytophthora, Pythium gây bệnh trên nhiều loại cây trồng như bệnh chết nhanh/hồ tiêu; héo rũ, sương mai/dưa hấu; sương mai/cà chua, khoai tây; phấn trắng/ nho; loét sọc mặt cạo/cao su, xì mủ/sầu riêng; vàng lá chín sớm/lúa, vàng rụng lá/cao su; thối quả, thối thân/ca cao; thối quả, sẹo/cam; mốc sương/nho; thối đầu cành /thanh long.…
– Hoạt chất Metalaxyl thuộc nhóm độc III, có chỉ số đánh giá tác động môi trường EIQ là 19,07 thuộc nhóm thuốc có độ độc thấp, thuốc không độc hại với các loài chim, cá và ong, LD50 qua miệng 669mg/kg, LD50 qua da 3100 mg/kg. Hoạt chất Metalaxyl bị phân hủy dễ dàng trong đất và thực vật, được cây trồng hấp thu nhanh nên hạn chế rữa trôi khi trời mưa. Thời gian cách ly của thuốc là 7 ngày, thuốc được Cục BVTV khuyến cáo sử dụng trong Danh mục các hoạt chất thuốc BVTV khuyến cáo lựa chọn để sử dụng trên rau an toàn khi cần thiết (Ban hành kèm theo văn bản số 580/BVTV-QLT ngày 17/4/2014 của Cục Bảo vệ thực vật).
– Hoạt chất Metalaxyl có thể hỗn hợp với nhiều hoạt chất trừ sâu, bệnh khác, đặc biệt có khả năng hỗn hợp với hoạt chất Mancozeb phòng trừ hiệu quả cao nhiều loại bệnh hại cây trồng.
* Nhược điểm:
– Sử dụng các loại thuốc hoạt chất Metalaxyl liên tục dễ hình thành tính kháng thuốc của dịch hại.
– Metalaxyl gây độc cấp tính thấp nhưng gây kích ứng mắt ở mức trung bình và được xếp vào nhóm độc II về tác động kích thích mắt.
3. Ảnh hưởng của việc sử dụng Metalaxyl đối với môi trường
– Sự phân hủy Metalaxyl trong đất: Ở điều kiện đồng ruộng, Metalaxyl có chu kỳ bán phân hủy trong đất từ 7 -170 ngày. Đất ẩm ướt, chu kỳ bán phân hủy khoảng 70 ngày, dưới điều kiện cường độ ánh sáng mạnh, sự phân hủy của Metalaxyl trong đất nhanh hơn. Ở điều kiện đất cát, Metalaxyl phân hủy khá nhanh, nhưng nếu đất được bổ sung phân hữu cơ sẽ kéo dài thời gian phân hủy của Metalaxyl.
– Sự phân hủy Metalaxyl ở trong nước: Ở điều kiện pH từ 5 -9, nhiệt độ từ 20 – 300C chu kỳ bán phân hủy Metalaxyl ở trong nước khoảng 4 tuần, dưới điều kiện ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp, chu kỳ bán phân hủy của Metalaxyl trong nước giảm xuống 01 tuần.
4. Một số sản phẩm hoạt chất Metalaxyl sử dụng phổ biến tại Lâm Đồng
– Trên cây rau: Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành có 19 thuốc thương phẩm hoạt chất Metalaxyl đăng ký phòng trừ bệnh hại trên cây rau như mốc sương, thối nhũn, héo rũ,…Trong đó tại Lâm Đồng các sản phẩm được sử dụng phổ biến gồm Alfamil 25WP, Binhtaxyl 25C, Mataxyl 500WP, Vilaxyl 35 P, Goldsai 350WP, Ridomil Gold 68WG…
– Trên cây hồ tiêu: Có 12 thuốc thương phẩm hoạt chất Metalaxyl đăng ký phòng trừ bệnh chết nhanh, thối rễ, chết héo trên cây hồ tiêu. Tại Lâm Đồng có 6 sản phẩm được sử dụng phổ biến gồm Acodyl 35WP, Tungsin-M 72WP, Ridomil Gold 68WG, Suncolex 68WP, Mataxyl 25WP, Vilaxyl 35 WP
– Trên cao su: Có 04 thuốc thương phẩm hoạt chất Metalaxyl đăng ký phòng trừ bệnh hại trên cao su như vàng rụng lá, loét sọc mặt cạo. Trong đó tại Lâm Đồng có 02 sản phẩm được sử dụng phổ biến gồm Ridomil Gold 68WG, Mataxyl 500WG.
Ngoài ra, Trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành, hoạt chất Metalaxylcòn đăng ký phòng trừ một số bệnh hại trên cây lúa, cà phê, lạc, nho, xoài, vải, dưa hấu, dứa, …
https://www.bvtvld.gov.vn/…/1063-dac-diem-cua-hoat-chat-meta…

B. MANCOZEB 6
Mancozeb là một hoạt chất thuộc nhóm thuốc diệt nấm Dithiocarbamate. Năm 1962, lần đầu tiên Mancozeb được công ty Dow AgroSciences đăng ký dưới tên thương mại là Dithane. Sau hơn 50 năm nghiên cứu và phát triển trên toàn thế giới, đến nay hoạt chất Mancozeb đã được đăng ký để phòng chống tác hại của hơn 400 bệnh hại trên 70 loại cây trồng.
Tại Việt Nam, hoạt chất Mancozeb được đăng ký với 67 tên thương phẩm gồm: 37 tên thương phẩm đơn chất Mancozeb (Annong Manco 80WP; Cadilac 75WG, 80 WP; Đaiman 800WP; Aikosen 80WP; Dithane M – 45 80WP; Fovathane 80WP; Manozeb 80 WP; Penncozeb 80 WP; Tungmanzeb 800WP …) và 30 tên thương phẩm của 12 dạng hỗn hợp Mancozeb với Metalaxyl 8% (Ridozeb 72WP), Metalaxyl-M 40g/kg (Ridomil Gold Ò 68WG)…chủ yếu phòng trừ các bệnh mốc sương, đốm lá/cà chua, khoai tây; sương mai, thán thư/rau; thán thư/chè; phấn trắng, chết cành/nho và cây ăn quả; đốm lá, mốc xanh/thuốc lá; rỉ sắt/cây cảnh…
1. Cấu tạo và tính chất vật lý của Mancozeb: Mancozeb là một phức chất của kẽm và muối mangan, dạng bột màu vàng hung, không tan trong nước và nhiều dung môi hữu cơ khác, bền trong môi trường khô nhưng thủy phân trong môi trường nóng, ẩm và acid.
Tên hóa học: Manganese Ethylene bisdithiocarbamate phức hợp với kẽm.
2. Cơ chế tác động của thuốc hoạt chất Mancozeb:
Hoạt chất Mancozeb không phải thuốc diệt nấm trực tiếp. Chỉ khi tiếp xúc với nước, mancozeb mới bị hoạt hóa, giải phóng ethylene bisiothiocyanate sunfua (EBIS). Dưới tác động của tia cực tím, EBIS chuyển hóa thành ethylene bisiothiocyanate (EBI). EBIS và EBI tác động tới các enzyme có chứa nhóm sulphydryl, gây ức chế hoạt động của sáu quá trình sinh hóa khác nhau trong tế bào chất và ty thể, phá vỡ sự nảy mầm của bào tử nấm bệnh.
3. Ưu, nhược điểm của hoạt chất Mancozeb
* Ưu điểm:
– Thuốc có tác dụng tiếp xúc, phòng ngừa phổ rộng, phòng trừ được nhiều loại nấm bệnh, có hiệu lực cao, kéo dài khi được phun phòng bệnh sớm.
– Thuốc thuộc nhóm độc IV, LD50 qua miệng = 11.200 mg/kg, LD50 qua da > 15000 mg/kg. Thời gian cách ly (PHI) đối với dưa leo, cà chua 4 ngày; thuốc lá, khoai tây 7 ngày. Thuốc ít độc với cá, không độc với ong.
– Nguy cơ hình thành tính kháng thấp, khi hỗn hợp với các hoạt chất khác có tác dụng làm chậm khả năng hình thành tính kháng thuốc của dịch bệnh (ví dụ: Mancozeb + Metalaxyl, Mancozeb + Cymoxanil).
– Thuốc tương đối an toàn với cây trồng, hỗn hợp được với đa số các loại thuốc trừ sâu bệnh khác.
* Nhược điểm:
– Hoạt chất Mancozeb chỉ có tác dụng phòng bệnh tiếp xúc. Sau khi phun tạo thành lớp màng phủ bên ngoài lá, thân cây trồng, ngăn ngừa sự hình thành của mầm bệnh, không xâm nhập được vào bên trong mô thực vật, do đó thuốc không có tác dụng khi nấm bệnh đã hình thành và xâm nhiễm vào bên trong cây trồng.
– Gây bệnh da mãn tính khi tiếp xúc thường xuyên.
– Chỉ số đánh giá tác động môi trường EIQ của hoạt chất Mancozeb là 25,72 thấp hơn so với hoạt chất Zineb thuộc nhóm Dithiocarbamate: 38,06 nhưng cao hơn EIQ hoạt chất Maneb là 21,43. Hoạt chất Mancozeb đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng phòng trừ một số đối tượng bệnh hại trên cây rau nhưng Mancozeb không có trong Danh mục các hoạt chất thuốc BVTV khuyến cáo lựa chọn để sử dụng trên rau an toàn khi cần thiết (Ban hành kèm theo văn bản số 580/BVTV-QLT ngày 17/4/2014 của Cục Bảo vệ thực vật).
3. Một số sản phẩm hoạt chất Mancozeb sử dụng phổ biến tại Lâm Đồng:
– Trên cây rau: Trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành có 51 thuốc thương phẩm hoạt chất Mancozeb đăng ký phòng trừ bệnh hại trên cây rau như mốc sương, giả sương mai, thán thư, thối nhũn, phấn trắng, đốm vòng, đốm lá…Trong đó tại Lâm Đồng có 25 sản phẩm được sử dụng phổ biến gồm Annong Manco 80WP, Dithane M-45 80WP, Forthane 80WP, Manthane M 46 80WP, Penncozeb 80WP, Ridomil MZ 72WP, Romil 72WP, Rinhmyn 680WP, Ridomil Gold Ò 68WP…
– Trên cây cà phê: Trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành có 17 thuốc thương phẩm hoạt chất Mancozeb đăng ký phòng trừ bệnh rỉ sắt, thán thư trên cây cà phê. Tại Lâm Đồng có 9 sản phẩm được sử dụng phổ biến gồm Annong Manco 300SC, Cadilac 75WG, 80WP; Dithane M – 45 80WP, Fovathane 80WP, Penncozeb 80 WP, Tipozeb 80 WP, Tungmanzeb 800WP, Rithonmin 72WP
– Trên hoa, cây cảnh: Trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành có 04 thuốc thương phẩm hoạt chất Mancozeb đăng ký phòng trừ bệnh hại trên hoa, cây cảnh như đốm đen/hoa hồng, đốm lá, rỉ sắt/hoa cây cảnh, sương mai/hoa hồng. Trong đó tại Lâm Đồng có 03 sản phẩm được sử dụng phổ biến gồm Cadilac 75WG, 80 WP; Kanras 72WP.
Ngoài ra, Trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành, hoạt chất Mancozeb còn đăng ký phòng trừ một số bệnh hại trên cây lúa, vải, dưa hấu, nho, điều, nhãn, lạc, ngô, đậu tương, hồ tiêu, cao su, …
4. Một số lưu ý khi sử dụng hoạt chất Mancozeb để phòng trừ bệnh hại cây trồng
– Nên sử dụng thuốc hoạt chất Mancozeb để phòng bệnh khi thấy có những điều kiện phù hợp cho nấm bệnh phát triển (thường là sau khi có mưa kéo dài và độ ẩm không khí cao hoặc khi những ruộng bên cạnh đã nhiễm bệnh).
– Cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly khuyến cáo trên nhãn thuốc. Đảm bảo tuân thủ đúng liều lượng khuyến cáo, tuyệt đối không giảm hoặc tăng liều lượng phun nhằm tránh khả năng hình thành tính kháng thuốc của nấm bệnh.
– Khi sử dụng thuốc hoạt chất Mancozeb cần chú ý kỹ thuật phun để đảm bảo thuốc tiếp xúc với nấm bệnh mới có tác dụng phòng ngừa.
https://www.bvtvld.gov.vn/…/1013-dac-diem-cua-hoat-chat-manc…

II. ANTRACOL 70WP

Antracol chứa Propineb, một loại thuốc diệt nấm tiếp xúc với các hoạt động phổ rộng chống lại các bệnh khác nhau của lúa, ớt, nho, khoai tây, hoa lan và các loại rau và trái cây khác. Propineb là một dithiocarbamate kẽm chứa polyme

– Thuốc trừ nấm bệnh tiếp xúc, có tác động đa điểm lên tế bào của nấm gây bệnh vì vậy nấm rất khó kháng thuốc đồng thời thuốc có tác dụng bảo vệ cây trồng ví như người chiến binh ngày xưa mặc bộ áo giáp kẽm.
Propineb ngăn cản sự trao đổi chất của nấm; trên một số điểm của chuỗi hô hấp, trong quá trình chuyển hóa carbohydrate và protein, trong màng tế bào.

– Nhờ có vi lượng kẽm dễ tiêu bổ sung nên thuốc Antracol 70WP có tác dụng kích thích mạnh sự sinh trưởng, phát triển của cây lan (kể cả cây trồng khác) dẫn đến làm lá lan xanh hơn, cứng cây, bộ lá cứng cáp dẻo dai, đồng thời làm tăng khả năng chống chịu tất cả các bệnh. Đặc biệt thuốc này kích thích bộ rễ cây lan phát triển rất mạnh, rễ nhiều hơn, dài hơn do đó khắc phục tốt bệnh vàng lá – thối rễ lan.

Sự kết hợp hoàn hảo để phòng nấm phổ SIÊU RỘNG là pha chung Antracol với thuốc trừ nấm NATIVO

III. NATIVO 750WG

– Nativo 750 WG – thuốc trừ nấm thế hệ mới – Nhờ sự kết hợp chặt chẽ của 2 hợp chất Trifloxystrobin và Tebuconazol, với sức mạnh tổng hợp, thuốc Nativo 750WG thách thức mọi nấm bệnh. Do đặc tính tiếp xúc và lưu dẫn cao, có tính lan toả trong mô cây rất mạnh nên thuốc nhanh chóng bảo vệ cả 2 mặt lá cây, kể cả các bộ phận khác của cây ở bên trong lẫn bên ngoài dù không được tiếp xúc với thuốc. Vì vậy thuốc có tác dụng tối ưu, phòng và trừ triệt để, tận gốc tất cả các bệnh nấm hại cây trồng. Đây là thuốc đặc trị phổ rộng không chỉ phòng, trừ các loài nấm bệnh trên cây lúa mà còn phòng trừ được hầu hết các loài nấm gây bệnh trên các cây trồng khác như dưa hấu, cà phê, xoài, đậu các loại…

– Thuốc có tác động ức chế mạnh quá trình sinh tổng hợp Ergosterol (do hoạt chất Tebuconazol) và quá trình hô hấp của các nấm gây bệnh (do hoạt châtTrifloxystrobin) làm nấm bị tiêu diệt nhanh chóng song không làm ảnh hưởng đến cây trồng. Thuốc có tính an toàn cao, ở dạng bột thấm nước rất dễ sử dụng, có liều lượng sử dụng thuốc thương phẩm trên một đơn vị diện tích rất ít (chỉ 0,12 kg/ha lúa). Nativo 750WG tác dụng đặc trị đồng thời tất cả các bệnh nấm chủ yếu hại lúa như bệnh đạo ôn (lá và cổ bông), bệnh khô vằn, bệnh vàng lá, bệnh lem lép hạt… cũng như các bệnh nấm hại cây trồng khác)

– Nội hấp, lưu dẫn, trừ nhiều loại bệnh xuất hiện cùng lúc.
– Đặc trị thán thư, hiệu quả cao trên các bệnh đốm lá, phấn trắng, rỉ sắt.
– Giúp rau trái sáng đẹp, đậu và hồ tiêu chắc hạt.
– Giữ màu sắc hoa, trái tươi lâu hơn.
– Hiệu quả ổn định khi sử dụng trong mùa mưa.
– Hiệu lực kéo dài hơn các loại thuốc trừ bệnh khác khoảng 1 tuần trong mùa mưa.8

IV. ALIETTE 80WP

Thành phần: Fosetyl – Aluminium 80% (w/w) + Phụ gia 20% (w/w)

Aliette là một loại thuốc trừ nấm đặc hiệu cho một số nấm bệnh khó trị như: Phytopthora, Pythium gây bệnh chết nhanh hại tiêu, chết dây dưa hấu, bệnh chết cây con thuốc lá, bệnh xì mủ thân cây cam, quýt, sầu riêng; nấm bệnh gây bệnh phấn trắng họ bầu bí, nho,dưa leo (Thuốc có tác dụng chủ yếu đối với các loại nấm thuộc lớp nấm tảo (phycomycetes) bao gồm bộ nấm Saprolegniales (bệnh thối mầm, rễ mạ lúa), bộ nấm sương mai Peronosporales (sương mai, bệnh phấn trắng hại nho, rau, dưa, hành, tỏi; bệnh thối nhũn thuốc lá, bệnh thối tâm (thối nõn) dứa, bệnh nứt thân xì mủ cam, quýt, bưởi, sầu riêng; bệnh chết nhanh (chết ẻo) hồ tiêu, bệnh loét mặt cạo cao su (bệnh xì mủ), bệnh thối quả nhãn; bệnh thối lá, thối rễ hoa cây cảnh …) ngoài ra thuốc cũng có tác dụng chống một vài loại vi khuẩn gây bệnh khác).

Thuốc lưu dẫn 2 chiều, chuyên trị bệnh thối đen từ gốc và cổ rễ của mầm giả hành lan rồi thối dần lên trên, từ trong ra ngoài.

V. SCORE 250EC

Hoạt chất Difenoconazole 250g/L
Tác động tiêu diệt nấm bệnh thông qua cơ chế ngăn cản sinh tổng hợp Ergosterol (chất cấu tạo nên màng tế bào nấm bệnh).
Thấm sâu nhanh và lưu dẫn mạnh trong thân, lá… để tầm soát và tiêu diệt nấm bệnh.
So với các hoạt chất cùng nhóm, Score khá an toàn cho cây trồng.
Hạn chế bị rửa trôi dù bị mưa sau khi phun vài giờ, phù hợp xử lý trong mọi điều kiện thời tiết.

Trị các bệnh thán thư, rỉ sắt, muội đen, đốm nâu, đốm nâu vòng…

VI. ANVIL 5SC14212578_732540756899412_6406353826190561076_n

Hoạt chất Hexaconazole 50g/L

Anvil là thuốc trừ bệnh phổ rộng, tiêu diệt nấm bệnh thông qua cơ chế ngăn cản sinh tổng hợp Ergosterol (chất cấu tạo nên màng tế bào nấm bệnh), nấm bệnh sẽ bị cô lập và ngừng phát triển do chúng không hình thành được tế bào mới.

Anvil được mô cây hấp thu nhanh, chuyển vị và lưu dẫn mạnh nên kiểm soát nấm bệnh nhanh chóng, hiệu quả và kéo dài bằng cơ chế vừa phòng vừa trị bệnh.

Phòng trị rỉ sắt, đốm đen, phấn trắng, lở cổ rễ

Trừ nấm phổ rộng, tác động nội hấp và lưu dẫn mạnh.

VII. TOPSIN M (Có dạng dung dịch và dạng bột)

Hoạt chất: Thiophanate-Methyl

Thuốc lưu dẫn, nội hấp, đặc trị nhiều loại nấm gây bệnh trên nhiều cây trồng khác nhau.

Chuyên trị vàng lá, thán thư, rỉ sắt, đen thân, đốm nâu, thối rễ…

VIII. CARBENZIM 500FL

10Hoạt chất Carbendazim 500g/L

Là thuốc trừ nấm phổ rộng và thời gian tác dụng kéo dài.
Đặc trị đốm đen trên lá, thán thư, rỉ sắt, thối cổ rễ…7

IX. Riêng đối với NẤM TRẮNG bám trắng giá thể là gỗ, lũa, bạn có thể dùng Benkona hoặc Copperzinc (đồng kẽm) xịt là xong. Nấm này dùng nước vôi hay Physan20L không ăn thua bạn ạ.

X. Nấm hạt cải ở bẹ và gốc lan thì bạn dùng Viben C. 

CÁC LOẠI THUỐC TRỊ KHUẨN (4 loại)

I. STARNER 20WP

3Hoạt chất Oxolinic acid 20%

Chuyên trị bạc lá và thối nhũn do vi khuẩn. Đặc biệt trên các giống lan đơn thân như Ngọc Điểm, Hải Yến, Sóc, Chồn… và các giống địa lan thối nhũn giả hành. Chỗ bị bệnh có dịch khuẩn và bốc mùi thối nồng nặc rất khó chịu.

II. KASUMIN 2L

Hoạt chất: Kasugamycin 2%

Kasugamucin là kháng sinh chiết xuất từ sự lên men của nấm Streptomyces kusagaensis.
Kasumin là thuốc trừ nấm bệnh và vi khuẩn, trên nhiều loại cây trồng. Hiệu quả cao cả phòng và trừ.
Do đặc tính là chất kháng sinh gốc thực vật, không gây phản ứng hóa học nên Kasumin là thuốc nền cho sự pha trộn.
Thuốc lưu dẫn, phổ rộng, tác dụng nhanh.
Quá trình dịch chuyển của thuốc vào cây nhanh, chỉ 20 phút sau phun thuốc đã dịch chuyển đến các bộ phận của cây.

Tác động: Ức chế sự hình thành Acid amin trong cơ thể vi khuẩn.
Ức chế quá trình tổng hợp protein trong cơ thể nấm.

Theo tôi thấy loại thuốc này chuyên để phòng bệnh rất hiệu quả.
Nếu bạn thực sự muốn bao quát vài chục loại nấm và khuẩn trong 1 lần phun thuốc thì có thể pha: Kasumin + Carbendazim + (một trong các loại thuốc nấm bên trên, ví dụ Ridomil Gold).

III. PONER 40TB14212768_732540883566066_7640714105603529741_n

Thành phần: Streptomycin sulfate 40%
Chuyên trị thối nhũn, bạc lá.
Thuốc này xịt khi cây bệnh và đúng liều nhé các bạn. Dùng quá nhiều sẽ không tốt cho các loại lan ít rễ và rễ nhỏ. Tốt nhất KHÔNG dùng để phòng bệnh.
Thuốc này bạn có thể pha chung với Đồng clorua hoặc Kẽm sunfat hoặc Kasumin để phổ trừ bệnh rộng hơn và tăng hiệu quả tác động, dập dịch khi dịch thối nhũn và nấm bùng phát mất kiểm soát.

IV. PHYSAN 20L

1Thuốc có tác dụng sát khuẩn, tiêu diệt cả nấm và vi khuẩn vì có khả năng phá vỡ vách tế bào. Không bị kháng thuốc. Trị các bệnh như thối thân, thối gốc, thối nhũn.
Tuy nhiên tác dụng trị thối nhũn không cao lắm nếu bạn chỉ xịt bên ngoài vì thuốc không lưu dẫn. Chính vì thế khi lan bệnh bạn nên pha 1 chậu thuốc và ngâm luôn cả giá thể và lan vào chậu 20-30 phút là chắc ăn nhất.
Tôi chỉ dùng thuốc này để xử lý giống, dụng cụ cắt và giá thể, thỉnh thoảng dùng để xịt phòng bệnh cho vườn. Khi lan bị thối nhũn tôi không dùng loại này.
Nếu bạn muốn xử lý rêu hay nấm trắng thì phải hòa thuốc đặc gấp 3-5 lần so với bao bì mới đạt kết quả.

V. NANO BẠC Ag

Vừa phòng và trị nấm, vi khuẩn và cả virut. Rất an toàn với người và động vật. Thậm chí dùng tay không trộn thuốc vẫn không sao.

Không sợ kháng thuốc và phổ cực rộng.

Nếu điều trị bệnh cho lan thì liều phải cao nhất ghi trên bao bì!

Chào bạn! Bạn thật kiên trì khi đọc tới dòng này. Bạn có góp ý hay bổ xung cho tôi thì nhớ cho tôi xem tài liệu khoa học cụ thể nhé! Nếu bạn có thể giúp tôi thay đổi 5% nội dung bài viết, tôi sẽ tặng bạn 1 giò lan trị giá 300k trở lên.

14212098_732540880232733_3031793512199716418_n 14212199_732540760232745_7573376614942640855_n 14212768_732540883566066_7640714105603529741_n 14222277_732540653566089_1631322316717110184_n 14225616_732540836899404_2893742267199688462_n 14233181_732540830232738_4187637549269021744_n 14237692_732540663566088_6063667506772578183_n 14264943_732540833566071_5197841849193385369_n 14264958_732540943566060_7613681465411896952_n 14265037_732540496899438_2504800018457669547_n 14292380_732540706899417_1946130612583183941_n-1 14322744_732540456899442_42640919698253091_n 14330035_732540720232749_3415965611785438807_n14291893_732540896899398_1023145404463213222_n

Nếu có coppy bài tôi thì làm ơn ghi nguồn tên tôi là được. Hình về bệnh tương ứng từng thuốc khi nào bài này đạt 1500 lượt CHIA SẺ tôi sẽ viết đăng. Hình lan nhiễm virut cũng vậy.

Nguyễn Ngọc Hà – Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng.

CƠ SỞ SẢN XUẤT THÁI SƠN | P.Trung Mỹ Tây, Q.12, Tp.Hồ Chí Minh

1) Nick facebook: Tô Quốc Cường (0977.781.549 | Dĩ An, Bình Dương | quoccuongbinhduong@gmail.com)

2) Nick facebook: Ben Nguyen (090.337.4405 | Quận 2, TP. Hồ Chí Minh | bennguyendalat@gmail.com)

0977.781.549
0903.374.405