DÂN CHƠI LAN

- Trang Web chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc hoa lan và giới thiệu chế phẩm đặc biệt: HÙNG NGUYỄN - ĐÀ LẠT

THẠCH HỘC TÍA – LAN LÀM THUỐC – NGUYỄN NGỌC HÀ

THẠCH HỘC TÍA – Dendrobium officinale Kimura et Migo (Bài 49)
Đại tiên thảo – Cây thuốc nghìn vàng – Trồng lan làm thuốc

Mới vào đề đã quăng lựu đạn, quăng bom, nổ… Không! Tôi không nói ngoa chút nào cả. Chỉ là trước giờ ít người biết mà thôi.
Thực sự ngoài trồng lan, trước đây tôi cũng có gần chục năm trong ngành chăm sóc sức khỏe. Tôi rất thích nghiên cứu về y học (Thực Dưỡng), nhất là các cây thuốc nam (nói là thích thôi chứ thật ra là không hiểu gì mấy). Nói gì thì nói, phải có sức khỏe thì mới vui chơi và chơi vui được.

Chi lan Thạch Hộc thì có rất nhiều giống, nhưng trong đó chỉ có Thạch Hộc Tía (hay Thạch Hộc Rỉ Sắt) là quý nhất, được đánh giá chính là TUYỆT PHẨM của Thạch Hộc.

Tôi không biết ông nào đặt cho cây thuốc – lan này là Thạch Hộc Tía, một cái tên phải nói là cực kỳ khó hiểu. Mất đúng 1 buổi tối tra cứu bao nhiêu từ điển Hán – Nhật – Việt tôi mới tạm gọi là mò ra được ý nghĩa của cái tên.

Thạch ở đây có lẽ chính là nói về đơn vị đo lường của người Nhật ngày xưa để tính thể tích, 1 thạch tương đương 278,3 lít, nhưng lúc đầu người ta dùng từ THẠCH để đo lường số gạo mà một người tiêu thụ TRONG 1 NĂM.

Hộc chính là đơn vị đo lường của Trung Hoa xưa, 10 đấu tương đương 1 hộc, 1 đấu tương đương lượng gạo 1 người tiêu thụ trong 1 ngày. Vậy 1 hộc là lượng gạo 1 người tiêu thụ trong 10 ngày.

Thạch Hộc là chỉ lượng gạo 1 người tiêu thụ trong 1 năm 10 ngày. Ý nghĩa là nói về độ quý hiếm của 1 thang thuốc từ cây Thạch Hộc Tía tương đương giá trị của 1 số gạo rất lớn, vì lẽ đó chỉ có vua chúa mới dám dùng Thạch Hộc làm thuốc.

Tía ở đây ý nghĩa là trên giả hành và bẹ lá thường có những đốm tía tía hoặc đốm tím tím hoặc như rỉ sắt nên trong tên gọi mới có thêm chữ TÍA hoặc chữ RỈ SẮT.

Ầy dà, không biết giải thích thế có đúng không nữa.

Cũng có thể cây lan này hay mọc ở trong các hốc trên vách đá nên mới gọi vậy chăng? Khả năng này là có nhưng tôi nghĩ chắc chắn không chuẩn vì thường thì giống này mọc trên các thân cây gỗ là nhiều.

Vậy bạn nào có cách giải thích chuẩn hơn xin được chỉ giáo giùm tôi, tôi xin rửa tai lắng nghe! Đa tạ!

Xưa kia Trung Quốc có 9 loại “Đại Tiên thảo Trung Hoa” gồm Thạch hộc rỉ sắt , Thiên sơn tuyết liên, Tam trạng nhân sâm, Đông trùng hạ thảo, Bách niên thủ ô, Hoa giáp phục linh, Đại mạc tùng dung, Thân sơn linh chi và Chân châu đáy biển. Trong đó Thạch hộc có công năng siêu việt về tư âm, bổ thận, được xếp vào đại tiên thảo đầu vị của 9 loại đại tiên thảo trên.

Nghe như tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung ấy nhỉ. Sự thật là mấy món trên tồn tại đó, bạn chỉ cần lên google.com gõ tên vào và nhớ thêm từ THẢO DƯỢC đằng sau thì sẽ thấy thứ bạn cần tìm.

Lan man quá, vào chủ đề chính thôi!

KỸ THUẬT TRỒNG

Ngày này hàng mô nhiều lắm, bạn có thể liên hệ Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây để mua giống, nhưng mà mua ít người ta không bán đâu ạ.

Nếu trồng loại người ta nhổ từ rừng hay nhập từ Trung Quốc về thì rất dễ.

Tôi chia sẻ cách trồng chơi vài chậu tới vài trăm chậu thôi nhé, nhiều hơn thì alo trực tiếp tôi chia sẻ cho.

Bước 1: Cắt tỉa rễ lá thân hỏng đi. Sau đó ngâm vào dung dịch physan 20 liều 1ml pha 1 lít nước trong 5 phút. Vớt ra để ráo.

Bước 2: Ngâm vào chế phẩm Hùng Nguyễn trong 1 tiếng với liều pha 20 giọt cho 1 lít nước. Nếu không, bạn có thể ngâm với B1 hoặc các loại thuốc kích thích ra rễ và nảy chồi khác bán đầy rẫy ngoài thị trường.

Bước 3: Trồng vào chậu hoặc gắn lên bảng dớn. Nếu là chậu thì bạn có thể cho vào vỏ thông hoặc dớn vụn hoặc đá xốp bọt trộn mùn cưa…. nói chung giá thể giữ ẩm nhưng thoát nước là được. Tốt nhất không nên ghép vào gỗ, lũa hoặc than vì cây lên rất kém. Tôi đã thử nghiệm và thấy rằng chỉ tổ tốn diện tích và tốn công chăm sóc mà hiệu quả không có.

B4: Hàng tuần phun NPK+te + Chế phẩm Hùng Nguyễn như bài 6. Phun Nano bạc và Nano đồng phòng bệnh. Treo ở chỗ mát mẻ cỡ 18-33 độ, ánh sáng khoảng 50%. Tôi cũng từng thử ở ánh nắng 70% nhưng thấy cây lên chậm rì rì.
Hàng tháng nên phun phòng nhện đỏ và bọ trĩ với Pesieu+Fendona. Rải bả sên hoặc bẫy sên 1 lần.

Vài Lưu Ý Nhỏ:

Thạch Hộc Tía có 1 chút lông nên hơi lâu khô, nếu mưa nhiều quá sẽ dễ bị thối nhũn khi giàn không thoáng.

Cây khá nhạy cảm, dễ cháy lá và ngọn nếu phân thuốc liều cao.

Nói chung là em này khá dễ trồng, dễ chơi, mùa thích hợp nhất để ghép là vào tầm tháng 3 âm lịch.

TÁC DỤNG ĐỐI VỚI SỨC KHỎE CON NGƯỜI

Cách đây ba bốn năm, 1 ký Thạch Hộc Tía tươi có giá lên đến bốn năm triệu, nhưng do hiện nay bên Trung Quốc họ trồng nhiều quá, nên giá cả ngày càng giảm xuống còn chưa tới 1 triệu 1 ký. Tại sao họ lại trồng nhiều thế? Tôi nghe nói báo chí người ta thống kê, thị trường nội địa Trung Quốc cần tới 2000 tấn Thạch Hộc Tía 1 năm để làm thuốc, nhưng hiện nay mới chỉ tạo ra được trên 200 tấn.

Họ bán sang Việt Nam 1 phần nhỏ chưa bằng cái móng tay thôi các bạn ạ. Nên đừng lúc nào cũng nghĩ họ chơi đểu Việt Nam mình (à, dĩ nhiên là số ít thôi). Vậy mà giá cả tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng ghê gớm. Điều này chứng tỏ cái gì?

Chứng tỏ chúng ta mua về trồng chơi và ngắm hoa, chứ chưa có tính tới chuyện làm thuốc như người ta.

Theo tôi tính toán, hiện nay giá 1 cọng Thạch Hộc Tía dài 15cm có giá trung bình là 10-15 ngàn đồng. Vậy mà có chỗ nào đó họ bán vài ba trăm ngàn 1 ký khô. Thật không biết là đấy là Thạch Hộc Tía hay RƠM? Nên các bạn mua làm thuốc, tốt nhất nên mua tươi. Sau khi mua tươi về trồng 3 tháng tại nhà không phân không thuốc chỉ cho ăn nước lã và hít khí giời, khi đó mới an tâm đưa vào miệng nhé! Còn lại tất cả đều KHÔNG THỂ TIN ĐƯỢC (Viết khúc này xong mai ra đường có khi bị chém chết, kệ, muốn chém muốn giết gì thì tùy).

Có nhiều cách sơ chế, chế biến và bảo quản, nhưng mà tôi thấy các cách đó phức tạp không chịu nổi, nên tôi chia sẻ các bạn vài cách mà trẻ con lớp 2 cũng làm được (dĩ nhiên hiệu quả thì tương xứng với công sức rồi).

– Ngắt hoa tươi cho vào nước sôi như pha trà rồi uống.
– Lấy thân, lá, hoa ngâm rượu nhẹ (đừng dùng Bàu Đá, Gò Đen, Cát Quế… nhé).
– Hầm với chân giò, hầm gà.
– Xào tỏi, xào thịt bò…
– Luộc như luộc rau muống chấm nước mắm.
– Nếu có nhiều hoa quá, bạn cũng có thể ngắt rồi phơi khô trong mát (phơi với ánh nắng yếu).
– Bạn cũng có thể phơi cả giả hành, đợi tới khi đủ nhiều thì lên mạng tìm cách phối với các loại vị thuốc khác rồi ra nhà thuốc đông y mua thêm các vị thuốc khác về tự phối trộn lại và dùng.

Nói chung là tôi cũng mò mẫm mấy ngày, tìm vào các trang tiếng Hoa và Nhật lấy được mấy tấm hình hay phết, các bạn tự soi nhé. Tôi không biết giải thích gì cả.

CÔNG DỤNG

– Tăng cường khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng.
– Chữa đau dạ dày, đầy hơi chướng bụng khó tiêu, tăng cường co bóp và tiết dịch dạ dày.
– Viêm gan, sỏi mật, viêm mật, nóng gan.
– Làm các ổ khớp trơn tru, tăng cường dịch nhờn ổ khớp, dẻo dai gân cốt, đặc biệt tốt cho người bệnh khớp.
– Các bệnh về đường huyết và tim mạch, cholesteron.
– Các bệnh về u, bướu như u xơ tiền liệt tuyến, u vú, u xơ tử cung…
– Mờ mắt, mỏi mắt.
– Giảm trí nhớ, giảm suy chức năng bộ não.
– Làm đẹp da, chống lão hóa, nám tàn nhang… Đặc biệt bị bỏng lấy giả hành giã nát đắp vào sẽ dịu vết bỏng và nhanh lành vết bỏng…
– Bổ thận, bổ máu…
Tôi đã cố gắng vắn tắt hết cỡ, mấy cái thuật ngữ như polysacarit, ankaloid, acid amin…. các loại vitamin có trong Thạch Hộc Tía có cơ chế như thế nào với tế bào và các mô của cơ thể… vân vân và mây mây tôi lược bỏ hết, vì thực tế viết vào chỉ tỏ thêm sự nguy hiểm của tác giả chứ không có tác dụng gì cho người đọc. Viết vậy mà còn chê dài nữa thì chỉ chứng tỏ hai điều, một là bạn không quan tâm tới chủ đề này, hai là bạn có ham muốn nhưng bạn quá lười.
Bài viết có sự tham khảo từ hai nguồn bên dưới, bạn nào thực sự muốn đi sâu vào thì hãy click.

https://nongnghiep.vn/than-duoc-thach-hoc-tia-post119811.html
https://www.vietrap.vn/tim-hieu-so-luoc-ve-cay-thach-hoc-tia

Bạn hãy coi hình để mở rộng tầm mắt. Xem nước người ta làm để mình có động lực nhé. Khá nhiều hình, đều là tâm huyết mãi mới tìm thấy đấy ạ.

Hy vọng rằng bài này sẽ có ích với nhiều người. Tại sao hiện nay Việt Nam phải nhập 80% thảo dược từ Trung Quốc? Mấy cái cây như Đương Quy, Nhân Sâm, Đinh Lăng, Bạch Quả, Cam Thảo, Hà Thủ Ô, Thạch Hộc Tía… và hàng trăm thứ khác chúng ta hoàn toàn có thể trồng được thậm chí còn tốt hơn hàng chục lần người ta về chất lượng… vậy mà vẫn phải nhập khẩu.

Một đất nước có nền công nghiệp lạc hậu như Việt Nam mà nông nghiệp cũng í ẹ như vậy là làm sao?

Thấy HAY thì CHIA SẺ nhé bạn. Cảm ơn bạn vì đã đọc đến đây. Tôi còn có vài tư liệu về mấy loại lan khác dùng làm thuốc, nếu bài này được nhiều Chia Sẻ, được nhiều quan tâm thì từ từ tôi sẽ viết thêm.

Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng, Lâm Đồng

  

CƠ SỞ SẢN XUẤT THÁI SƠN | P.Trung Mỹ Tây, Q.12, Tp.Hồ Chí Minh

1) Nick facebook: Tô Quốc Cường (0977.781.549 | Dĩ An, Bình Dương | quoccuongbinhduong@gmail.com)

2) Nick facebook: Ben Nguyen (090.337.4405 | Quận 2, TP. Hồ Chí Minh | bennguyendalat@gmail.com)

0977.781.549
0903.374.405